Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet |
Cam kết về sở hữu trí tuệ ở mức cao
Tại Hội nghị về EVFTA với chủ đề: “Một số cam kết quan trọng về SHTT và những điều cần lưu ý” diễn ra ngày 27/8, ông Chu Ngọc Anh, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) nhấn mạnh, đa số các cam kết về SHTT trong Hiệp định là phù hợp với pháp luật Việt Nam. Tuy nhiên, Hiệp định cũng đặt ra một số tiêu chuẩn cao hơn pháp luật Việt Nam. “Cam kết của EU với Việt Nam cao hơn cam kết của EU trong WTO, tương đương với mức cao nhất của EU trong các FTA gần đây. Đồng thời, cam kết của Việt Nam với EU cao hơn cam kết của Việt Nam trong WTO, ít nhất là ngang bằng với độ mở tối đa mà Việt Nam thỏa thuận với các đối tác FTA khác”, ông Chu Ngọc Anh cho hay.
Đơn cử, Hiệp định đặt ra yêu cầu bảo hộ 169 chỉ dẫn địa lý của EU với mức độ bảo hộ cao như mức độ mà pháp luật Việt Nam đang bảo hộ cho chỉ dẫn địa lý đối với rượu vang và rượu mạnh; hoặc gia nhập Thỏa ước Lahay về đăng ký quốc tế kiểu dáng công nghiệp trong vòng 2 năm kể từ khi Hiệp định có hiệu lực..
Ông Lê Ngọc Lâm - Phó Cục trưởng Cục SHTT thuộc Bộ KH&CN cho biết, EVFTA yêu cầu phải quy định khả năng chấm dứt hiệu lực cho nhãn hiệu đã được đăng ký, nếu 5 năm “không liên tục sử dụng thực sự” tại lãnh thổ mà không có lý do chính đáng. “Hiện nay, theo quy định của Luật SHTT, nếu 1 nhãn hiệu đăng ký không được sử dụng liên tục là cơ sở yêu cầu chấm dứt hiệu lực bảo hộ. EVFTA quy định rõ là “không được sử dụng thực sự” có thể hiểu như để bán, quảng cáo… cũng sẽ được coi là không được sử dụng thực sự”, ông Lâm phân tích.
Đối với quy định chỉ dẫn địa lý trong Hiệp định, ông Lâm cho biết, trong Danh mục bảo hộ (Phụ lục 12-A), Việt Nam công nhận và bảo hộ 169 chỉ dẫn địa lý của EU (chủ yếu là rượu và thực phẩm); EU công nhận và bảo hộ 39 chỉ dẫn địa lý của Việt Nam (chủ yếu là nông sản, thực phẩm nổi tiếng có tiềm năng xuất khẩu cao). Việc sửa đổi Danh mục, đặc biệt là bổ sung chỉ dẫn địa lý chỉ được thực hiện theo thủ tục sửa đổi Hiệp định. Hiệp định quy định không có nghĩa vụ bảo hộ những chỉ dẫn địa lý bị chấm dứt bảo hộ ở bên xuất xứ và phải thông báo khi có chỉ dẫn địa lý trong Danh mục không còn được bảo hộ ở nước xuất xứ.
Làm gì để vượt qua thách thức?
Bộ trưởng Chu Ngọc Anh cảnh báo, các cam kết về SHTT sẽ mang lại những thách thức nhất định cho tổ chức, cá nhân của Việt Nam, có thể khiến DN Việt Nam phải chịu gánh nặng đối với các thủ tục kiểm soát, đặc biệt là khi bị rơi vào tranh chấp, kiện tụng.
Thông tin tại Hội nghị, đại diện Tổng cục Quản lý thị trường thuộc Bộ Công Thương cho biết, qua công tác phòng chống hàng giả cho thấy, hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng giả nhãn mác, vi phạm SHTT ngày càng phức tạp. Bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập thuộc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam nêu thực tế, rất nhiều người dùng đồ vi phạm quyền SHTT mà không hay biết. Thêm nữa, DN nhiều khi chưa chủ động, ngại đấu tranh để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình liên quan đến SHTT.
Về vấn đề này, ông Lâm khẳng định, SHTT không phải là chướng ngại vật mà là phép thử để DN thúc đẩy ứng dụng công nghệ, đổi mới sáng tạo.
Một số ý kiến khác cho rằng, các DN chủ thể quyền và đại diện SHTT phải thay đổi nhận thức về SHTT, tích cực tham gia vào quá trình nội luật hoá quy định về SHTT, thúc đẩy tuyên truyền nội dung cam kết…
Đến thời điểm này, Bộ KH&CN đang hoàn thiện đồng thời nhiều nội dung thúc đẩy thực thi cam kết về SHTT trong EVFTA để có thể thực thi Hiệp định ngay sau khi được phê chuẩn. Đặc biệt, ngày 22/8 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược SHTT đến năm 2030, trong đó có nhiều giải pháp đưa hệ thống SHTT Việt Nam phát triển đồng bộ, hiệu quả.