Tăng tốc gỡ “rào cản” hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Từ cuối năm 2019 đến nay, hoạt động cải cách, cải thiện môi trường kinh doanh chững lại, thậm chí ở một số lĩnh vực có dấu hiệu phát sinh các thủ tục, giấy phép mới có nguy cơ ảnh hưởng tới sự phục hồi, phát triển của doanh nghiệp (DN). Nhiều ý kiến cho rằng, việc tăng tốc tháo bỏ các “rào cản” trên là một trong những giải pháp hiệu quả hỗ trợ DN phục hồi sản xuất kinh doanh.
Dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường còn một số vướng mắc có thể ảnh hưởng tới hoạt động của doanh nghiệp. Ảnh: Lê Tiên
Dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường còn một số vướng mắc có thể ảnh hưởng tới hoạt động của doanh nghiệp. Ảnh: Lê Tiên

12 hiệp hội DN , trong đó có Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), Hiệp hội Dệt may Việt Nam; Hiệp hội DN hàng Việt Nam chất lượng cao… vừa tiếp tục có thư gửi Thủ tướng Chính phủ góp ý, kiến nghị một số vấn đề nổi cộm tại Dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020.

Trong thư, các hiệp hội DN cho biết, tại Dự thảo mới nhất trình Chính phủ, Ban soạn thảo đã sửa một số điểm, nhưng vẫn còn đến 6 vướng mắc, nếu không được sửa đổi hoặc bãi bỏ có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới môi trường đầu tư, kinh doanh và hoạt động của DN.

Chẳng hạn như lộ trình hạn chế nhựa sử dụng một lần chưa phù hợp, chưa có danh mục cụ thể như thông lệ quốc tế. Điều này gây khó khăn rất lớn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống nhân dân mà tác dụng đối với môi trường lại không nhiều…

Trước đó, các hiệp hội đã có thư gửi Thủ tướng Chính phủ và các đơn vị liên quan kiến nghị về những quy định đề xuất tại Dự thảo có thể ảnh hưởng tới môi trường kinh doanh nếu được ban hành.

Về Dự thảo Nghị định, bà Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Nghiên cứu môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh thuộc Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương cho biết, có một số quy định mở rộng hơn so với phạm vi cho phép của Luật, điển hình là việc đề xuất thành lập Văn phòng Trách nhiệm của nhà sản xuất, nhập khẩu (EPR) và Hội đồng EPR. “Chúng tôi kiến nghị bất kể những gì Luật không cho phép thì bắt buộc phải bãi bỏ, đưa ra khỏi Dự thảo Nghị định”, bà Thảo nhấn mạnh.

Ngoài ra, theo phản ánh của nhiều DN, “rào cản” kinh doanh vẫn còn không ít, gây trở ngại cho DN trong việc phục hồi sản xuất. Cách đây ít ngày, nhà đầu tư chuỗi dự án khí điện Lô B - Ô Môn với tổng vốn đầu tư 10 tỷ USD gửi tâm thư tới Tổ công tác đặc biệt của Thủ tướng Chính phủ mong gỡ vướng cho Dự án Nhiệt điện Ô Môn III để sớm triển khai. Lý do là, đến thời điểm này, sau khoảng 2 năm thực hiện thẩm định, chủ trương đầu tư Dự án vẫn phải chờ phê duyệt.

Trong hoạt động đấu thầu, theo một số nhà thầu, nhất là những nhà thầu là DN nhỏ và vừa, cơ hội tham gia các gói thầu của họ bị hạn chế do hồ sơ mời thầu (HSMT) cài cắm “giấy phép con” nhằm hướng tới một số nhà thầu đã được sắp đặt.

Theo bà Võ Thị Hồng Vân, Giám đốc Công ty TNHH MTV Giống cây trồng vật nuôi Hồng Vân, tại Gói thầu số 10 Cung cấp giống cây ăn quả, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật do Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Nghĩa Hành làm chủ đầu tư, trực tiếp mời thầu, HSMT đưa ra “giấy phép con” để hạn chế nhà thầu. Cụ thể, HSMT yêu cầu cán bộ kỹ thuật phải có “trình độ đại học chuyên ngành cử nhân sư phạm kỹ thuật nông nghiệp”, trong khi đây là gói thầu mua sắm hàng hóa, không phải gói thầu tư vấn. Việc yêu cầu như vậy là hạn chế sự tham gia của các nhà thầu.

Một số nhà thầu phản ánh, tại Gói thầu Cung cấp thiết bị LAN Switch tòa nhà do Trung tâm Công nghệ thông tin Agribank mời thầu mới đây đưa ra yêu cầu giấy phép bán hàng với hàng hóa thông dụng, được bán rộng rãi trên thị trường. Do không có giấy phép bán hàng của nhà sản xuất đối với các thiết bị chào thầu, một nhà thầu có giá dự thầu cạnh tranh thứ nhất đã bị loại.

Ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thực phẩm Sao Ta nhấn mạnh, DN đang chồng chất khó khăn, vì vậy, mong rằng những quy định không cần thiết, không hợp lý cản trở hoạt động sản xuất, kinh doanh cần tiếp tục được bãi bỏ.

Bà Nguyễn Minh Thảo cho rằng, những “rào cản” kinh doanh phải được gỡ bỏ. Bởi nhiều DN cho rằng, hỗ trợ bằng cơ chế thông thoáng, nới lỏng kiểm soát dịch tốt hơn là ưu đãi thuế, lãi suất. Theo đó, phải tăng tốc cải cách, cải thiện môi trường kinh doanh, xem đây là một trụ cột quan trọng hỗ trợ DN phục hồi và phát triển dài hạn.

Tin cùng chuyên mục