Nỗ lực phục hồi, phát triển kinh tế Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức mới. Ảnh: Lê Tiên |
Điểm đáng chú ý trong hoạt động sản xuất, kinh doanh từ đầu năm đến nay là sản xuất công nghiệp tháng 2/2022 tiếp tục khởi sắc với mức tăng 8,5% so với cùng kỳ năm trước, kim ngạch xuất khẩu tăng trên 10%, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn vốn ngân sách nhà nước tăng 10,4%; CPI bình quân 2 tháng đầu năm 2022 tăng 1,68% so với bình quân cùng kỳ năm 2021.
Tuy vậy, theo nghiên cứu của một số tổ chức tài chính trong nước, xung đột Nga - Ukraine đang đẩy giá cả hàng hóa, gây khó cho nỗ lực kiềm chế lạm phát. Bên cạnh đó, rủi ro tiềm tàng là nguy cơ gián đoạn chuỗi cung ứng nguyên vật liệu cơ bản sẽ ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất. Mặt khác, vấn đề suy giảm tăng trưởng kinh tế toàn cầu là một rủi ro đang gia tăng sẽ ảnh hưởng đến triển vọng xuất khẩu của Việt Nam. Theo tính toán, nếu giá dầu bình quân năm nay là 100 USD/thùng thì CPI cả năm có thể tăng cao hơn dự đoán và vượt ngưỡng mục tiêu 4%.
Đối với Việt Nam, rủi ro gián đoạn chuỗi cung ứng hàng hóa thế giới sẽ gián tiếp làm tăng chi phí sản xuất của doanh nghiệp trong nước. Điểm sáng trong bức tranh này là với việc các đối tác phương Tây tìm kiếm nhà cung cấp thay thế cho nguồn cung thiếu hụt từ Nga, hàng xuất khẩu từ Việt Nam có thể là một lựa chọn. Dù vậy, việc nắm bắt được cơ hội trong khủng hoảng sẽ tùy thuộc vào khả năng đáp ứng đơn hàng của doanh nghiệp, mức độ tồn kho nguyên liệu giá thấp và khoảng cách giữa tốc độ tăng giá đầu ra so với tốc độ tăng của chi phí đầu vào.
Theo TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam, để khắc phục những khó khăn trong ngắn hạn cũng như nắm bắt được cơ hội trong dài hạn, các cơ quan quản lý nhà nước phải tăng tốc thực hiện các giải pháp thực thi chương trình phục hồi kinh tế, đặc biệt phải tích hợp thêm các giải pháp để đối phó vấn đề nảy sinh từ cuộc chiến tranh Nga - Ukraine.
Cùng quan điểm, TS. Phan Đức Hiếu, Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, đối với gói phục hồi kinh tế, Việt Nam phải quyết liệt hơn nữa. Nếu trước kia, thời gian để thiết kế là quan trọng, thì giờ đây thời gian để hoàn thành là quan trọng nhất. “Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo lập Tổ công tác đặc biệt giải quyết các vấn đề có liên quan tới tình hình Ukraine. Với hành động kịp thời trên của Chính phủ, Việt Nam sẽ ổn định môi trường vĩ mô, thông qua đó giảm thiểu được tối đa tác động từ bên ngoài đối với nền kinh tế”, ông Hiếu chia sẻ.
Từ góc độ đơn vị thực thi chính sách, Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà nhấn mạnh, đối với việc triển khai các giải pháp của Chương trình hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội sau đại dịch, việc cụ thể hóa nội dung Chương trình là rất cần thiết vì liên quan đến việc bố trí nguồn lực cũng như khả năng huy động vốn cho năm 2022 và 2023. Theo đó, ngoài việc giãn, giảm thuế còn có hai nội dung cần chú ý là giải ngân vốn đầu tư và hỗ trợ lãi suất, cần có danh mục và hướng dẫn cụ thể để triển khai thực hiện.
Việc đẩy nhanh triển khai các giải pháp phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội cũng là một trong những nội dung được nêu trong thông báo của Văn phòng Chính phủ ngày 8/3 về kết luận của Thủ tướng Phạm Minh chính tại cuộc họp về tình hình kinh tế - xã hội tháng 2 và 2 tháng đầu năm 2022.
Theo đó, Thủ tướng lưu ý các bộ, cơ quan, địa phương quán triệt yêu cầu điều hành linh hoạt, phối hợp chặt chẽ chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ và các chính sách vĩ mô khác để vừa giữ vững ổn định vĩ mô, vừa góp phần thúc đẩy sản xuất, kinh doanh. Ngân hàng Nhà nước phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính để chủ động điều tiết lượng tiền cung ứng vừa bảo đảm kiểm soát lạm phát, vừa tạo điều kiện thuận lợi để thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Tập trung xây dựng, ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành ngay trong tháng 3/2022 các cơ chế, chính sách để thực hiện các giải pháp, nhiệm vụ đặt ra tại Chương trình. Bộ, ngành nào không làm xong trong tháng 3 năm 2022 sẽ kiểm điểm, xác định trách nhiệm và xử lý theo quy định.