Những ưu đãi đặc biệt sẽ được dành cho các dự án quy mô lớn, thuộc các ngành công nghệ cao, đổi mới sáng tạo... đóng góp vào sự phát triển bền vững kinh tế - xã hội của Việt Nam. Ảnh: Song Lê |
Việt Nam đang là điểm đến hấp dẫn
“Việt Nam có vị trí chiến lược trong bảo đảm chuỗi cung ứng toàn cầu. Nhiều tập đoàn toàn cầu hướng tới Việt Nam như là một mắt xích trung tâm để bảo đảm chuỗi. Chính phủ Anh định vị Việt Nam là quốc gia có vị trí chiến lược trong khu vực Đông Nam Á”, ông Gareth Ward, Đại sứ Vương quốc Anh tại Việt Nam chia sẻ tại Hội nghị trực tuyến “Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam và Vương quốc Anh - Đón đầu cơ hội” vừa được Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) tổ chức.
Trưởng Đại diện Văn phòng Kinh tế Văn hóa Đài Bắc tại Việt Nam Thạch Thụy Kỳ cho biết, doanh nghiệp Đài Loan đang thực hiện kế hoạch tái cấu trúc đầu tư và Việt Nam được lựa chọn là điểm đến tiềm năng. Doanh nghiệp Đài Loan kỳ vọng sẽ thành công hơn nữa tại Việt Nam với những dự án quy mô lớn và công nghệ chất lượng cao.
Không chỉ Anh, Đài Loan, rất nhiều nhà đầu tư đang hướng đến Việt Nam như một điểm đến mới trong làn sóng dịch chuyển đầu tư đang diễn ra mạnh mẽ trên toàn cầu.
Các tháng đầu năm 2021, đã có những dự án tỷ đô đăng ký đầu tư tại Việt Nam, như Dự án Nhà máy Điện LNG Long An I và II (Singapore) tổng vốn đăng ký trên 3,1 tỷ USD; Dự án Nhà máy Nhiệt điện Ô Môn II (Nhật Bản) trên 1,31 tỷ USD; Dự án LG Display Hải Phòng (Hàn Quốc) điều chỉnh tăng vốn đầu tư thêm 750 triệu USD;…
Nhiều nhà đầu tư lớn cũng đang thể hiện sự quan tâm. Tháng 3/2021, Công ty AT&S (Áo) đã làm việc với lãnh đạo Chính phủ Việt Nam. Doanh nghiệp này cho biết Việt Nam là một trong những địa điểm ưu tiên cân nhắc lựa chọn để đặt nhà máy công nghệ cao quy mô khoảng 1,5 tỷ Euro, với sản phẩm chính là chân đế vi mạch tích hợp. Bên cạnh xem xét các yếu tố về hạ tầng, nhân sự, chuỗi cung ứng, Lãnh đạo AT&S mong Chính phủ thông báo sớm về các ưu đãi có thể dành cho Công ty...
Chủ động tăng sức hút
Sự quan tâm của nhà đầu tư đang ngày càng rõ nét và Việt Nam cũng đang chuẩn bị đón sóng với một tâm thế chủ động. Tại Hội nghị trực tuyến xúc tiến đầu tư vào tỉnh Nghệ An diễn ra cuối tuần qua (14/5/2021), Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Thị Bích Ngọc cho biết, kết quả thu hút FDI của Việt Nam trong 4 tháng năm 2021 vẫn tương đối khả quan, khẳng định nỗ lực và quyết tâm của Chính phủ và các cấp chính quyền trong việc thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài. Để đón dòng vốn đầu tư nước ngoài chất lượng cao, Việt Nam đã và đang chủ động chuẩn bị điều kiện đầu vào cho các hoạt động đầu tư như: hạ tầng, đất đai, nguồn nhân lực, năng lượng và hoàn thiện thể chế…
Bên cạnh đó, việc Việt Nam là thành viên Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP); Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP); Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) và các FTA khác đã đem lại lợi thế cho Việt Nam trong tiếp cận thị trường tự do của 55 quốc gia, trong đó có 15 quốc gia thuộc nhóm G20.
Ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài thuộc Bộ KH&ĐT cho biết, Bộ KH&ĐT đã dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về ưu đãi đầu tư đặc biệt để trình Chính phủ xem xét thông qua, đưa vào áp dụng trong thời gian tới. Những ưu đãi đặc biệt này hướng vào các dự án: Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia do Thủ tướng Chính phủ thành lập; các trung tâm đổi mới sáng tạo, trung tâm R&D có vốn từ 3.000 tỷ đồng trở lên, giải ngân tối thiểu 1.000 tỷ đồng trong 3 năm; dự án trong ngành nghề đặc biệt ưu đãi đầu tư có vốn từ 30.000 tỷ đồng trở lên, giải ngân tối thiểu 10.000 tỷ đồng trong 3 năm. Tiêu chí để xem xét hưởng ưu đãi đầu tư đặc biệt là công nghệ, chuyển giao công nghệ, doanh nghiệp Việt Nam tham gia chuỗi, giá trị sản xuất trong nước… Theo đó, dự án đáp ứng sẽ có những ưu đãi đặc biệt hơn về mức thuế thu nhập doanh nghiệp, tiền thuê đất.
Việc xây dựng và trình Thủ tướng xem xét, ban hành Quyết định về ưu đãi đầu tư đặc biệt, theo Bộ KH&ĐT, là rất cần thiết để hoàn thiện khung pháp lý về đầu tư, tạo cơ chế thu hút, khuyến khích các dự án đầu tư có quy mô lớn, thuộc các ngành công nghệ cao, đổi mới sáng tạo, có sự lan tỏa, giá trị gia tăng cao và đóng góp tích cực vào sự phát triển bền vững kinh tế - xã hội của Việt Nam.