Tạo sự bùng nổ trong hợp tác Việt Nam – Campuchia

(BĐT) - Kim ngạch thương mại hai chiều năm 2018 giữa Việt Nam và Campuchia đã có bước tiến lớn, ước tính cả năm 2018 có thể đạt trên 4,5 tỷ USD. Với việc lãnh đạo Chính phủ hai nước thường xuyên tháo gỡ các khó khăn cho doanh nghiệp, hai bên sẽ sớm vượt mục tiêu kim ngạch 5 tỷ USD, thậm chí, đến năm 2020 có thể đạt 7 - 8 tỷ USD.
Hiện nay, Việt Nam có 210 dự án đăng ký đầu tư sang Campuchia. Ảnh: Lê Tiên
Hiện nay, Việt Nam có 210 dự án đăng ký đầu tư sang Campuchia. Ảnh: Lê Tiên

Đó là những đánh giá của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam - Campuchia vừa diễn ra ở Hà Nội. 

Dư địa hợp tác rộng lớn

Bên cạnh những thuận lợi về điều kiện tự nhiên, quan hệ hợp tác kinh tế thương mại giữa hai nước còn nhận được sự quan tâm đặc biệt của lãnh đạo cấp cao Việt Nam và Campuchia. Tại các cuộc gặp giữa lãnh đạo cấp cao, hai bên đều khẳng định tầm quan trọng của hợp tác kinh tế, thương mại và cam kết tiếp tục mở rộng, nâng cao hiệu quả hợp tác cho tương xứng với mong muốn và tiềm năng to lớn của hai nước.

Đã có nhiều hiệp định, thỏa thuận tạo thuận lợi về kinh tế, thương mại được hai nước ký kết, trong đó có một số hiệp định quan trọng như: Hiệp định về Hợp tác kinh tế thương mại (1994); Hiệp định về thành lập Ủy ban Hỗn hợp về kinh tế, văn hoá, khoa học kỹ thuật (1994); Hiệp định Thương mại (1998); Hiệp định Khuyến khích và bảo hộ đầu tư (2001); Hiệp định Mua bán, trao đổi hàng hoá và dịch vụ thương mại khu vực biên giới Việt Nam - Campuchia (2001), Hiệp định Quá cảnh hàng hóa (2008) và gần đây nhất là Bản thỏa thuận thúc đẩy thương mại Việt Nam - Campuchia giai đoạn 2012 - 2013.

Theo đó, Việt Nam dành thuế suất nhập khẩu ưu đãi 0% cho 39 mặt hàng của Campuchia, chủ yếu thuộc các nhóm hàng nông sản và giầy dép, trong đó có hai mặt hàng áp dụng hạn ngạch thuế quan là lá thuốc lá khô (hạn ngạch 3.000 tấn/năm) và gạo (hạn ngạch 300.000 tấn/năm). Đổi lại, Campuchia dành thuế suất nhập khẩu ưu đãi 0% cho 14 mặt hàng của Việt Nam thuộc các nhóm sản phẩm sữa, chè, cà phê, túi nhựa...

Campuchia cũng là một trong những thị trường diễn ra nhiều hoạt động xúc tiến thương mại có quy mô lớn của Việt Nam. Hàng năm, nhiều hội chợ triển lãm hàng Việt Nam được tổ chức tại Campuchia, điển hình là Hội chợ thường niên hàng Việt Nam do Cục Kinh tế thuộc Bộ Quốc phòng tổ chức tại Phnom Penh vào tháng 11. Bên cạnh đó, nhiều hội chợ khác tại Campuchia cũng có doanh nghiệp Việt Nam tham gia…

Ông Vũ Quang Minh - Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước CHXHCN Việt Nam tại Campuchia cho rằng: “Với tốc độ tăng trưởng hơn 70%, thị trường Campuchia có sức mua tăng rất nhanh. Cho đến nay, chúng ta biết rằng Campuchia là bạn hàng rất quan trọng của Việt Nam”. 

Hợp tác chặt chẽ hơn, hiệu quả hơn

“Thời gian tới, tình hình kinh tế thế giới, khu vực mở ra nhiều thuận lợi và thách thức đan xen, đòi hỏi chúng ta phải hợp tác chặt chẽ hơn, hiệu quả hơn. Thực tế, tiềm năng hợp tác giữa hai nước còn rất lớn. Nếu chúng ta biết khai thác tốt thì có thể tạo ra sự bùng nổ mạnh mẽ về hợp tác giữa hai nước, mang lại lợi ích chung cho hai dân tộc”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.

Các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay đã trở thành một trong những đối tác kinh tế hàng đầu và là thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) có kim ngạch thương mại lớn nhất với Campuchia. Theo đó, vấn đề cập nhật cơ chế, chính sách mới của mỗi nước; xúc tiến cơ hội và tìm kiếm đối tác đầu tư, hướng tới một thị trường chung ổn định, thịnh vượng ở khu vực và trên thế giới là một nhu cầu lớn của các nhà đầu tư Việt Nam. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc căn dặn: “Bên cạnh lợi ích của doanh nghiệp, cần chú trọng đào tạo, chuyển giao công nghệ cho đối tác Campuchia, thực hiện các hoạt động xã hội, quan tâm đến cộng đồng và bảo vệ tốt môi trường”.

Nêu lên một số tiềm năng và cơ hội đầu tư tại Campuchia, Thủ tướng Campuchia Hun Sen cho biết, Campuchia đang thực hiện chính sách phát triển công nghiệp giai đoạn 2015 - 2025 để thực hiện chiến lược tăng trưởng mới. Cùng với đó là đẩy mạnh cải thiện thủ tục hành chính liên quan đến thuế, hải quan, cắt giảm các chi phí cho doanh nghiệp; thúc đẩy đầu tư cơ sở hạ tầng cứng như cảng biển nước sâu, đường cao tốc, quốc lộ lớn kết nối với các cảng và kết nối với các quốc gia láng giềng.

“Hơn một thập kỷ qua, Campuchia đã có sự thay đổi tích cực về kinh tế - xã hội và mức tăng trưởng bình quân trên 7%, năm nay dự kiến tăng trưởng khoảng 7,3% và tiếp tục duy trì đà tăng trưởng này thời gian tới. Campuchia đang tiến tới là nước có thu nhập trung bình cao vào năm 2030. Chính phủ Hoàng gia Campuchia cũng đang sửa đổi các luật liên quan đến đầu tư, thông qua Luật về đặc khu kinh tế và sẽ hiện đại hóa hệ thống hải quan, thuế quan, khuyến khích phát triển thành phố thông minh, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao...”, Thủ tướng Hun Sen nói.

Ngoài các ưu đãi cho nhà đầu tư, Thủ tướng Hun Sen cho biết, Campuchia là quốc gia có dân số trẻ, tầng lớp trung lưu ngày càng tăng. Campuchia không có sự phân biệt đối xử giữa nhà đầu tư trong và ngoài nước.