Tăng tốc khai “mỏ vàng” công nghiệp bán dẫn

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Với nhiều lợi thế cạnh tranh, Việt Nam được đánh giá có “cơ hội vàng” thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp bán dẫn, từ đó tạo ra bước phát triển đột phá cho đất nước. TS. Trịnh Công, chủ nhân của hàng chục bằng sáng chế về bán dẫn tại Hoa Kỳ, quản lý cao cấp của nhóm nghiên cứu và phát triển sản phẩm tại Applied Materials, thành viên của Mạng lưới Đổi mới sáng tạo (ĐMST) Việt Nam tại Hoa Kỳ đã hiến kế để tận dụng cơ hội này.
Ảnh Internet
Ảnh Internet

Ông nhận định như thế nào về cơ hội của Việt Nam trước “làn sóng” chuyển dịch đầu tư công nghệ cao của các nhà đầu tư quốc tế, trong đó có nhà đầu tư bán dẫn từ Hoa Kỳ?

Để tránh phụ thuộc vào một thị trường, giảm thiểu rủi ro trước những diễn biến bất lợi, các nhà đầu tư quốc tế, trong đó có doanh nghiệp (DN) trong ngành bán dẫn có xu hướng dịch chuyển, tìm kiếm các “bến đỗ” mới nhằm đa dạng hóa chuỗi cung ứng. Khi dịch chuyển, nhà đầu tư phải lựa chọn những cứ điểm mới ở ngoài Trung Quốc và đây là cơ hội cho Việt Nam.

Hơn nữa, mối quan hệ giữa Việt Nam và Hoa Kỳ ngày càng phát triển sau khi hai nước nâng tầm quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện, trong đó chú trọng hợp tác phát triển ngành công nghiệp bán dẫn.

Triển khai nội dung hợp tác, nhiều DN công nghệ của Hoa Kỳ đã đến Việt Nam tìm kiếm cơ hội. Trong đó, có DN đã cam kết “biến Việt Nam trở thành quê hương thứ hai” trong chiến lược phát triển của họ.

Thực tế, Việt Nam đang là cứ điểm sản xuất của nhiều DN công nghệ đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan và đặc biệt là các tập đoàn của Hoa Kỳ như Intel, Amkor trong mảng đóng gói, kiểm thử chip; Marvell, Qorvo, Qualcomm trong mảng thiết kế chip; Synopsys, Cadence trong việc cung cấp công cụ thiết kế chip bán dẫn…

Như vậy, rõ ràng, Việt Nam đang có những cơ hội lớn để phát triển ngành công nghiệp bán dẫn.

Tuy nhiên, sản xuất chip không dễ và đang có cuộc “chạy đua” thu hút đầu tư trong lĩnh vực này. Gần như tất cả các quốc gia, dù là nước phát triển hay đang phát triển đều muốn thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp bán dẫn. Theo đó, họ không ngừng cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh và đầu tư rất lớn vào hạ tầng để cạnh tranh thu hút đầu tư.

Nhìn về tốc độ, tôi cảm nhận “làn sóng” này diễn ra rất nhanh. Nếu chúng ta chậm chân, không có chiến lược rõ ràng trong 2 - 3 năm tới thì khi đó chuỗi cung ứng mới sẽ hình thành, rất khó để Việt Nam có thể gia nhập vào hệ thống. Vì thế, trong cuộc đua này, Việt Nam phải tăng tốc thực hiện các giải pháp để nâng cao sức cạnh tranh, từ đó tăng sức hút với nhà đầu tư công nghiệp công nghệ cao.

TS. Trịnh Công

TS. Trịnh Công

Vậy theo ông, đâu là “chìa khóa” để Việt Nam thu hút và thúc đẩy phát triển ngành bán dẫn?

Chuẩn bị nhân lực chất lượng cao là một trong những yếu tố quan trọng để phát triển ngành công nghiệp bán dẫn. Nếu không có nguồn nhân lực chất lượng tốt thì nhà đầu tư có mang công nghệ mới nhất đến cũng không có người mà làm.

Hơn nữa, thế giới cũng đang rất “khát” đội ngũ nhân lực ngành bán dẫn. Nếu Việt Nam phát triển được đội ngũ này thì đây là cơ hội rất lớn để tăng sức hút với nhà đầu tư.

Tiếp đến là phải chuẩn bị cơ sở vật chất cho công tác đào tạo, nghiên cứu và chuyển giao công nghệ. Mảng bán dẫn đòi hỏi môi trường thực hành, kinh nghiệm thực tế rất cao, nên nếu chỉ “học” mà không có chỗ “thực hành” thì cũng không thể phát triển được. Các khoản đầu tư sẽ rất lớn, cần sự hỗ trợ của Nhà nước, kết hợp với các trường đại học và có thể chung tay với cả DN để đầu tư trang thiết bị. Cần tập trung đầu tư vào 1 - 2 trung tâm nghiên cứu và chuyển giao công nghệ tầm cỡ quốc gia, tránh đầu tư nhỏ và dàn trải, sẽ không cho kết quả tốt và dễ gây lãng phí.

Các nhà hoạch định chính sách cần xác định chiến lược dài hơi với việc phát triển 1 hệ sinh thái về bán dẫn gồm có: thiết kế, sản xuất, đóng gói kiểm thử và nghiên cứu công nghệ mới, có thể bắt đầu với 1 hoặc 2 mũi nhọn. Chúng ta cần xây dựng Chiến lược quốc gia cho ngành công nghiệp bán dẫn với lộ trình và cơ chế, chính sách rõ ràng để đạt mục tiêu.

Mong ông chia sẻ một vài kiến nghị cụ thể?

Tôi cho rằng, trong vòng 1 - 5 năm tới, Việt Nam cần chú trọng kêu gọi các DN công nghệ quốc tế để hợp tác và chuyển giao công nghệ; đồng thời, chuẩn bị nhân lực cho ngành bán dẫn với việc tập trung đào tạo tại một số trường đại học.

Trong những năm đầu, chúng ta có thể tập trung vào chuyển giao những công nghệ cũ hơn (mature technologies), nhưng trong đó có thể tập trung vào những ứng dụng mới mà vẫn có thể sản xuất trên nền chip với công nghệ cũ.

Ngoài việc gia công lắp ráp, Việt Nam cần tìm những cửa ngách có giá trị cao hơn trong chuỗi cung ứng bán dẫn, nơi mà ta có thế mạnh cạnh tranh riêng để khai thác.

Chia sẻ với Báo Đấu thầu, TS. Trịnh Công bày tỏ niềm vinh dự được mời về nước để tham dự sự kiện khánh thành NIC Hòa Lạc vừa qua. NIC Hòa Lạc có hạ tầng hiện đại và không gian rộng lớn, là “ngôi nhà chung” để các nhà khoa học khắp nơi trên thế giới trở về trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm; đồng thời, đây cũng là nơi kết nối giữa cơ quan quản lý với các nhà khoa học, viện, trường, doanh nghiệp để cùng chung tay thúc đẩy ĐMST đất nước...

Điển hình, trong mảng sản xuất, có tới 60 - 70% vốn đầu tư xây nhà máy được sử dụng để mua máy sản xuất chip. Thị trường máy móc sản xuất chip lên tới hơn 100 tỷ USD mỗi năm, gồm các thiết bị cơ khí và cơ khí chính xác, đồ điện, bảng điều khiển, động cơ, robot… Việt Nam hoàn toàn có thể tham gia vào chuỗi cung ứng này, có thể bắt đầu từ điện và cơ khí chính xác. Đó là nhìn từ góc hẹp tôi làm trong ngành bán dẫn, chúng ra có thể tham khảo ý kiến của nhiều chuyên gia trong các mảng khác của công nghiệp bán dẫn. Để nâng cao chất lượng đào tạo, các trường có thể phối hợp với Mạng lưới ĐMST Việt Nam, các trường đại học quốc tế, tập đoàn công nghệ lớn… như giải pháp đang thực hiện.

Cùng với đó, có thể hình thành một trung tâm nghiên cứu bán dẫn tầm cỡ quốc gia, có nguồn lực, uy tín, làm nhiệm vụ gắn kết chặt chẽ giữa các trường đại học, DN với nhau, từ đó giúp giải quyết các vấn đề hóc búa, dài hơi của chính DN, đồng thời hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực và làm công tác nghiên cứu.

Tiếp theo phải phát triển và nuôi dưỡng các startup công nghệ trở thành các kỳ lân… Các startup về mảng phần cứng thường bị hạn chế về trang thiết bị máy móc. Khi đó, trung tâm nghiên cứu bán dẫn quốc gia với trang thiết bị tiên tiến và Trung tâm ĐMST quốc gia (NIC) có thể tạo điều kiện tốt để họ phát triển.

Cá nhân ông sẽ làm gì để hỗ trợ phát triển ngành bán dẫn nước nhà?

Với tư cách là thành viên Mạng lưới ĐMST Việt Nam, tôi sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ các cơ quan, đơn vị trong việc nghiên cứu, phát triển ngành công nghiệp bán dẫn.

Tôi và các chuyên gia đang làm việc ở Mỹ cũng đang bắt đầu tìm hiểu và bước đầu hình thành ý tưởng xây dựng vài dự án: xây dựng bộ khung đào tạo kỹ sư về sản xuất và kiểm thử dựa trên kinh nghiệm thực tế làm phát triển sản phẩm trong hơn 10 năm qua; phát triển công nghệ AI cho đào tạo kỹ sư; tìm kiếm DN Hoa Kỳ có kỹ thuật tốt và có nhu cầu mở rộng sản xuất ở Việt Nam...

Tin cùng chuyên mục