Tạo cơ hội cho DN cơ khí vươn lên làm tổng thầu

(BĐT) - Dự báo tổng nhu cầu thị trường cơ khí của Việt Nam giai đoạn 2019 - 2030 có thể đạt 310 tỷ USD. Trong khi đó, ngành cơ khí Việt Nam hiện chỉ đáp ứng được gần 1/3 nhu cầu sản phẩm cơ khí trong nước, doanh nghiệp (DN) cơ khí vẫn chủ yếu làm thầu phụ. Chính sách khuyến khích phát triển ngành này còn nhiều điều phải bàn.
Ngành cơ khí Việt Nam mới đáp ứng khoảng 32% nhu cầu sản phẩm cơ khí trong nước. Ảnh: Nhã Chi
Ngành cơ khí Việt Nam mới đáp ứng khoảng 32% nhu cầu sản phẩm cơ khí trong nước. Ảnh: Nhã Chi

Nhọc nhằn vào các dự án

Tại Hội nghị về các giải pháp thúc đẩy phát triển ngành cơ khí Việt Nam diễn ra ngày 24/9, tại Hà Nội, Bộ Công Thương đánh giá, ngành cơ khí Việt Nam mới đáp ứng khoảng 32% nhu cầu sản phẩm cơ khí trong nước. DN sản xuất cơ khí nội địa rất khó trở thành thầu phụ cung cấp máy móc, thiết bị cho các dự án (nhiệt điện, thép, hạ tầng giao thông…) được triển khai trong giai đoạn vừa qua.

Đối với nhóm sản phẩm cơ khí toàn bộ, ngành cơ khí tuy đã làm chủ được công tác thiết kế hệ thống thiết bị cơ khí thủy công của các nhà máy thủy điện nhưng vẫn chưa làm chủ được công tác thiết kế đối với các dự án có mức độ phức tạp cao như: nhà máy nhiệt điện, chế biến khoáng sản, dầu khí, hóa chất, giàn khoan… Về chế tạo, phần lớn các nhà máy nhiệt điện vẫn do các nhà thầu nước ngoài làm tổng thầu EPC. Tương tự, các dự án chế biến khoáng sản, lọc hóa dầu cũng do nhà thầu nước ngoài làm tổng thầu EPC, phần công việc chế tạo trong nước mới đạt 10%.

Ở nhóm ngành máy công cụ, máy xây dựng, hiện DN cơ khí mới đáp ứng được 40% nhu cầu trong nước…

Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) đánh giá, khả năng tham gia chuỗi giá trị sản phẩm toàn cầu của các DN cơ khí Việt Nam còn rất hạn chế. Dẫn số liệu của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Bộ KH&ĐT cho hay, chỉ có dưới 40% DN Việt Nam tham gia được vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Phần lớn DN công nghiệp hỗ trợ trong nước mới chỉ là DN cấp 3, 4 cho các DN FDI tại Việt Nam…

Chia sẻ với Báo Đấu thầu, ông Nguyễn Chỉ Sáng, Phó Chủ tịch Hiệp hội DN cơ khí Việt Nam cho biết, có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến thực trạng này, trong đó có việc một số cơ chế, chính sách tạo thị trường cho DN cơ khí trong nước từ các dự án mua sắm, đầu tư bằng ngân sách nhà nước ít được thực hiện. Chỉ thị số 494/CT-TTg và Chỉ thị số 734/CT-TTg về công tác đấu thầu khó triển khai do chủ đầu tư chưa tin tưởng vào các nhà thầu trong nước. Đặc biệt là thiếu chế tài đối với các chủ đầu tư không thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Vươn lên bằng cách nào?

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu, tạo dựng thị trường cho các DN cơ khí phát triển, trong đó Nhà nước đóng vai trò “bà đỡ” cho DN. Nghiên cứu chính sách hỗ trợ các DN trong nước tham gia nhiều hơn vào các công trình, dự án trong nước. Nghiên cứu ban hành các quy định về đấu thầu nhằm nâng cao tỷ lệ sử dụng vật tư, hàng sản xuất trong nước trong các dự án, gói thầu, tạo thị trường cho DN trong nước phát triển phù hợp với quy định hiện hành và thông lệ quốc tế.
Với mục tiêu đến năm 2035 phát triển ngành cơ khí Việt Nam với đa số chuyên ngành có công nghệ tiên tiến, chất lượng sản phẩm đạt tiêu chuẩn quốc tế, tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu, giảm nhập khẩu thiết bị…, tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, năng lực người Việt Nam hoàn toàn có thể thực hiện mục tiêu này.

Theo Thủ tướng, trước hết chúng ta phải có khát vọng, tâm huyết với phát triển kinh tế Việt Nam, cơ khí Việt Nam để gia tăng giá trị trong chuỗi sản phẩm toàn cầu. Trên cơ sở đó, xác định thị trường rõ nét hơn, xác định phân khúc thị trường trong nước, ngoài nước, từ đó có các chính sách vĩ mô kèm theo, đặc biệt là chính sách thuế và lãi suất cho ngành cơ khí rõ hơn. Chính sách phải “đi tắt, đón đầu” để cơ khí phát huy lợi thế người đi sau trong bối cảnh hội nhập.

Thủ tướng yêu cầu, tạo dựng thị trường cho các DN cơ khí phát triển, trong đó Nhà nước đóng vai trò “bà đỡ” cho DN. Nghiên cứu chính sách hỗ trợ các DN trong nước tham gia nhiều hơn vào các công trình, dự án trong nước. Nghiên cứu ban hành các quy định về đấu thầu nhằm nâng cao tỷ lệ sử dụng vật tư, hàng sản xuất trong nước trong các dự án, gói thầu, tạo thị trường cho DN trong nước phát triển phù hợp với quy định hiện hành và thông lệ quốc tế.

Từ thực tế đã có một số dự án lớn trong nước do các DN cơ khí Việt Nam đảm nhiệm vai trò tổng thầu, ông Sáng tin tưởng, các DN cơ khí Việt Nam hoàn toàn đủ năng lực đảm nhận tốt vai trò này. Bởi theo ông Sáng, khi làm tổng thầu, các DN cơ khí có nhiều cái được. Đó là học hỏi kinh nghiệm, chế tạo được những thiết bị cho những gói thầu theo yêu cầu, có thể nội địa hóa được 40 - 50% thiết bị… Các dự án đầu tư cũng sẽ đảm bảo về tiến độ, giá cả hợp lý, thậm chí là rẻ so với giao cho tổng thầu nước ngoài thực hiện.

Để hỗ trợ phát triển ngành cơ khí, Bộ Công Thương cho biết sẽ phối hợp với Bộ KH&ĐT nghiên cứu, đề xuất các quy định về việc ưu tiên sử dụng sản phẩm trong nước đối với các dự án đầu tư công; dự án đối tác công tư (PPP) trong các lĩnh vực nhiệt điện, điện gió, điện mặt trời, hạ tầng giao thông, cấp điện, nước; dự án sử dụng vốn ODA… Chính sách ưu tiên sử dụng sản phẩm cơ khí trong nước đối với các dự án này cần tập trung vào việc nghiên cứu các cơ chế, chính sách nhằm khuyến khích nhà đầu tư sử dụng vật tư, thiết bị công nghiệp do Việt Nam sản xuất.