Tăng tính lan tỏa công nghệ từ dự án đầu tư nước ngoài

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) với sự có mặt nhiều tập đoàn đa quốc gia đã góp phần đưa Việt Nam từng bước tham gia chuỗi sản xuất toàn cầu, nâng cao năng lực sản xuất cho các doanh nghiệp trong nước.
Khu vực FDI với sự có mặt của hơn 100 tập đoàn đa quốc gia lớn trên thế giới hoạt động ở nhiều lĩnh vực đã góp phần đưa Việt Nam từng bước tham gia mạng giá trị và chuỗi sản xuất toàn cầu. Ảnh: Việt Hưng
Khu vực FDI với sự có mặt của hơn 100 tập đoàn đa quốc gia lớn trên thế giới hoạt động ở nhiều lĩnh vực đã góp phần đưa Việt Nam từng bước tham gia mạng giá trị và chuỗi sản xuất toàn cầu. Ảnh: Việt Hưng

Thời gian tới, bên cạnh việc tập trung ưu tiên thu hút vốn đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực công nghệ cao, việc tiếp tục lan tỏa nhiều hơn nữa lợi ích từ dòng vốn mới này, tăng cường chuyển giao công nghệ, kết nối chặt chẽ hơn khu vực FDI và doanh nghiệp trong nước là điều cần chú trọng.

Theo ông Choi Joo Ho, Tổng giám đốc Tổ hợp Samsung Việt Nam, số lượng nhà cung cấp cấp 1 và cấp 2 của Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu của Samsung tăng gấp 10 lần, từ 25 doanh nghiệp vào năm 2014 lên 257 doanh nghiệp vào cuối năm 2022. Thời gian tới, Samsung sẽ tạo điều kiện hơn nữa để doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi cung ứng của tập đoàn này.

Đây cũng là một minh chứng cho thấy các doanh nghiệp trong nước đang từng bước được tham gia vào chuỗi sản xuất của các doanh nghiệp FDI, lan tỏa giá trị từ dòng vốn FDI tới nền kinh tế.

Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông, việc thu hút FDI trong lĩnh vực công nghệ cao và thúc đẩy chuyển giao công nghệ tại Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Việc các tập đoàn công nghệ toàn cầu như Intel, Samsung đang đầu tư mạnh mẽ vào lĩnh vực sản xuất công nghệ tại Việt Nam là nhân tố góp phần thúc đẩy doanh nghiệp trong nước cải thiện năng suất, đổi mới công nghệ, áp dụng các mô hình sản xuất mới để phát triển và thích ứng với bối cảnh toàn cầu hóa.

Ông Đặng Đình Tùng, Phó Vụ trưởng Vụ Đánh giá, thẩm định và giám định công nghệ thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết, các chính sách đã ban hành rất chú trọng lan tỏa công nghệ tiên tiến, công nghệ cao từ doanh nghiệp FDI sang doanh nghiệp trong nước. Các doanh nghiệp FDI luôn chiếm tỷ lệ lớn (khoảng trên 90%) trong số các doanh nghiệp thực hiện đăng ký chuyển giao công nghệ tại Việt Nam. Đầu tư nước ngoài cũng góp phần nâng cao năng lực sản xuất cho doanh nghiệp trong nước. Một số ngành, lĩnh vực có tỷ lệ cung ứng thành phẩm, bán thành phẩm của doanh nghiệp trong nước cho doanh nghiệp FDI khá cao. Khu vực FDI với sự có mặt của hơn 100 tập đoàn đa quốc gia lớn trên thế giới hoạt động ở nhiều lĩnh vực như Samsung, LG, General Electric, Intel, Mitsubishi, Sanofi, Panasonic... đã góp phần đưa Việt Nam từng bước tham gia mạng giá trị và chuỗi sản xuất toàn cầu, thúc đẩy chuyển đổi cơ cấu mặt hàng xuất khẩu. Nhà đầu tư nước ngoài đã bước đầu thực hiện một số công đoạn sản xuất, lắp ráp ở các nhà máy tại Việt Nam đối với một số sản phẩm công nghệ cao, công nghiệp chế tạo.

Nhà đầu tư nước ngoài đã bước đầu thực hiện một số công đoạn sản xuất, lắp ráp ở các nhà máy tại Việt Nam đối với một số sản phẩm công nghệ cao, công nghiệp chế tạo. Ảnh: Hà Thanh

Nhà đầu tư nước ngoài đã bước đầu thực hiện một số công đoạn sản xuất, lắp ráp ở các nhà máy tại Việt Nam đối với một số sản phẩm công nghệ cao, công nghiệp chế tạo. Ảnh: Hà Thanh

Tuy nhiên, ông Đặng Đình Tùng chia sẻ, các hợp đồng chuyển giao công nghệ đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền chủ yếu là hợp đồng chuyển giao công nghệ từ công ty mẹ tại nước ngoài cho công ty con được thành lập để thực hiện dự án đầu tư tại Việt Nam. Số lượng hợp đồng chuyển giao công nghệ do doanh nghiệp Việt Nam ký trực tiếp với đối tác nước ngoài chiếm tỷ lệ rất nhỏ. Dù số lượng doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi giá trị sản xuất của các doanh nghiệp FDI ngày càng tăng, nhưng phần lớn dự án FDI vẫn tập trung vào công đoạn gia công, lắp ráp với giá trị gia tăng thấp và không đòi hỏi trình độ công nghệ cao.

Ông Vũ Đức Lợi, Phó Viện trưởng phụ trách Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam - Hàn Quốc cho rằng, doanh nghiệp Việt Nam chủ yếu có quy mô nhỏ và vừa (chiếm trên 95%), khả năng đầu tư cho ứng dụng, phát triển và đổi mới công nghệ bị hạn chế. Đây là một trong những rào cản kết nối, tiếp nhận công nghệ mới từ nhà đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực công nghệ cao.

Thứ trưởng Trần Duy Đông cũng chỉ ra, mục tiêu về chuyển giao công nghệ trong thời gian qua chưa đạt được như mong đợi. Sự lan tỏa công nghệ từ khu vực FDI sang doanh nghiệp trong nước còn hạn chế. Thứ trưởng Trần Duy Đông nhấn mạnh, cần xây dựng chính sách và cơ chế liên kết giữa hai khu vực doanh nghiệp, bao gồm phát triển công nghiệp hỗ trợ, liên kết theo chuỗi cung ứng sản phẩm, chuyển giao và ứng dụng công nghệ. Các doanh nghiệp trong nước cần chủ động trong việc tìm kiếm các kênh chuyển giao công nghệ thông qua hợp đồng mua phát minh, bản quyền, thương quyền, hợp tác nghiên cứu với cơ quan, tổ chức trong nước, chuyển giao công nghệ thông qua FDI, không bị động trong việc tìm kiếm công nghệ thích hợp với từng doanh nghiệp…

Nhiều chuyên gia nhận định, chính sách ưu đãi về thuế nhằm thu hút khuyến khích chuyển giao công nghệ còn chưa thực sự hiệu quả, đồng thời tác động của chính sách thuế tối thiểu toàn cầu sẽ làm giảm tính hấp dẫn, hiệu quả của chính sách ưu đãi thuế đối với hoạt động chuyển giao công nghệ. Đã đến lúc cần sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật về khoa học và công nghệ, công nghệ cao, các ưu đãi phù hợp để thu hút đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực công nghệ cao và thúc đẩy chuyển giao công nghệ, nghiên cứu và phát triển… để gắn kết thực chất khu vực FDI với doanh nghiệp trong nước, thúc đẩy doanh nghiệp trong nước cùng phát triển.

Tin cùng chuyên mục