Tăng tỷ lệ vốn chủ sở hữu nhà đầu tư phải góp vào dự án PPP là để đảm bảo lựa chọn được nhà đầu tư có đủ tiềm lực tài chính thực hiện dự án. Ảnh: Tất Tiên |
Điều này làm biến dạng bản chất của hình thức BOT, dẫn đến nhiều hệ lụy, đòi hỏi cần có sự thay đổi trong thời gian tới để buộc nhà đầu tư BOT phải “làm thật” mới được “ăn thật”.
Nhà đầu tư “tay không bắt giặc”
Theo quy định hiện hành tại Nghị định 15/2015/NĐ-CP về đầu tư theo hình thức PPP, tỷ lệ vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư không được thấp hơn 15% tổng vốn đầu tư. Đối với dự án có tổng vốn đầu tư trên 1.500 tỷ đồng, tỷ lệ vốn chủ sở hữu được xác định theo nguyên tắc lũy tiến từng phần: đối với phần vốn đến 1.500 tỷ đồng, tỷ lệ vốn chủ sở hữu không được thấp hơn 15% của phần vốn này; đối với phần vốn trên 1.500 tỷ đồng, tỷ lệ vốn chủ sở hữu không được thấp hơn 10% của phần vốn này.
Thực tiễn triển khai nhiều dự án BOT thời gian qua đã cho thấy tình trạng nhiều nhà đầu tư “tay không bắt giặc”, dự án chủ yếu thực hiện bằng vốn vay. Một chuyên gia cho biết, có dự án do nhà đầu tư lập đề xuất dự án sau đó được chỉ định, tổng vốn đầu tư bị đội lên, thực tế giá trị công trình chỉ khoảng 85% tổng vốn đầu tư nhà đầu tư lập, trong khi nhà đầu tư được vay đến 90% tổng vốn đầu tư, trong quá trình thi công công trình lại chỉ định nhà thầu thực hiện, bòn rút, khai khống, đẩy giá gói thầu cao lên. Như vậy nhà đầu tư gần như không phải dùng đến vốn chủ sở hữu hoặc dùng rất ít đã có thể thực hiện được công trình.
Thực tế đó khiến một trong những mục tiêu quan trọng của đầu tư theo hình thức BOT là thu hút vốn tư nhân đã không đạt được, vì chủ yếu vẫn là vốn vay và trong đó đa phần từ những ngân hàng thương mại nhà nước.
Theo ông Đặng Quang Vinh, Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương, quy định vốn chủ sở hữu các dự án BOT hiện nay còn quá thấp, cần nâng lên cao hơn, có thể tới 30% tổng vốn đầu tư.
Tăng vốn chủ sở hữu, giảm rủi ro tín dụng
Ngân hàng Nhà nước đã có báo cáo Thủ tướng Chính phủ về tình hình hạn mức tín dụng trong nước đối với các dự án BOT giao thông nói riêng và các dự án PPP nói chung. Tại Báo cáo, Ngân hàng Nhà nước đề xuất một số giải pháp đồng bộ để tháo gỡ các vướng mắc về nguồn vốn tín dụng cho dự án PPP, cũng như nhằm đảm bảo an toàn hệ thống tín dụng trong nước, trong đó một trong những giải pháp được nhấn mạnh là “nhà đầu tư cần tăng vốn chủ sở hữu tham gia vào dự án, nâng cao năng lực hoạt động nhằm đáp ứng các yêu cầu trong việc đầu tư các dự án BOT, BT giao thông, đáp ứng các điều kiện trong việc tiếp cận nguồn vốn tín dụng của các ngân hàng”. Đồng thời, về phía các ngân hàng, tổ chức tín dụng khi xem xét cung cấp tín dụng cho các dự án BOT, Ngân hàng Nhà nước cũng khuyến cáo cần thẩm định chặt chẽ dự án cũng như năng lực tài chính của nhà đầu tư, yêu cầu nhà đầu tư tăng vốn chủ sở hữu nhằm giảm thiểu rủi ro cho ngân hàng.
Theo Bộ KH&ĐT, trong bối cảnh các nhà đầu tư trong nước phát triển từ nhà thầu xây dựng, việc quy định tăng tỷ lệ vốn chủ sở hữu nhà đầu tư phải góp vào dự án là phù hợp để đảm bảo lựa chọn được những nhà đầu tư có đủ tiềm lực tài chính thực hiện dự án, đồng thời góp phần ổn định hệ thống tín dụng trong nước khi hạn mức tín dụng đã tới hạn như Báo cáo của Ngân hàng Nhà nước.
Ngoài ra, việc quy định ngưỡng 1.500 tỷ đồng như Nghị định 15/CP hiện nay không còn phù hợp khi dự án PPP đã được phân loại theo các nhóm dự án quan trọng quốc gia, nhóm A, B và C theo pháp luật về đầu tư công.
Trong Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 15/2015/NĐ-CP, Bộ KH&ĐT đề xuất phân loại dự án theo nhóm quan trọng quốc gia, A, B, C để áp dụng tỷ lệ vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư đối với từng nhóm: không được thấp hơn 15% tổng vốn đầu tư đối với các dự án quan trọng quốc gia và nhóm A; Không được thấp hơn 20% tổng vốn đầu tư đối với các dự án nhóm B và nhóm C.
Phương án này, theo Bộ KH&ĐT, sẽ phù hợp với thực tiễn về năng lực các nhà đầu tư trong nước hiện nay; đảm bảo lựa chọn được những nhà đầu tư có đủ tiềm lực tài chính thực hiện dự án, đồng thời góp phần ổn định hệ thống tín dụng.