Tân bí thư Hà Nội, TP. HCM và kỳ vọng đột phá

Ông Hoàng Trung Hải và ông Đinh La Thăng, những chính khách từng thành công ở cấp trung ương, đang mang đến hy vọng cho người dân 2 thành phố lớn nhất Việt Nam.
Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải. Ảnh: Hoàng Hà - Nguyên Anh.
Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải. Ảnh: Hoàng Hà - Nguyên Anh.

GS Jonathan London (ĐH Thành thị Hong Kong, Trung Quốc): Chắc chắn nhiều người sẽ cảm thấy nhẹ nhõm khi vị trí lãnh đạo của Hà Nội và TP HCM được trao cho những người từng gặt hái nhiều thành công trên các vị trí quản lý cao tại trung ương.

Việc ông Đinh La Thăng trở thành Bí thư Thành ủy TP.HCM có thể khiến một số người đặt câu hỏi về khả năng một người từ Hà Nội có thể quản lý tốt tại thành phố phồn thịnh nhất phía Nam? Tuy nhiên, người mới có cái nhìn toàn cảnh và thực hiện được những điều mà người địa phương khó có thể làm bởi những mối quan hệ ràng buộc.

Không thể khẳng định người phương xa có thể lãnh đạo tốt hơn hay tệ đi so với người địa phương. Nhưng nhiều người đang cảm nhận thấy sự thay đổi về tốc độ và phong cách phát triển của TP HCM.

Về phía Hà Nội, ông Hoàng Trung Hải là người có nhiều kinh nghiệm quản lý đã được kiểm chứng, có thể tạo ra hiệu quả đối với thành phố. Mọi người đều hy vọng cả hai bí thư mới của Hà Nội và TP HCM sẽ thành công.

TS Võ Trí Hảo (ĐH Kinh tế TP HCM): Không riêng tôi mà nhiều trí thức hồ hởi, phấn khởi khi nghe tin ông Đinh La Thăng về làm Bí thư Thành ủy TP HCM. Ông Thăng là người thích hợp giải quyết những bài toán bức thiết đặt ra mà nhiều thế hệ lãnh đạo TP HCM đã nỗ lực nhưng giải quyết chưa trọn vẹn.

Nhu cầu của nhân dân nhiều, nhưng bức xúc gần đây có 3 vấn đề lớn. Một là nạn cướp giật và an ninh đường phố. Hai là vấn đề triều cường và vệ sinh môi trường. Vấn đề thứ ba, TP HCM có quy mô dân số trên 10 triệu dân, đường kính 140 km, nhân dân rất cần một mô hình quản trị mới, đáp ứng nhu cầu đặc thù. TP HCM không thể sử dụng chung mô hình của Hà Giang, Cao Bằng, hay thậm chí Hà Nội, vì tính chất phát triển khác biệt.

3 nhu cầu lớn, thì 2 nhu cầu bức xúc trước mắt, còn nhu cầu sau sẽ đáp ứng câu hỏi, liệu TP HCM có trở lại là hòn ngọc Viễn Đông được hay không.

Chúng tôi hy vọng con người hành động, quyết đoán, dám làm, được sự hỗ trợ cao từ Bộ Chính trị, sẽ có thể giải quyết trọn vẹn những yêu cầu này. Trước mắt, là câu chuyện cướp giật ở thành phố sẽ giảm nhờ tư duy "nhổ biển báo không được thì nhổ người".

Bí thư Thành ủy TP HCM Đinh La Thăng. Ảnh: Hoàng Hà - Nguyên Anh.

Bài toán hạ tầng là vấn đề triều cường, vệ sinh môi trường tân có thể làm được nhờ cơ chế tài chính mới. Vấn đề thứ ba tôi kỳ vọng, nhưng là bài toán khó chưa dám chắc, vì liên quan đến tập thể lớn, là mô hình chính quyền đô thị.

Lãnh đạo mới chắc chắn sẽ có bứt phá. Ở mức độ nào, thành công bao nhiêu còn phụ thuộc vào đội ngũ cố vấn và cá nhân ông Thăng. Nhưng trước mắt, ông Thăng cần làm cho nhân dân TP HCM hiểu rõ mục tiêu, chiến lược, tầm nhìn 5 năm tới, để ủng hộ và giám sát và huy động sự ủng hộ của Trung ương.

Bà Hoàng Hiệp, chuyên gia tư vấn về chính sách và các dịch vụ hỗ trợ phát triển kinh doanh Việt Nam: Với Bí thư Hà Nội Hoàng Trung Hải, người từng đảm nhận vị trí trong doanh nghiệp, tôi kỳ vọng ông sẽ có cơ chế, chính sách để sử dụng các nguồn lực sẵn có, hàng hoá công như cơ sở hạ tầng của các cơ quan công quyền. Các toà nhà của các uỷ ban nhân dân thay vì cho thuê làm khu thể dục thể hình... có thể huy động để các bạn trẻ lập nghiệp.

Các hoạt động văn nghệ chào mừng nên được thay bằng các sự kiện trình chiếu các sản phẩm/dịch vụ của các doanh nghiệp khởi nghiệp trong địa bàn.Các giải thưởng văn nghệ hãy thay thế bằng các giải thưởng sáng tạo kinh doanh.

Thay vì vay vốn tạo các dự án mới thiếu hiệu quả, tạo gánh nợ lên doanh nghiệp và người dân, hãy tạo cơ chế và môi trường trong sạch, thông thoáng để người dân, doanh nghiệp tự phát triển và làm giàu, minh bạch hóa dịch vụ công để thuận lợi cho người dân sử dụng và giám sát.

Ông Lê Quang Bình (Chủ tịch nhóm làm việc vì sự tham gia của người dân - PPWG): Người dân luôn kỳ vọng vào sự lãnh đạo hiệu quả của chính quyền thành phố Hà Nội và TP HCM. Sự hiệu quả này được thể hiện qua những vấn đề dân sinh, ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống hàng ngày của người dân như giao thông đô thị, nước sạch, các dịch vụ y tế, giáo dục và hành chính.

Một cây cầu vượt giải tỏa một nút thắt giao thông, một điểm xe buýt đặt đúng chỗ, hay một công trình xây dựng được che chắn cẩn thận để tránh bụi bẩn ảnh hưởng đến người đi đường hoặc cư dân sống xung quanh luôn được người dân trân trọng. Những cái này tuy nhỏ nhưng nó thể hiện tinh thần vì chất lượng cuộc sống của người dân rất lớn, nó thể hiện cái tâm và cái tầm của lãnh đạo.

Để làm được điều này, chính quyền không thể làm một mình mà cần có sự tham gia của người dân và các tổ chức xã hội dân sự. Một thành phố văn minh, trật tự, sạch đẹp hay không tùy thuộc vào ý thức của người dân, và ý thức này chỉ có khi người dân chủ động tham gia quản lý cùng chính quyền.

Chính quyền thành phố dưới sự lãnh đạo của 2 tân bí thư cần phải hoạt động mở, minh bạch, có cơ chế rõ ràng để công dân và các tổ chức xã hội dân sự cung cấp thông tin về những vấn đề của thành phố, chung tay giải quyết các vấn đề về môi trường, về xã hội như người nghèo, người vô gia cư.

Nhưng quan trọng hơn, môi trường thành phố chỉ thực sự lành mạnh và nuôi dưỡng sự phát triển khi có những không gian tự do để người dân hoạt động văn hóa, nghệ thuật, sáng tạo và khởi nghiệp. Chính vì vậy, thành phố cần có những hỗ trợ cho các nhóm nghệ sĩ, thanh niên, sinh viên hoạt động bằng cả tài chính lẫn chính sách mở, tạo điều kiện cho các buổi biểu diễn, triển lãm, hoạt động ngoài trời cũng như trong không gian riêng.

Kinh nghiệm trên thế giới cho thấy, thành phố chỉ phát triển khi có nhiều không gian cho tự do biểu đạt để hấp dẫn tầng lớp sáng tạo. Khi có tầng lớp sáng tạo sinh sống và làm việc, thành phố sẽ có sinh khí và nền tảng làm động lực phát triển cho cả nước.

Một chính quyền hoạt động hiệu quả khi nó có được niềm tin của người dân. Chính vì vậy, Bí thư Hà Nội cần củng cố niềm tin của người dân vào năng lực và động cơ của chính quyền, đặc biệt sau dự án thay 6700 cây xanh.

Cụ thể, Hà Nội cần chỉ đạo đội ngũ công chức làm việc hiêu quả, thực sự coi lợi ích của người dân chính là động lực để phát triển thành phố. Cần có sự nhất quán và dễ đoán, lời nói đi đôi với hành động trong các chính sách quản lý đô thị để người dân chủ động tổ chức cuộc sống của mình. Cần thông tin thường xuyên, chính xác và cởi mở các chính sách của thành phố đến người dân qua báo chí, truyền thông xã hội, cũng như các buổi tiếp xúc ở cộng đồng.

Nhưng quan trọng hơn, chính quyền cần thể hiện sự lo lắng của mình cho các nhu cầu, mong muốn và lợi ích của người dân, đặc biệt những đối tượng thiệt thòi hơn. Chỉ khi chính quyền quan tâm thực sự đến người dân, chính quyền mới có được niềm tin để quản lý xã hội hiệu quả.

Tin cùng chuyên mục