Từ đầu năm đến nay, có khoảng 15 ngân hàng được chấp thuận tăng vốn điều lệ với tổng số vốn tăng thêm gần 97 nghìn tỷ đồng. Ảnh: Nhã Chi |
Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) vừa thông báo, Đại hội đồng cổ đông đã thông qua phương án tăng vốn điều lệ năm 2021. Cụ thể, BIDV sẽ phát hành tối đa gần 1,037 tỷ cổ phiếu để trả cổ tức từ nguồn lợi nhuận còn lại lũy kế đến năm 2019 và lợi nhuận còn lại sau thuế, sau trích lập các quỹ và chi trả cổ tức bằng tiền mặt năm 2020. Tỷ lệ phát hành dự kiến là 25,77% vốn điều lệ. Sau phát hành, vốn điều lệ của BIDV sẽ tăng thêm 10.365 tỷ đồng lên hơn 50.585 tỷ đồng. Hiện vốn điều lệ của BIDV là hơn 40.220 tỷ đồng, chỉ đứng sau VietinBank (48.058 tỷ đồng) và VPBank (44.455 tỷ đồng).
BIDV dự kiến dùng số vốn điều lệ tăng thêm để đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng công nghệ, phát triển sản phẩm dịch vụ mới, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, tăng tỷ lệ thu nhập từ dịch vụ trong tổng thu nhập, nâng cao năng lực quản trị điều hành, quản trị rủi ro.
Đầu tháng 12, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã chấp thuận việc Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) tăng vốn điều lệ thêm hơn 4.100 tỷ đồng bằng hình thức phát hành cổ phiếu từ nguồn vốn chủ sở hữu, nâng tổng số vốn điều lệ của Ngân hàng lên hơn 15.817 tỷ đồng. Đây là lần thứ hai trong năm nay, TPBank được NHNN chấp thuận tăng vốn điều lệ. Quý III/2021, TPBank đã tăng vốn điều lệ thêm 1.000 tỷ đồng thông qua hình thức chào bán cổ phiếu riêng lẻ. Việc được phê chuẩn tăng vốn điều lệ sẽ giúp TPBank củng cố thêm hệ số an toàn vốn tối thiểu (CAR), nâng cao năng lực và sức đề kháng của Ngân hàng trước những khó khăn của nền kinh tế trong và sau thời kỳ dịch bệnh.
Từ đầu năm đến nay, có khoảng 15 ngân hàng được chấp thuận triển khai phương án tăng vốn điều lệ với tổng số vốn tăng thêm gần 97 nghìn tỷ đồng. Một số ngân hàng khác cũng có kế hoạch tăng vốn điều lệ trong năm nay như Vietcombank dự kiến tăng thêm hơn 13 nghìn tỷ đồng, OCB tăng thêm 750 tỷ đồng…
Theo chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành, việc tăng vốn của các ngân hàng trong năm nay đã giúp củng cố sức khỏe tài chính, đáp ứng yêu cầu của NHNN về tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu và các chỉ tiêu hoạt động tài chính khác theo quy định. Khi đảm bảo các chỉ tiêu tài chính thì ngân hàng mới có thể được cấp hạn mức tín dụng nhiều hơn và cho vay nhiều hơn. Quá trình tăng vốn diễn ra vài năm gần đây và đạt kết quả rõ nét trong năm 2021 nhờ nhiều yếu tố tích cực từ thị trường chứng khoán và kết quả kinh doanh khả quan của các ngân hàng.
Từ góc độ cơ quan quản lý, theo ông Phạm Thanh Hà, Phó Thống đốc NHNN, việc tăng vốn cũng giúp các ngân hàng có thêm nguồn lực để hỗ trợ nền kinh tế hồi phục. “Dư nợ tín dụng nền kinh tế hiện ở mức 10,1 triệu tỷ đồng, trong đó tổng lượng vốn tự có của tổ chức tín dụng là hơn 1,3 triệu tỷ đồng. Nếu tăng 1 đồng vốn cho tổ chức tín dụng thì có thể tăng 8 lần dư nợ cho nền kinh tế”, ông Hà cho biết.
TS. Võ Trí Thành cho rằng, lộ trình tái cấu trúc vẫn tiếp tục diễn ra theo yêu cầu bắt buộc của NHNN nên áp lực tăng vốn của ngành ngân hàng sẽ không giảm trong năm 2022. Tuy nhiên, triển vọng tăng vốn điều lệ của các ngân hàng trong năm sau còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, đáng chú ý là hoạt động kinh doanh của ngân hàng, tác động từ các chương trình hỗ trợ kinh tế với thị trường vốn và các doanh nghiệp.
TS. Châu Đình Linh, giảng viên Đại học Ngân hàng TP.HCM cho biết, năm nay các ngân hàng rất thuận lợi trong việc tăng vốn nhờ kết quả kinh doanh tích cực, thị trường chứng khoán khởi sắc, đặc biệt là cổ phiếu ngân hàng tăng giá mạnh giúp việc phát hành riêng lẻ, chia cổ tức bằng cổ phiếu đều dễ dàng.
“Kết quả kinh doanh khả quan của năm nay nhờ thực hiện gia hạn các khoản nợ, chưa chuyển nhóm nợ có thể sẽ kết thúc vào năm sau. Khi đó, lợi nhuận sẽ khó đạt mức tăng trưởng cao như năm nay, nợ xấu sẽ tăng lên, vì vậy việc huy động vốn trên thị trường chứng khoán chưa chắc đã thuận lợi. Dù vậy, nếu các chương trình hỗ trợ kinh tế được triển khai hiệu quả, doanh nghiệp hưởng lợi và có kết quả kinh doanh tốt thì hoạt động của ngành ngân hàng sẽ tích cực hơn”, ông Linh nói.