Trong lĩnh vực đầu tư, mức xử phạt đối với một số hành vi còn thấp, chưa đủ sức răn đe (ảnh chỉ mang tính minh họa) |
Vi phạm trước đây nay đã không còn là vi phạm
Nghị định số 50/2016/NĐ-CP ngày 1/6/2016 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực KH&ĐT được xây dựng dựa trên nguyên tắc cơ bản và nội dung của Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 và các luật có liên quan như: Luật Hợp tác xã năm 2012, Luật Đấu thầu năm 2013, Luật Đầu tư công năm 2014, Luật Đầu tư năm 2014, Luật Doanh nghiệp năm 2014...
Hiện nay, trong lĩnh vực KH&ĐT, một số văn bản quy phạm pháp luật đã có thay đổi, được Quốc hội thông qua nhưng chưa được chỉnh sửa, bổ sung tại Nghị định số 50/2016/NĐ-CP như: Luật Quy hoạch năm 2017, Luật Đầu tư công năm 2019, Luật Đầu tư năm 2020, Luật Doanh nghiệp năm 2020 và Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP). Bên cạnh đó, Nghị định về đăng ký doanh nghiệp (Nghị định số 01/2021/NĐ-CP) và Nghị định hướng dẫn Luật Đầu tư (Nghị định số 31/2021/NĐ-CP) cũng đã được Chính phủ ban hành đầu năm 2021. Quá trình rà soát cho thấy, Nghị định số 50/2016/NĐ-CP chưa bao quát hết hành vi vi phạm thuộc các lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ KH&ĐT.
Theo Bộ KH&ĐT, một số hành vi quy định tại Nghị định số 50/2016/NĐ-CP bị coi là vi phạm thì theo các quy định của Luật Doanh nghiệp năm 2020, Luật Đầu tư năm 2020 không còn là vi phạm nữa.
Đơn cử, Luật Doanh nghiệp năm 2020 đã bỏ quy định về thông báo mẫu dấu doanh nghiệp trước khi sử dụng; rút ngắn thời gian thông báo trước khi tạm ngừng kinh doanh từ năm 2021; quy định loại trừ trường hợp giải thể do bị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp; bỏ quy định báo cáo thay đổi thông tin của người quản lý doanh nghiệp; sửa đổi quy định xử lý phần vốn góp trong một số trường hợp đặc biệt; bổ sung đối tượng không được thành lập doanh nghiệp; bổ sung trách nhiệm của người quản lý công ty cổ phần...
Luật Đầu tư năm 2020 cũng có những điểm mới như bãi bỏ các thủ tục hành chính không cần thiết; cải cách, đơn giản hóa các thủ tục triển khai dự án đầu tư, mở rộng quyền tự chủ của nhà đầu tư trong quá trình thực hiện dự án; bổ sung quy định về chấm dứt hoạt động của dự án đầu tư trong trường hợp nhà đầu tư thực hiện hoạt động đầu tư trên cơ sở giao dịch giả tạo về vốn nhằm tạo cơ sở pháp lý xử lý các trường hợp đầu tư chui, đầu tư núp bóng...
Trong lĩnh vực đăng ký kinh doanh, Nghị định số 50/2016/NĐ-CP chưa có biện pháp xử lý đối với trường hợp doanh nghiệp đã ngừng hoạt động nhưng không khai báo, không làm thủ tục giải thể.
Trong lĩnh vực đầu tư, mức xử phạt đối với một số hành vi còn thấp, chưa đủ sức răn đe. Cơ quan soạn thảo dẫn chứng, hành vi vi phạm không thực hiện dự án sau 12 tháng chỉ bị xử phạt từ 20 triệu đồng đến 40 triệu đồng, do vậy, nhiều nhà đầu tư lợi dụng để đầu cơ đất, giữ đất hoặc đăng ký đầu tư nhưng không có năng lực, chuyển nhượng lại dự án; hành vi vi phạm quy định về sử dụng vốn đầu tư công bị phạt từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng còn nhẹ so với nguy cơ gây thất thoát, lãng phí vốn nhà nước khi xảy ra vi phạm.
Một số biện pháp khắc phục như "buộc thay đổi…", "buộc thực hiện…" đối với các hành vi vi phạm của doanh nghiệp về đăng ký kinh doanh trên thực tế ít phát huy tác dụng do nhiều doanh nghiệp không nghiêm túc thực hiện, nhưng chưa có cơ sở để xử lý, răn đe kịp thời.
Trong lĩnh vực đấu thầu, nội dung đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư có sử dụng đất chưa được đưa vào Nghị định số 50/2016/NĐ-CP, do vậy cần bổ sung nội dung này tại Dự thảo Nghị định thay thế.
Một số hành vi bị cấm theo quy định của Luật Đấu thầu, Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp chưa được thể hiện cụ thể thành hành vi vi phạm trong Nghị định số 50/2016/NĐ-CP.
Xuất phát từ những yếu tố nêu trên, việc nghiên cứu, xây dựng Nghị định thay thế Nghị định số 50/2016/NĐ-CP là cần thiết. Các quy định của nghị định này sẽ bổ sung cơ sở pháp lý quan trọng cho việc triển khai công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm trong lĩnh vực KH&ĐT, đáp ứng yêu cầu công tác quản lý nhà nước của ngành.
Tăng mức phạt để ngăn chặn hành vi vi phạm
Trên quan điểm đảm bảo ngăn chặn và xử lý kịp thời hành vi đi ngược với quan điểm cải cách hành chính, gây khó khăn, phiền hà cho người dân, doanh nghiệp, nhà đầu tư và nhà thầu; bảo vệ quyền lợi chính đáng của người dân và doanh nghiệp; bảo đảm quyền tự do đầu tư, kinh doanh trong các ngành, nghề pháp luật không cấm, Bộ KH&ĐT dự thảo Nghị định thay thế gồm 8 chương, 83 điều.
Theo đó, hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực KH&ĐT được quy định tại Dự thảo bao gồm các lĩnh vực sau: Đầu tư (bao gồm: đầu tư công, đầu tư tại Việt Nam, đầu tư ra nước ngoài, đầu tư theo phương thức đối tác công tư); đấu thầu (bao gồm đấu thầu lựa chọn nhà thầu và đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư có sử dụng đất); đăng ký doanh nghiệp (bao gồm đăng ký doanh nghiệp và đăng ký hộ kinh doanh); hợp tác xã; quy hoạch.
Dự thảo Nghị định vẫn duy trì 2 hình thức xử phạt chính là “cảnh cáo” và “phạt tiền”. Ngoài ra, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, tổ chức, cá nhân vi phạm còn bị áp dụng một hoặc nhiều biện pháp khắc phục hậu quả.
Mức phạt tiền tối đa đối với vi phạm hành chính trong các lĩnh vực được nâng lên nhằm đảm bảo tính răn đe, phòng ngừa vi phạm và theo đề nghị của các bộ, ngành, địa phương. Cụ thể, mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực đầu tư là 100 triệu đồng; trong lĩnh vực đấu thầu là 80 triệu đồng; trong lĩnh vực đăng ký doanh nghiệp là 50 triệu đồng; trong lĩnh vực hợp tác xã là 30 triệu đồng. Đối với lĩnh vực quy hoạch, do là lĩnh vực mới thực hiện theo Luật Quy hoạch nên mức xử phạt đề xuất tại Dự thảo Nghị định là 50 triệu đồng.