Quy định cấp chứng chỉ hành nghề hoạt động xây dựng mang tính hành chính, chưa phản ánh bản chất năng lực nhà thầu xây dựng. Ảnh: Lê Tiên |
Bỏ thủ tục không cần thiết
Ông Dương Văn Cận, Phó Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam (VACC) cho biết, Luật Xây dựng quy định doanh nghiệp hoạt động xây dựng (HĐXD) phải có đủ năng lực hoạt động theo quy định của pháp luật và phải có trách nhiệm đăng ký thông tin về năng lực HĐXD của mình với Bộ Xây dựng, Sở Xây dựng. Theo ông Cận, năng lực để phù hợp với gói thầu mới là quan trọng với doanh nghiệp khi tham gia đấu thầu và đã được đánh giá qua quá trình đấu thầu. Quy định về cấp chứng chỉ hành nghề HĐXD là việc làm mang tính hành chính, chưa phản ánh bản chất về năng lực nhà thầu xây dựng.
VACC kiến nghị cần thay đổi hình thức tiền kiểm này bằng hình thức hậu kiểm. Theo đó, nhà thầu có trách nhiệm đăng ký và chịu trách nhiệm về tính trung thực của thông tin, cơ quan có thẩm quyền của Bộ Xây dựng hay các Sở Xây dựng có trách nhiệm tiếp nhận thông tin và cấp cho nhà thầu giấy chứng nhận đã đăng ký năng lực. Công việc này thực hiện trên hệ thống mạng. Trên cơ sở đó, cơ quan quản lý nhà nước xem xét, kiểm tra và đăng tải để công bố năng lực.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) cũng cho biết, Luật Đấu thầu (Điều 5) quy định về tư cách hợp lệ không bao gồm nội dung nhà thầu phải có chứng chỉ năng lực HĐXD. Tuy nhiên, trong quá trình lựa chọn nhà thầu, có nhiều chủ đầu tư, bên mời thầu vẫn quy định nhà thầu hợp lệ, hồ sơ dự thầu hợp lệ phải có chứng chỉ năng lực HĐXD theo từng cấp, làm hạn chế sự tham gia của các nhà thầu. Theo đó, để tăng thêm sự tham gia của nhà thầu, nâng cao tính cạnh tranh trong đấu thầu, Bộ KH&ĐT đề nghị bỏ nội dung này trong quy định của pháp luật về xây dựng.
Một thủ tục khác cũng đang gây khó khăn đối với nhà thầu, theo bà Phạm Thu Trang - Phó Tổng giám đốc thuế - Công ty Ernst and Young Việt Nam, là thủ tục liên quan đến cấp giấy phép HĐXD đối với nhà thầu nước ngoài.
Bà Trang cho biết, Thông tư 14/2016/TT-BXD của Bộ Xây dựng áp dụng đối với nhà thầu nước ngoài HĐXD tại Việt Nam, trong đó có nhà thầu cung cấp vật tư - thiết bị công nghệ kèm theo dịch vụ kỹ thuật liên quan đến công trình xây dựng và các hoạt động khác có liên quan đến xây dựng công trình. Trên thực tế, có nhiều nhà thầu nước ngoài chỉ cung cấp máy móc, thiết bị và dịch vụ kèm theo như đào tạo, hỗ trợ kỹ thuật, ví dụ thiết bị y tế, thiết bị công nghệ. Những công việc này thực chất không liên quan đến HĐXD, nhưng các máy móc, thiết bị này có thể gắn với nhà máy, bệnh viện là các công trình xây dựng và cơ quan cấp phép xây dựng cho rằng nhà thầu cung cấp vật tư, thiết bị này thuộc phạm vi và đối tượng cấp giấy phép HĐXD. Vì thế, để xin được giấy phép HĐXD, những nhà thầu này vẫn phải chứng minh năng lực trong lĩnh vực xây dựng và nhiều trường hợp không khả thi vì thực tế họ chỉ cung cấp thiết bị, không có kinh nghiệm về các lĩnh vực xây dựng theo quy định. Bà Trang đề nghị xem xét lại để làm rõ và thu hẹp đối tượng áp dụng.
Tại Hội nghị lắng nghe khó khăn, vướng mắc và đề xuất giải pháp tháo gỡ về cơ chế, chính sách trong đầu tư xây dựng cơ bản được Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Bộ Xây dựng tổ chức mới đây, một số ý kiến còn đề nghị nên bỏ việc cấp giấy phép HĐXD đối với nhà thầu nước ngoài, vì năng lực của nhà thầu đã đánh giá qua quá trình đấu thầu.
Hợp đồng cần công bằng giữa chủ đầu tư và nhà thầu
VACC kiến nghị trong hợp đồng cần có thêm những quy định chặt chẽ hơn liên quan đến trách nhiệm của chủ đầu tư. Hiện tình trạng bỏ các quy định bất lợi cho chủ đầu tư như xử phạt, đền bù, tiến độ giao mặt bằng… đang diễn ra khá phổ biến.
Đồng thời, cần có chế tài quy định “chủ đầu tư không được giữ lại % giá trị hợp đồng chờ quyết toán vốn đầu tư dự án”, mà phải thanh toán 100% giá trị hợp đồng sau khi nhà thầu đã hoàn thành nghĩa vụ hợp đồng. Theo VACC, việc chủ đầu tư thường “bắt ép” nhà thầu đưa vào điều khoản trong hợp đồng giữ lại 3 - 5% giá trị hợp đồng để chủ đầu tư chờ cơ quan có thẩm quyền phê duyệt quyết toán vốn đầu tư đã trở thành “luật bất thành văn”. Thực trạng này làm cho nhà thầu gặp nhiều khó khăn, làm tăng công nợ, kéo dài và không quyết toán được hợp đồng.
VACC cũng đề nghị bổ sung thêm trường hợp được tạm dừng và chấm dứt hợp đồng tại Điều 145 Luật Xây dựng là các bên hợp đồng có quyền tạm dừng thực hiện hợp đồng xây dựng trong trường hợp chủ đầu tư yêu cầu nhà thầu thi công ngoài thiết kế đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Quy định này sẽ làm cơ sở để giải quyết các tranh chấp hợp đồng vì tình trạng yêu cầu làm vượt thiết kế đang xảy ra khá phổ biến.
Hiệp hội dẫn ra trường hợp tranh chấp hợp đồng giữa Chủ đầu tư - Công ty CP Đầu tư xây dựng vịnh Nha Trang và Nhà thầu Coteccons tại Dự án Panorama Nha Trang, Chủ đầu tư yêu cầu Nhà thầu thi công thêm 5 tầng (từ 39 lên 44 tầng) trên nền móng cọc 39 tầng đã làm xong theo thiết kế. Do Nhà thầu từ chối thi công vì nền móng cọc đã thi công xong nên đã bị Chủ đầu tư yêu cầu dừng thi công và chấm dứt hợp đồng. Nếu căn cứ theo Điều 145 thì chưa có trường hợp này.