Ảnh chỉ mang tính minh họa: Tường Lâm |
Số liệu từ báo cáo tài chính quý III của các ngân hàng thương mại cho thấy có khoảng cách khá rộng về tăng trướng tín dụng giữa các ngân hàng. Nhiều ngân hàng đã có mức tăng trưởng tín dụng trên 20% tính từ đầu năm. Đó là, Techcombank tăng 28,6%, VIB tăng 28,2%, Nam Á Bank tăng 24,3%, OCB tăng 21,2% và TPBank tăng 20,4%.
Các ngân hàng khác có mức tăng trưởng tín dụng vừa phải là Vietcombank tăng 12,1%, BIDV tăng 8,6%. Trong khi đó, Agribank chỉ tăng được 5,2% và VietinBank tăng 3,9%.
Trong khi đó, số liệu từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho thấy, đến 4/10/2019, tín dụng toàn nền kinh tế đạt hơn 7,85 triệu tỷ đồng, tăng 8,95% so với cuối năm 2018.
Bình luận về mức tăng trưởng tín dụng của các ngân hàng, TS. Bùi Quang Tín, chuyên gia ngân hàng nói: “Mức tăng trưởng tín dụng của một số ngân hàng cao hơn đáng kể so với mặt bằng chung nhưng chưa đáng quan ngại bởi mỗi ngân hàng có năng lực quản trị và năng lực tài chính khác nhau. Do đó, ngân hàng quản trị tốt và năng lực tài chính tốt hoàn toàn có thể tăng trưởng cao và ngược lại. Vấn đề không phải là khối lượng hay mức tăng trưởng tín dụng mà quan trọng hơn là chất lượng tín dụng. Nếu các ngân hàng và cả hệ thống kiểm soát tốt được dòng tín dụng thì không lo”.
Từ góc độ khác, TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng của BIDV nhận xét: “Tốc độ tăng trưởng tín dụng cao chỉ xảy ra ở các ngân hàng có quy mô nhỏ và vừa nên khối lượng tín dụng đổ ra nền kinh tế cũng không hẳn là quá lớn. Bên cạnh đó, đây là những ngân hàng gần như đã hết hạn mức tăng trưởng tín dụng đã được cấp. Vì vậy, trong thời gian tới, để đẩy mạnh cho vay thì họ phải cơ cấu lại các danh mục cho vay, tức là, phải thu nợ chỗ này để cho vay chỗ khác”.
Cũng theo ông Lực, để có thể tăng trưởng tín dụng cao, các ngân hàng đều đã đáp ứng tiêu chuẩn Basel II theo quy định tại Thông tư 41/2016/TT-NHNN và được cấp thêm hạn mức cao hơn. Trong khi đó, tính chung cả hệ thống thì mức tăng trưởng tín dụng là vừa phải.
“Tôi cho rằng, mức tăng trưởng tín dụng cả hệ thống và tăng trưởng tín dụng riêng lẻ của các ngân hàng chưa đến mức đáng ngại. Bởi vì, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của chúng ta vẫn tăng trưởng tốt, chứng tỏ phân bổ tín dụng đã hiệu quả hơn. Mặt khác, năng lực quản trị của nhiều ngân hàng cũng được cải thiện tốt qua các chỉ báo hoạt động. Với các ngân hàng được cấp hạn mức tín dụng cao, tôi tin là họ đã được NHNN xem xét rất kỹ khả năng quản trị và đảm bảo kiểm soát tốt dòng tín dụng”, ông Lực nhấn mạnh.
Về mức tăng trưởng chung của cả năm nay, kết quả cuộc điều tra “Xu hướng kinh doanh” mới nhất do NHNN tiến hành cho biết, dư nợ tín dụng của hệ thống ngân hàng được kỳ vọng tăng trưởng 4,85% trong quý IV/2019 và tăng 13,61% trong năm 2019.
NHNN đánh giá, công tác điều hành tăng trưởng tín dụng đã phù hợp với cân đối vĩ mô, đáp ứng nhu cầu vốn của nền kinh tế gắn liền với nâng cao chất lượng tín dụng, tập trung vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên, tín dụng đối với các lĩnh vực rủi ro được kiểm soát chặt chẽ.
Trên cơ sở mức tăng trưởng 13,89% của tín dụng năm 2018, mục tiêu tăng trưởng kinh tế và lạm phát năm 2019, NHNN định hướng chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2019 là 14%, có điều chỉnh linh hoạt phù hợp diễn biến, tình hình thực tế nhằm kiểm soát lạm phát, duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế hợp lý.