Tăng tốc hiện thực hóa khát vọng năng lượng xanh

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Biến đổi khí hậu đã và đang gây ra những ảnh hưởng ngày càng nghiêm trọng đến môi trường và cuộc sống của con người. Hóa giải thách thức này, Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn tới năm 2050 (Quy hoạch điện VIII) đã ưu tiên phát triển mạnh nguồn năng lượng tái tạo (NLTT) trong giai đoạn tới, góp phần giúp Việt Nam đạt được “mục tiêu kép”, vừa đáp ứng nhu cầu điện cho phát triển, vừa thúc đẩy chuyển dịch ngành năng lượng theo hướng bền vững.
Theo Quy hoạch điện VIII, đến năm 2030, tổng công suất điện gió ngoài khơi phục vụ nhu cầu điện trong nước đạt 6.000 MW
Theo Quy hoạch điện VIII, đến năm 2030, tổng công suất điện gió ngoài khơi phục vụ nhu cầu điện trong nước đạt 6.000 MW

Không gian phát triển mới cho ngành năng lượng

Sau hơn 3 năm mong ngóng, chờ đợi, ngày 15/5/2023, Thủ tướng Chính phủ ký phê duyệt Quy hoạch điện VIII. Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên, đây là sự kiện có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, mở ra không gian phát triển mới cho ngành năng lượng Việt Nam theo hướng bền vững, công bằng, phù hợp với các quan điểm, chủ trương của Đảng, Nhà nước và khả năng thực tế của đất nước cũng như xu thế phát triển của quốc tế. So với các quy hoạch trước đây, một trong những điểm nhấn quan trọng của Quy hoạch điện VIII là ưu tiên phát triển mạnh năng lượng xanh trong cơ cấu nguồn năng lượng Việt Nam.

Theo đó, Việt Nam phát triển đồng bộ, đa dạng hóa các loại hình nguồn điện với cơ cấu hợp lý để đảm bảo an ninh năng lượng, nâng cao tính tự chủ của ngành điện, giảm sự phụ thuộc vào nhiên liệu nhập khẩu. Thực hiện thành công chuyển đổi năng lượng công bằng gắn với hiện đại hóa sản xuất, xây dựng lưới điện thông minh, quản trị hệ thống điện tiên tiến, phù hợp với xu thế chuyển đổi xanh, giảm phát thải, phát triển khoa học công nghệ của thế giới. Hình thành hệ sinh thái công nghiệp năng lượng tổng thể dựa trên NLTT, năng lượng mới.

Quy hoạch điện VIII nhấn mạnh, đẩy mạnh phát triển các nguồn NLTT phục vụ sản xuất điện (thủy điện, điện gió trên bờ và ngoài khơi, điện mặt trời, điện sinh khối...), năng lượng mới, năng lượng sạch (hydro, amoniac xanh...) phù hợp với khả năng bảo đảm an toàn hệ thống với giá hợp lý, đặc biệt là các nguồn điện tự sản, tự tiêu, điện mặt trời mái nhà. Nguồn điện này sẽ đạt tỷ lệ khoảng 30,9 - 39,2% vào năm 2030. Định hướng đến năm 2050, tỷ lệ NLTT đạt 67,5 - 71,5%.

Quy hoạch điện VIII cũng định hướng khai thác và sử dụng hiệu quả các nguồn năng lượng hóa thạch trong nước kết hợp với nhập khẩu theo hướng giảm dần tỷ trọng nhiệt điện than, ưu tiên phát triển điện khí trong nước, phát triển các nguồn điện khí LNG nhập khẩu với quy mô phù hợp...

Ông Bùi Văn Thịnh, Chủ tịch Hiệp hội Điện gió và mặt trời Bình Thuận, Giám đốc Công ty Phong điện Thuận Bình đánh giá, Quy hoạch điện VIII là bản quy hoạch “rất đẹp”, bởi có sự cân đối, hài hòa về cơ cấu nguồn và lưới giữa các vùng miền, ưu tiên phát triển NLTT.

“Việt Nam là quốc gia có tài nguyên NLTT dồi dào, phong phú... Đây là lợi thế để phát triển nguồn năng lượng sạch đáp ứng nhu cầu điện ngày càng cao. Phát triển nguồn NLTT giúp Việt Nam đạt “mục tiêu kép”, vừa đáp ứng nhu cầu điện cho sản xuất và tiêu dùng, vừa góp phần xanh hóa ngành năng lượng, tạo cơ hội phát triển kinh tế bền vững”, ông Thịnh nhìn nhận.

Vạch lộ trình thực hiện mục tiêu

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết, ngay sau khi Quy hoạch điện VIII được phê duyệt, Bộ Công Thương đã triển khai xây dựng Kế hoạch thực hiện Quy hoạch. Kế hoạch được tính toán tới năm 2030 nhằm triển khai các nội dung đã được xác định trong Quy hoạch, đặc biệt là xác định cụ thể về trách nhiệm, tiến độ và việc huy động nguồn lực triển khai.

Về quá trình xây dựng Dự thảo Kế hoạch, trên cơ sở tiếp thu các ý kiến góp ý và chỉ đạo, ngày 12/10 vừa qua, Bộ Công Thương có Tờ trình gửi cấp có thẩm quyền đề nghị ban hành Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII.

Quy hoạch điện VIII nhấn mạnh, đẩy mạnh phát triển các nguồn NLTT phục vụ sản xuất điện (thủy điện, điện gió trên bờ và ngoài khơi, điện mặt trời, điện sinh khối...), năng lượng mới, năng lượng sạch (hydro, amoniac xanh...) phù hợp với khả năng bảo đảm an toàn hệ thống với giá hợp lý.

Dự thảo Kế hoạch cập nhật gồm 9 chương, cụ thể hóa nội dung chủ yếu của Quy hoạch điện VIII về: dự báo chi tiết kết quả nhu cầu phụ tải điện; kế hoạch đầu tư nguồn và lưới điện; nhu cầu sử dụng đất cho đầu tư phát triển điện lực và các giải pháp, nguồn lực thực hiện trên cơ sở tính toán, rà soát tiến độ các dự án nguồn quan trọng, ưu tiên của ngành điện theo Quy hoạch; tính toán quy mô phát triển nguồn điện NLTT theo tỉnh/vùng; phân loại dự án đầu tư công và dự án ngoài nhà nước cũng như nhu cầu vốn đầu tư và nguồn lực để triển khai thực hiện...

Theo chuyên gia năng lượng Phan Xuân Dương, điểm nổi bật của Dự thảo Kế hoạch là giữ được “hồn cốt” của Quy hoạch điện VIII, trong đó, ưu tiên phát triển mạnh nguồn NLTT với việc xác định công suất các dự án điện gió trên bờ, điện gió ngoài khơi (ĐGNK), điện mặt trời mái nhà, điện sinh khối, điện sản xuất từ rác, thủy điện nhỏ đến cấp tỉnh, vùng phù hợp với cơ cấu nguồn đến năm 2030.

Cụ thể, tổng công suất điện gió trên bờ (điện gió trên đất liền và gần bờ) là 21.800 MW; tổng công suất điện gió ngoài khơi là 6.000 MW; tổng công suất điện mặt trời mái nhà (tự sản, tự tiêu) tăng thêm là 2.600 MW; tổng công suất điện sinh khối, điện sản xuất từ rác là 2.270 MW...

Ông Dương đánh giá, đây là lần đầu tiên một kế hoạch triển khai quy hoạch phát triển điện lực được xây dựng. Các tổng sơ đồ trước đây không có kế hoạch như vậy, bởi các quy hoạch trước không có cơ cấu nguồn điện đa dạng như Quy hoạch điện VIII, số lượng dự án điện tái tạo cũng ít nên các dự án lớn có thể đưa luôn vào quy hoạch phê duyệt triển khai.

Đến năm 2030, cần 134,7 tỷ USD đầu tư cho các dự án phát triển nguồn và lưới điện theo Quy hoạch điện VIII

Đến năm 2030, cần 134,7 tỷ USD đầu tư cho các dự án phát triển nguồn và lưới điện theo Quy hoạch điện VIII

Hoàn thiện khung pháp lý để thu hút đầu tư

Tại Tờ trình đề nghị ban hành Kế hoạch, Bộ Công Thương cho biết, đến năm 2030 sẽ cần 134,7 tỷ USD đầu tư cho nguồn và lưới điện. Cụ thể, vốn cho giai đoạn 2021 - 2025 là 57,1 tỷ USD; vốn đầu tư giai đoạn 2026 - 2030 là 77,6 tỷ USD. Toàn bộ vốn cho các dự án đầu tư phát triển nguồn và lưới điện truyền tải sử dụng các nguồn vốn khác ngoài vốn đầu tư công.

Tuy nhiên, theo Bộ Công Thương, đang có những khó khăn, thách thức trong phát triển dự án điện NLTT, trong đó có dự án ĐGNK vì hành lang pháp lý phát triển nguồn điện này chưa rõ ràng, chưa phê duyệt quy hoạch không gian biển quốc gia, chưa có căn cứ xác định phạm vi quản lý biển...

Tại Tờ trình, mục tiêu đến năm 2030 Việt Nam có 15 dự án LNG - loại hình nguồn điện thay thế điện than, giảm phát thải CO2, trong đó có: LNG Quảng Ninh công suất 1.500 MW vào năm 2028 - 2029; LNG Thái Bình công suất 1.500 MW vào năm 2029; LNG Hải Lăng giai đoạn 1 công suất 1.500MW vào năm 2028 - 2029... Phần lớn các dự án này sẽ huy động nguồn lực từ khu vực tư nhân để thực hiện. Tuy nhiên, việc đầu tư các dự án LNG thời gian qua gặp khó khăn, thách thức do chưa có khung giá phát điện cho các nhà máy điện khí LNG dẫn tới vướng mắc trong đàm phán giá bán điện...

Đối với các dự án điện NLTT, hiện cơ chế giá FIT cho dự án điện gió và điện mặt trời đã hết hiệu lực từ lâu, song đến nay, cơ chế nối tiếp vẫn chưa được ban hành, gây ra tình trạng gián đoạn, đứt gãy trong hoạt động đầu tư. Nhà đầu tư lo lắng, bất an, quan ngại về việc không thể bảo đảm hiệu quả đầu tư.

Bên cạnh đó, hợp đồng mua bán điện là điều kiện tiên quyết để chủ đầu tư triển khai dự án năng lượng xanh nhưng hiện nay vẫn còn vướng mắc...

Ông Dương cho rằng, khi hành lang pháp lý chưa rõ ràng, sẽ rất khó huy động vốn từ khu vực tư nhân thực hiện Quy hoạch, hiện thực hóa được mục tiêu xanh hóa ngành năng lượng như mục tiêu đặt ra. “Các dự án đầu tư NLTT, nhất là ĐGNK có vốn đầu tư rất lớn, rủi ro cũng lớn. Nếu chúng ta không có cơ chế, chính sách rõ ràng thì sẽ không thể thu hút được nhà đầu tư phát triển dự án”, ông Dương nhấn mạnh.

Trên thực tế, việc chờ đợi chính sách trong một thời gian dài vừa qua đã khiến một số nhà đầu tư nản lòng, thậm chí rút lui. Trong khi đó, các dự báo đưa ra gần đây cho thấy, nguy cơ thiếu điện trong mùa khô năm 2024 - 2025 đang hiện hữu...

Theo Tờ trình này, trên cơ sở Kế hoạch dự kiến, Bộ Công Thương đề xuất giải pháp tổ chức thực hiện Quy hoạch, thúc đẩy chuyển dịch xanh trong ngành năng lượng. Trong đó, Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các bộ ngành và địa phương hoàn thiện xây dựng và trình Chính phủ Luật Điện lực (sửa đổi) và Luật về NLTT, sớm trình Quốc hội thông qua cũng như trình Chính phủ ban hành các chính sách về mua bán điện trực tiếp. Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì xây dựng cơ chế đấu thầu công khai, minh bạch để lựa chọn các chủ đầu tư thực hiện các dự án điện, hướng dẫn các địa phương thực hiện, cũng như xây dựng cơ chế chính sách để thu hút đầu tư nước ngoài, vốn ODA và các vốn đầu tư tư nhân cho phát triển ngành điện đồng bộ, cân đối, bền vững...

Ông Hoàng Tiến Dũng

Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo thuộc Bộ Công Thương

Quy hoạch điện VIII được ban hành là cơ sở pháp lý quan trọng để phát triển điện lực Việt Nam thời gian tới, trong đó có ưu tiên phát triển các nguồn điện sạch.

Để thực hiện Quy hoạch, Bộ Công Thương đang khẩn trương triển khai các nhiệm vụ được giao như: hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển điện lực, trong đó có các việc sử dụng các nguồn điện NLTT, đặc biệt là hoàn thiện Luật Điện lực (sửa đổi), xây dựng mới Luật NLTT, phát triển hạ tầng truyền tải đồng bộ với nguồn điện...

Ông Stuart Livesey

Tổng giám đốc Công ty CP Phát triển Dự án Điện gió La Gan

Sau khi Quy hoạch điện VIII được phê duyệt, kế hoạch triển khai thực hiện vẫn chưa được ban hành nên các nhà đầu tư khó có thể có những bước tiến đáng kể trong việc thúc đẩy đầu tư, trong đó có lĩnh vực ĐGNK. Theo đó, ưu tiên tiếp theo là bảo đảm kế hoạch thực hiện rõ ràng để cho phép triển khai các dự án ĐGNK, trong đó chỉ rõ các dự án có thể được lựa chọn thí điểm hay trao thầu trong năm nay hoặc đầu năm sau.

Ông Bùi Văn Thịnh

Chủ tịch Hiệp hội Điện gió và điện mặt trời Bình Thuận

Vốn đầu tư thực hiện các dự án điện tái tạo thường rất lớn, lên tới hàng nghìn tỷ đồng với thời gian thu hồi vốn dài. Theo đó, để tạo thuận lợi cho việc triển khai Quy hoạch điện VIII, điểm mấu chốt để thu hút các nhà đầu tư phát triển NLTT là cơ chế, chính sách rõ ràng, ổn định để nhà đầu tư yên tâm, trong đó, giá điện phải hợp lý, phải tiếp cận với thị trường.

Ông Phan Xuân Dương

Chuyên gia năng lượng

Ngoài việc ban hành Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII, cơ quan quản lý cần có hướng dẫn chi tiết, có thể là các chuyên đề cụ thể để triển khai Quy hoạch như: cách thức triển khai thực hiện đầu tư dự án ĐGNK; đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư phát triển dự án điện NLTT... Nếu không có hướng dẫn cụ thể không thể triển khai được Quy hoạch.

Tin cùng chuyên mục