Ảnh minh họa. Nguồn: Internet |
Xuất hiện làn sóng FDI thứ ba?
Theo thống kê, năm 2015, Việt Nam thu hút được 22,76 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), tăng 12,5% so với năm 2014; vốn thực hiện đạt 14,5 tỷ USD, tăng 17,4%.
FDI thu hút 2 tháng đầu năm tiếp tục ghi nhận những kết quả tích cực với số vốn đăng ký mới và vốn giải ngân đều tăng so với cùng kỳ năm 2015. Cụ thể, vốn FDI đăng ký ước đạt trên 2,8 tỷ USD, gấp 2,4 lần so với cùng kỳ năm 2015. Vốn thực hiện ước đạt 1,5 tỷ USD, tăng 15,4%.
Theo dự báo của các chuyên gia Ngân hàng Standard Chartered Việt Nam, FDI vào Việt Nam sẽ tiếp tục tăng mạnh trong năm 2016 và thời gian tới. “Sau làn sóng FDI đầu tư vào Việt Nam năm 1986 và năm 1998, năm 2016 có thể sẽ xuất hiện “làn sóng FDI thứ ba” đầu tư vào Việt Nam”, chuyên gia Ngân hàng Standard Chartered Việt Nam dự báo.
Lý giải hiện tượng Việt Nam đang trở thành “mảnh đất hứa” cho nhà đầu tư nước ngoài, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, ngoài yếu tố ổn định kinh tế vĩ mô và tăng trưởng liên tục, còn do Việt Nam ngày càng gia nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới thông qua các hiệp định thương mại tự do (FTA) đã, đang và sắp sửa được ký kết. Năm 2015 được xem là một năm thành công của Việt Nam, khi hoàn tất việc đàm phán và ký kết một số hiệp định mang tầm cỡ “hiệp định thế kỷ” như TPP, EVFTA… Do đó, nhà đầu tư nước ngoài kỳ vọng, môi trường đầu tư của Việt Nam sẽ được cải thiện mạnh mẽ, thị trường xuất khẩu mở rộng.
“Việt Nam đã ký kết và tham gia nhiều FTA, như vậy thị trường Việt Nam không phải chỉ 90 triệu dân nữa, mà mở rộng sang cả thị trường ASEAN, Mỹ, EU. Nhiều sắc thuế cũng giảm mạnh, vậy không có lý do gì nhà đầu tư nước ngoài lại không đầu tư vào Việt Nam khi chúng ta có những chính sách tốt, nhất là từ khi Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp 2014 có hiệu lực”, một chuyên gia kinh tế nhận định.
Ưu tiên dự án có hàm lượng công nghệ cao
Việt Nam được dự báo có nhiều cơ hội thu hút FDI, nhưng làm thế nào tận dụng được cơ hội này để phát triển kinh tế - xã hội thì vẫn còn là câu chuyện cần phải bàn luận.
Lấy ví dụ cụ thể, ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài cho biết, thời gian gần đây, có rất nhiều đoàn DN nước ngoài đến Việt Nam với mong muốn khảo sát và tìm kiếm cơ hội hợp tác đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp. Tuy nhiên, cho đến nay, các dự án FDI đầu tư trong lĩnh vực này vẫn rất hiếm hoi. Phải chăng là do cơ chế quản lý nhà nước chưa thực sự thông thoáng, đủ sức hấp dẫn để giữ chân nhà đầu tư nước ngoài?
Theo ông Hoàng, quan điểm nhất quán xây dựng Luật Đầu tư, Luật DN năm 2014 là tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho DN tự do kinh doanh. Tuy nhiên, ở các bộ chuyên ngành, địa phương, chỉ cần lồng ghép một câu nào đó trong Nghị định, Thông tư hay ra một công văn thì sẽ trở thành điều kiện kinh doanh, hạn chế quyền tự do kinh doanh của DN.
“Mục tiêu thu hút FDI là bổ sung nguồn vốn đầu tư và chuyển giao công nghệ, đẩy mạnh xuất khẩu, tạo việc làm và phát triển nguồn nhân lực. Vì vậy, thay vì thu hút FDI một cách ồ ạt như trước, trong thời gian tới, chúng ta sẽ thu hút có chọn lọc hơn, ưu tiên những dự án mang lại hiệu quả kinh tế, bảo vệ môi trường, các ngành sản xuất có giá trị gia tăng, hàm lượng công nghệ cao, tiết kiệm năng lượng”, ông Hoàng nhấn mạnh và cho biết, chiến lược thu hút FDI sẽ hướng tới mục tiêu tạo sự liên kết giữa khu vực DN FDI với ngành sản xuất nội địa để tạo chuỗi liên kết sản xuất và thúc đẩy sản xuất nội địa phát triển.