Phóng viên Báo Đấu thầu đã có trao đổi với ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch VACC xung quanh vấn đề này.
Trong những năm gần đây, thị trường xây dựng, nhà thầu xây dựng đang có những chuyển động như thế nào, thưa ông?
Giới nhà thầu xây dựng 5 năm trở lại đây có sự phân hóa rõ. Trong lĩnh vực xây dựng nhà ở cao tầng thì các nhà thầu xây dựng vượt lên rất mạnh, đặc biệt là các nhà thầu xây dựng có vốn ngoài nhà nước, điển hình là Coteccons, Hòa Bình, Delta, Cofico… Đây là những cái tên đạt được uy tín cao và được các chủ đầu tư “chọn mặt gửi vàng”.
Trong khi đó, ở lĩnh vực xây dựng cầu đường, giao thông vận tải, xây dựng công nghiệp thì số nhà thầu có vốn ngoài quốc doanh lại chưa có vị trí tương xứng. Thậm chí, trong những công trình xây dựng công nghiệp, công trình giao thông lớn vẫn chỉ thấy tên các công ty, doanh nghiệp nhà nước (DNNN) thực hiện.
Thực trạng đó cho thấy rõ sự khác biệt, phân cách trong giới nhà thầu xây dựng Việt Nam. Phải chăng là do cơ chế thị trường chưa tác động đến vốn của các công trình xây dựng giao thông và xây dựng công nghiệp? Bởi, xây dựng giao thông, cầu đường là của Nhà nước, nên khi thực hiện vẫn phải đấu thầu, trong khi đó cơ chế đấu thầu vẫn chưa phải là cơ chế tạo điều kiện, khuyến khích cho nhà thầu xây dựng có vốn ngoài quốc doanh.
Tôi cho rằng, thị trường xây dựng đang có bước phát triển mạnh và cơ chế thị trường bắt đầu ăn sâu dần vào trong các ngành kinh tế, thể hiện rõ trong việc xây dựng nhà cao tầng trong thị trường xây dựng Việt Nam. Nhưng còn các lĩnh vực khác thì cơ chế thị trường chưa chi phối một cách cụ thể theo nguyên tắc cạnh tranh.
Điều đầu tiên có thể nói là công nghệ xây dựng của Việt Nam đang cố gắng bắt kịp công nghệ xây dựng hiện đại của khu vực, trước mắt là các nước phát triển ở châu Á. Những năm gần đây, công nghệ phát triển tương đối tốt, ví dụ như phương pháp thi công hiện đại, vật liệu tiên tiến đã được nhà thầu xây dựng Việt Nam áp dụng. Tuy nhiên, sự tích cực nêu trên chưa được triển khai rộng rãi. Bởi lẽ, một số công nghệ muốn áp dụng phải có lượng vốn và điều kiện công trường lớn nhất định thì mới áp dụng được.
Thứ hai là, ngành xây dựng có tính chất đặc thù về lực lượng lao động khi bị yếu tố “mùa vụ” chi phối. Điều này khiến cho đội ngũ lao động của ngành xây dựng không cố định, mà chỉ có bộ khung. Vì vậy, số lượng lao động lên hay xuống cũng tùy thuộc vào công việc đều hay không đều. Điều đó dẫn đến công tác đào tạo, duy trì đội ngũ bị hạn chế, ảnh hưởng.
Thứ ba là, hợp tác của nhà thầu trong các lĩnh vực hoạt động của nhà thầu xây dựng còn hạn chế. Nhà thầu lớn và nhà thầu bé rất khó để hợp tác, thậm chí nhà thầu lớn với nhà thầu lớn cũng chưa tìm được tiếng nói chung. Trong mục tiêu hoạt động nhiệm kỳ tới, VACC đang cố gắn kết các nhà thầu với nhau để tạo ra sức mạnh chung của ngành xây dựng.
Nhà thầu cũng là DN, cũng phải đứng trước những áp lực về việc làm, tăng trưởng doanh thu… Trước áp lực này, nhiều nhà thầu thường yếu thế và bị các chủ đầu tư “bắt nạt”. Theo ông, làm thế nào để giải quyết được mâu thuẫn này?
Áp lực của nhà thầu gặp phải đến từ mối quan hệ giữa chủ đầu tư (CĐT) và nhà thầu. Như đã nói ở trên, khi một số nhà thầu mạnh hẳn lên, thậm chí được CĐT mời làm công trình, dự án vì tin tưởng ở tiến độ, chất lượng thì nhà thầu có thể ngang bằng với CĐT, đàm phán được với CĐT ở mức quân bình và yêu cầu được việc này việc khác với CĐT, trong đó có vấn đề các nội dung trong hợp đồng. Còn lại, đa số các nhà thầu ở thế “được làm là may”, do đó không thể đòi hỏi các điều khoản này, điều khoản nọ trong hợp đồng.
Trên thực tế, cơ chế về luật pháp trong vấn đề hợp đồng xây dựng vẫn chưa được kiểm tra chặt chẽ xem đã đúng quy định hiện hành, bảo đảm quyền lợi của nhà thầu, CĐT hay chưa. Trong khi dự thầu thì nhà thầu phải có bảo lãnh dự thầu, bảo lãnh tạm ứng, bảo lãnh thực hiện hợp đồng… Các nhà thầu “đau khổ nhất” là ở đoạn thanh toán cuối cùng. Do đó, nhiều nhà thầu là thành viên của VACC kiến nghị bổ sung điều kiện bảo lãnh thanh toán khoảng từ 25 - 30% giá trị dự án, công trình vào giai đoạn cuối cùng của hợp đồng. Như thế mới tạo ra thế bình đẳng giữa nhà thầu và CĐT. VACC đang cân nhắc để kiến nghị cơ quan có thẩm quyền sửa đổi một số quy định trong Luật Xây dựng, trong đó có phần bảo lãnh thanh toán trong giai đoạn cuối của dự án để tạo sự bình đẳng.
Định hướng hoạt động của VACC trong năm 2017 như thế nào, thưa ông?
Trong chương trình công tác năm 2017, VACC muốn tiếp tục kéo thêm những DN mặc dù đã là thành viên của Hiệp hội nhưng chưa có những tiếng nói xứng đáng với vai trò của họ, đưa họ trở thành một trong những thành viên tích cực của Hiệp hội.
Cùng với đó, VACC dự định kiến nghị với Chính phủ, Bộ Xây dựng nâng vị trí, vai trò của Hiệp hội trong việc đánh giá năng lực của nhà thầu xây dựng, bảo vệ tiếng nói của nhà thầu trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình.
Ngoài ra, để VACC hội nhập sâu vào thị trường xây dựng thế giới, nhất là trong khu vực, với vai trò là thành viên của Hiệp hội Nhà thầu khối ASEAN (ACF), VACC sẽ tăng cường kết nối với các thành viên Hiệp hội; đồng thời, tập trung đẩy mạnh mối quan hệ hợp tác chặt chẽ hơn với Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Nhật Bản, Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Hàn Quốc và một số hiệp hội nhà thầu của các quốc gia khác.