Trong số 81.451 DN đăng ký thành lập mới thì có tới 95,85% - tương đương khoảng 78.000 DN đã đi vào sản xuất, kinh doanh ngay. Ảnh: Lê Tiên |
Tuy nhiên, để DN khởi nghiệp hoạt động bền vững, cần tạo ra một hệ sinh thái khởi nghiệp giúp DN tìm thấy hướng đi và cơ hội phát triển.
96% DN mới đi vào hoạt động ngay
Theo Hệ thống thông tin đăng ký DN quốc gia (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tính chung 9 tháng, cả nước có 81.451 DN đăng ký thành lập mới, với tổng vốn đăng ký là 629,1 nghìn tỷ đồng, tăng 19,2% về số DN và tăng 49,5% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2015. Trong 9 tháng năm 2016 còn có 1.160,4 nghìn tỷ đồng vốn đăng ký tăng thêm của các DN thay đổi tăng vốn, nâng tổng số vốn đăng ký và bổ sung thêm vào nền kinh tế trong 9 tháng đạt 1.789,5 nghìn tỷ đồng.
9 tháng năm 2016 còn ghi nhận sự quay trở lại hoạt động của 20.510 DN, tăng 59,6% so với cùng kỳ năm trước (9 tháng năm 2015 tăng 8,2% so với cùng kỳ năm 2014), nâng tổng số DN đăng ký thành lập mới và DN quay trở lại hoạt động trong 9 tháng năm nay lên gần 102 nghìn DN.
Theo đánh giá của Tổng cục Thống kê, những con số này cho thấy khung khổ pháp lý mới cùng các giải pháp của Chính phủ trong việc hỗ trợ, khuyến khích DN phát triển đã bước đầu phát huy hiệu quả, giúp DN tìm thấy hướng đi, cơ hội phát triển mới.
Đáng chú ý, theo chia sẻ của ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, khi phân tích cụ thể 81.451 DN đăng ký thành lập mới thì có tới 95,85% (tương đương với khoảng 78.000 DN) thành lập mới đã đi vào sản xuất, kinh doanh ngay. Trong báo cáo chi tiết của Cục Đăng ký kinh doanh cũng cho thấy tình hình đăng ký kinh doanh mới của Việt Nam khá lành mạnh và tốt.
Tuy nhiên, có hơn 1.400 DN mặc dù đăng ký kinh doanh nhưng chưa đi vào hoạt động; 787 DN tạm ngừng hoạt động; 362 DN giải thể và 884 DN chờ giải thể. “Đây không hẳn là bức tranh xấu, bởi ở các môi trường kinh doanh rất tốt thì tỷ lệ DN “chết” còn cao hơn nhiều” – ông Lâm khẳng định và dẫn chứng thêm, ở Anh, số liệu từ tháng 4/2015 - 6/2015 cho thấy cứ 100 DN được thành lập thì có 67 DN “chết”.
Đừng để khởi nghiệp chỉ là phong trào
Đối với những DN đang hoạt động, với trách nhiệm xã hội của DN, ông Thắng cho rằng, trước hết DN phải tồn tại và phát triển ổn định, môi trường kinh doanh tốt nhất thì DN mới có đủ “lực” để hỗ trợ các DN mới, DN khởi nghiệp, đặc biệt là những DN cùng ngành.
Do đó, với mục tiêu đạt 1 triệu DN vào năm 2020, theo Cố vấn cấp cao Chương trình khởi nghiệp quốc gia thì cần có những hỗ trợ thực sự cho các DN. Cụ thể, với các DN nhỏ và vừa đang hoạt động, cần được hỗ trợ kinh doanh ổn định, tránh biến động, rủi ro để DN khởi nghiệp nhìn vào và thấy rằng “làm DN cũng không quá rủi ro như vẫn nghĩ”. Cùng với đó, phải tạo ra môi trường liên quan đến cơ chế chính sách, nguồn vốn, sự vào cuộc của các nhà tài chính... “Sự hỗ trợ này rất cần giải pháp tổng thể” – vị cố vấn này nhấn mạnh.
20 năm cụm từ “khởi nghiệp” đã được đưa vào cuộc sống, đến giờ chúng ta không thể khởi nghiệp theo phong trào được nữa. Đã đến lúc, khởi nghiệp cần được tạo dựng cả một hệ sinh thái khởi nghiệp, trong đó kết nối tất cả các bên liên quan đến khởi nghiệp, người khởi nghiệp đó là Chính phủ, các nhà đầu tư tài chính, các cơ quan tổ chức hỗ trợ và môi trường kinh doanh. Theo ông Đàm Quang Thắng, vai trò của Chính phủ vẫn là tiên quyết, phải tích cực tham gia tạo dựng môi trường kinh doanh thuận lợi nhất, bởi bản thân DN khởi nghiệp với số vốn ít ỏi, kinh nghiệm lại mỏng, nếu cứ để DN tự bơi ra biển lớn thì tính bền vững và hiệu quả của DN khởi nghiệp rất khó đảm bảo.