Cần tạo lợi ích cho các bên tham gia dự án để huy động được nguồn lực phát triển kết cấu hạ tầng. Ảnh: Tiên Giang |
Những vấn đề lớn này được các chuyên gia đến từ Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) và trong nước bàn thảo sôi nổi tại Hội nghị Cộng đồng phát triển cơ sở hạ tầng diễn ra ngày 6/3/2018 tại Hà Nội.
Tạo động cơ đầu tư dài hạn
Phát biểu tại Hội nghị, ông Justin Wood - Giám đốc Khu vực châu Á - Thái Bình Dương của WEF cho biết, kỷ nguyên cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ có nhiều thay đổi và đột phá. WEF mong muốn hợp tác và hỗ trợ Việt Nam phát triển hạ tầng, xây dựng những hạ tầng cơ sở cần thiết và tháo gỡ các rào cản để Việt Nam tiến thành công vào kỷ nguyên đột phá với nhiều bước phát triển mới. WEF sẽ hợp tác để cung cấp đầu vào cho những sáng kiến nhằm cải thiện môi trường đầu tư của Việt Nam, đẩy mạnh thị trường vốn và đặc biệt là thúc đẩy việc phát triển các kế hoạch hạ tầng.
Còn theo ông Nguyễn Văn Vịnh, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư, kết cấu hạ tầng Việt Nam hiện còn thiếu rất nhiều, song vấn đề là làm thế nào để huy động được các nguồn lực tham gia đầu tư cho hạ tầng, cùng với đó là phải làm gì để quản lý và sử dụng hiệu quả nguồn lực thu hút được?
Tại Hội nghị, rất nhiều chuyên gia trong nước và quốc tế đều cho rằng, để đẩy mạnh thu hút đầu tư vào hạ tầng, Chính phủ Việt Nam cần hoàn thiện các cơ chế, chính sách thu hút đầu tư, đạt được sự đồng thuận không chỉ trong ngắn hạn, trung hạn để kêu gọi quyết tâm của khu vực công và tư trong đầu tư phát triển hạ tầng. Tính đặc thù của các dự án đầu tư hạ tầng là “dài hơi” và rủi ro cao nên Chính phủ cần tạo ra các cơ chế thu hút đầu tư trong dài hạn, tạo động cơ đúng đắn để thúc đẩy đầu tư dài hạn. Trong hành lang pháp lý cần có sự khuyến khích về cơ chế để thúc đẩy sự tự tin khởi đầu của nhà đầu tư và lợi ích cho nhà đầu tư bằng cách tạo lợi ích cho các bên tham gia dự án trong quá trình hợp tác, để nhà đầu tư thấy được Việt Nam là một thị trường đầu tư hiệu quả và sinh lời.
Tìm cách khắc phục các rào cản
Tại Hội nghị, các thành viên của Nhóm làm việc về cơ sở hạ tầng tại Việt Nam cũng cam kết tập trung rà soát khuôn khổ pháp luật trong quá trình chuẩn bị dự án, quản lý, lập kế hoạch đa bước nghiêm ngặt để tìm ra cơ hội thích nghi và ứng dụng cho Việt Nam. Nhóm chuyên gia sẽ đưa ra các khuyến nghị cho Việt Nam sau khi đánh giá sự tự tin của nhà đầu tư, đánh giá về thể chế, khuôn khổ pháp luật và những thông lệ đi đầu trong khu vực tư; đồng thời xác định những yêu cầu cho khuôn khổ hạ tầng Việt Nam, dẫn tới những dự án khả thi về tài chính.
Nhóm chuyên gia WEF cũng sẽ hỗ trợ Việt Nam xây dựng và tăng cường năng lực cá nhân và thể chế thông qua việc nâng cao kỹ năng quản lý dự án PPP cho các đối tượng tham gia một số dự án PPP đi đầu. Và trong năm 2018, nhóm chuyên gia WEF sẽ tập trung nghiên cứu một số dự án PPP tiêu biểu của Việt Nam như: Cao tốc Bắc - Nam, đường sắt đô thị ở TP.HCM và Hà Nội, Sân bay quốc tế Long Thành, những dự án năng lượng xanh quan trọng… để đưa ra những khuyến nghị giúp Việt Nam đẩy nhanh tốc độ thu hút đầu tư và hoàn thành các dự án PPP quan trọng này.