Tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp trong nước phát triển là yếu tố then chốt bảo đảm tăng trưởng kinh tế bền vững. Ảnh: Tất Tiên |
Tăng năng suất đang chậm lại
Báo cáo nhận định, năng suất và đổi mới sáng tạo mới chính là động lực cho tăng trưởng trong tương lai. Điều này đòi hỏi phải kiên trì thực hiện các chính sách giải quyết vấn đề năng suất tăng chậm lại và đầu tư dài hạn kém hiệu quả, đặc biệt là đầu tư hạ tầng đô thị và đầu tư cho năng lực đổi mới sáng tạo.
Lý giải cho hiện tượng tăng năng suất đang chậm lại, Báo cáo Việt Nam 2035 cho biết, hiện đầu tư công chưa hiệu quả như mong đợi do các quyết định đầu tư còn thiếu đồng bộ và thiếu phối hợp trong một cấu trúc nhà nước cát cứ và manh mún. Đó là tình trạng thiếu cơ cấu tầng bậc, thiếu phân công vai trò và nhiệm vụ trong chính quyền trung ương, giữa Trung ương và địa phương gây ảnh hưởng đến hoạch định và triển khai chính sách.
Bên cạnh đó, có một thực tế là phần lớn các doanh nghiệp nhà nước Việt Nam đang hoạt động thiếu hiệu quả. Tình trạng Nhà nước đầu tư dàn trải, thiếu hiệu quả khiến cho năng suất thấp bao trùm cả nền kinh tế. Trong khi đó, mức tăng năng suất của khu vực tư nhân trong nước liên tục giảm làm cho hiệu quả của khu vực này cũng thấp như khu vực doanh nghiệp nhà nước. Theo lý giải của nhóm chuyên gia Việt Nam và Ngân hàng Thế giới, thực tế này bắt nguồn từ 2 nguyên nhân. Thứ nhất là nền tảng thể chế kinh tế thị trường hiện đại chậm hoàn thiện gây phương hại đến quyền sở hữu tài sản và làm giảm tính cạnh tranh trên các thị trường hàng hóa. Thứ hai, thị trường các yếu tố sản xuất bị chi phối bởi sự kết hợp không rõ ràng giữa phân bổ theo thị trường và phân bổ bằng mệnh lệnh hành chính. Thiết chế công bị thương mại hóa khi Nhà nước tham gia quá nhiều vào hoạt động kinh tế trực tiếp qua các doanh nghiệp nhà nước và gián tiếp thông qua vận động chính sách của các nhóm lợi ích. Kết quả là phân bổ đất đai và vốn dựa vào các quyết định hành chính, mà ít thông qua tín hiệu thị trường.
Thêm vào đó, thị trường đất đai bất cập hiện cũng đang gây tổn hại cho năng suất; sức ép môi trường cũng đe dọa tăng trưởng bền vững của Việt Nam trong dài hạn bởi vì theo đánh giá, tăng trưởng trong 25 năm qua phần nào có được với cái giá phải trả về môi trường khá lớn (tài nguyên cạn kiệt, ô nhiễm môi trường ở đô thị, những nguy cơ đe dọa sức khỏe nghiêm trọng, những năm gần đây mức tăng phát thải khí nhà kính của Việt Nam vào loại cao trên thế giới…).
Cần bảo đảm tăng trưởng kinh tế bền vững
Theo khuyến nghị của nhóm chuyên gia trong nước và quốc tế, để bảo đảm kinh tế Việt Nam tăng trưởng bền vững thì chương trình cải cách của quốc gia phải bao gồm đầy đủ 4 nội dung. Thứ nhất là phải tạo dựng môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp trong nước, trọng tâm trước mắt là nâng cao năng lực cạnh tranh và hiệu quả cho doanh nghiệp trong nước. Tái cơ cấu và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước vẫn quan trọng nhưng sẽ là không đủ. Khu vực tư nhân trong nước còn non yếu, đòi hỏi quan tâm nhiều hơn về chính sách như: củng cố nền tảng thể chế kinh tế thị trường, bảo vệ quyền sở hữu tài sản và thực thi có hiệu lực các chính sách bảo đảm cạnh tranh; Nhà nước vận hành và quản lý tốt khu vực tài chính cạnh tranh…
Thứ hai là đẩy mạnh học hỏi và đổi mới sáng tạo. Báo cáo Việt Nam 2035 cho rằng, để duy trì tăng trưởng cao trong một thời gian dài cần có một chương trình cải cách tích cực nhằm đẩy mạnh học hỏi và đổi mới sáng tạo. Theo đó, xây dựng một hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia chính là cách thức để cải thiện tình hình hiện nay, làm tăng động lực học hỏi và đổi mới sáng tạo.
Tiếp đó là phải tái cơ cấu đầu tư và đổi mới chính sách đô thị. Nhóm chuyên gia xây dựng Báo cáo cho rằng, khi bước vào quỹ đạo tăng trưởng cao và hiện đại hóa kinh tế, các đô thị phải đảm nhiệm nhiều chức năng hơn để phát triển doanh nghiệp tư nhân, đổi mới sáng tạo và hỗ trợ các cụm công nghiệp gắn kết với chuỗi giá trị toàn cầu, cũng như thu hút và tập trung nhân tài, nhất là các vùng đô thị lớn như TP.HCM, Hà Nội, Hải Phòng và Đà Nẵng.
Cuối cùng là bảo đảm bền vững về môi trường, nghĩa là phải bảo vệ 3 yếu tố chính: bảo vệ chất lượng nguồn tài nguyên thiên nhiên; lồng ghép khả năng chống chịu trước tác động của khí hậu vào kế hoạch kinh tế, chính sách ngành vào đầu tư hạ tầng; đồng thời quan tâm đến các nguồn năng lượng sạch thông qua xuất nhập khẩu năng lượng trong khu vực. Quá trình tăng trưởng bền vững, bao trùm và có sức chống chịu đòi hỏi phải có thể chế và chính sách mạnh để phối hợp hành động và đầu tư; đầu tư thông minh nhằm tính đầy đủ các phí tổn về khí hậu và môi trường – Báo cáo nhấn mạnh.