Tăng cường nội lực để thu hút dòng vốn nước ngoài chất lượng

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Kinh tế vĩ mô ổn định cùng môi trường pháp lý, hạ tầng, nền tảng giáo dục liên tục được cải thiện, Việt Nam ngày càng trở nên hấp dẫn với các nhà đầu tư. Tuy nhiên, để thu hút được nguồn vốn đầu tư nước ngoài có chất lượng, các chuyên gia cho rằng, cần tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tăng sức cạnh tranh cho doanh nghiệp Việt.
Các doanh nghiệp Việt Nam vẫn còn hạn chế về năng lực sản xuất để có thể hợp tác với các đối tác nước ngoài. Ảnh: Lê Tiên
Các doanh nghiệp Việt Nam vẫn còn hạn chế về năng lực sản xuất để có thể hợp tác với các đối tác nước ngoài. Ảnh: Lê Tiên

Tại Dự thảo báo cáo đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020 và phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025 trình Đại hội XIII của Đảng (Dự thảo), Ban Chấp hành Trung ương khóa XII cho rằng, trong thời gian tới, cần thực hiện giải pháp chuyển trọng điểm chính sách thu hút, hợp tác đầu tư nước ngoài từ số lượng sang chất lượng, ưu tiên các dự án tạo giá trị gia tăng cao, có mô hình quản trị hiện đại, kết nối chuỗi cung ứng toàn cầu, có tác động lan toả, kết nối chặt chẽ với khu vực kinh tế trong nước; phát triển cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị, góp phần nâng cao giá trị gia tăng nội địa, sức cạnh tranh của sản phẩm và vị trí quốc gia trong chuỗi giá trị toàn cầu.

Vẫn theo Dự thảo, cần xây dựng các tiêu chí về đầu tư để lựa chọn, ưu tiên thu hút đầu tư phù hợp với quy hoạch, định hướng phát triển ngành, lĩnh vực, địa bàn; có chính sách khuyến khích, ưu đãi vượt trội mang tính cạnh tranh quốc tế đối với các dự án lớn, quan trọng để thu hút được các nhà đầu tư chiến lược, các tập đoàn đa quốc gia đặt trụ sở và thành lập các trung tâm nghiên cứu - phát triển, trung tâm đổi mới sáng tạo tại Việt Nam.

Có chính sách khuyến khích hợp tác, chuyển giao công nghệ dựa trên cơ sở thỏa thuận, tự nguyện. Không xem xét mở rộng, gia hạn hoạt động đối với những dự án sử dụng công nghệ lạc hậu, tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, thâm dụng tài nguyên.

Giới chuyên gia cho rằng, mục tiêu chính sách này hoàn toàn hợp lý với sự phát triển của kinh tế Việt Nam, song việc thực hiện là không dễ dàng do có sự cạnh tranh trong việc thu hút dòng vốn đầu tư có chất lượng giữa các nước trong khu vực và trên thế giới.

Ông Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE) cho rằng, có ba điểm cần chú trọng cải thiện để tăng năng lực cạnh tranh của nền kinh tế trong thu hút vốn đầu tư nước ngoài. Đó là môi trường đầu tư, kinh doanh, năng lực của các doanh nghiệp Việt Nam và chất lượng nguồn nhân lực.

Theo ông Toàn, trong khi môi trường kinh doanh đã có nhiều cải thiện so với các nước trong khu vực thì điều đáng ngại là các doanh nghiệp Việt Nam vẫn còn hạn chế về năng lực sản xuất để có thể hợp tác với các đối tác nước ngoài.

Một điểm yếu đáng chú ý khác của doanh nghiệp Việt Nam là chất lượng nguồn nhân lực. Trong đó, điểm yếu nhất của nhân lực Việt Nam là tính kỷ luật và làm việc theo nguyên tắc, song điểm mạnh là tính linh hoạt và khả năng thích ứng cao trong bối cảnh cách mạng công nghiệp đang diễn ra mạnh mẽ. Do đó, cần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực để tăng khả năng cạnh tranh trong thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài.

Theo ông Đinh Tuấn Minh, Giám đốc nghiên cứu Trung tâm Nghiên cứu giải pháp thị trường cho các vấn đề kinh tế và xã hội (MASSEI), để có thể thu hút vốn đầu tư nước ngoài có chất lượng, trước hết cần cải thiện quyền chủ động lựa chọn nguồn vốn.

Ông Minh cho rằng, thực tế hợp tác đầu tư trong thời gian qua của Việt Nam cho thấy, chúng ta ngày càng có quyền chủ động “gật đầu” hoặc “từ chối”. Điều này có được là nhờ môi trường pháp lý, hạ tầng, nền tảng giáo dục của chúng ta ngày càng cải thiện. Mặt khác, một ưu điểm vượt trội của Việt Nam trong so sánh với các nước khác chính là tính ổn định của kinh tế vĩ mô.

“Trong thời gian tới, nếu tiếp tục đạt tiến bộ về những điểm nêu trên thì một cách tự nhiên, Việt Nam sẽ tăng điểm trong mắt các nhà đầu tư, từ đó càng tăng thêm quyền được lựa chọn đối tác đầu tư. Đó là những nỗ lực chăm sóc từ gốc để gặt hái thành quả một cách bền vững”, ông Minh nhấn mạnh.

Tin cùng chuyên mục