Lượng tiêu thụ chỉ đạt khoảng 30% tổng lượng tro, xỉ phát sinh của các nhà máy nhiệt điện than. Ảnh: Trần Sơn |
Tuy nhiên, do còn nhiều vướng mắc nên tro, xỉ của các nhà máy nhiệt điện vẫn… ế.
Khó khăn trong tiêu thụ
Theo Bộ Công Thương, lượng tro, xỉ phát sinh từ các nhà máy nhiệt điện than khoảng 12,2 triệu tấn/năm, trong đó, lượng phát thải tập trung chủ yếu tại khu vực miền Bắc (chiếm 60% tổng lượng thải), miền Trung chiếm 21% và miền Nam chiếm 19% tổng lượng thải. Trong năm 2017, lượng tro, xỉ tiêu thụ đạt gần 4 triệu tấn, chiếm khoảng 30% lượng phát sinh, trong đó miền Bắc tiêu thụ khoảng 3,25 triệu tấn.
Đến nay, việc tiêu thụ tro, xỉ tại các nhà máy nhiệt điện đang được vận hành theo cơ chế thị trường, nhưng lượng tiêu thụ còn thấp do nhiều nguyên nhân, trong đó nguyên nhân nổi cộm nhất được cho là thiếu cơ chế, chính sách hỗ trợ việc thúc đẩy tiêu thụ. Đại diện Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp thuộc Bộ Công Thương nhấn mạnh: “Do một số quy định còn thiếu, chưa được ban hành như Thông tư quy định về điều kiện đối với chủ cơ sở tiếp nhận, vận chuyển, xử lý tro, xỉ theo Nghị định 38/2015/NĐ-CP; Quy chuẩn kỹ thuật áp dụng cho tro, xỉ của nhà máy nhiệt điện làm vật liệu san lấp... nên ảnh hưởng đến tiêu thụ tro, xỉ”.
Bên cạnh đó, việc tiêu thụ cũng bị ảnh hưởng bởi các nguyên nhân khác như: Thị trường vẫn quen sử dụng vật liệu xây dựng truyền thống, đặc biệt là khu vực miền Trung, miền Nam, dẫn tới lượng tiêu thụ tro, xỉ tại khu vực này không cao; giá thành gạch không nung cao; thiếu các chính sách về thuế (thuế giá trị gia tăng đối với các doanh nghiệp sản xuất gạch không nung, thuế tài nguyên và môi trường đối với các sản phẩm gạch nung truyền thống) nhằm tạo chênh lệch giá giữa sản phẩm gạch nung và gạch không nung…
Chia sẻ khó khăn trong việc tiêu thụ tro, xỉ, ông Nguyễn Văn Kỳ, Phó Giám đốc Công ty Nhiệt điện Đông Triều cho biết, tro, xỉ của Nhà máy Nhiệt điện Mạo Khê không có thành phần nguy hại nên có thể được sử dụng cho sản xuất vật liệu xây dựng không nung và làm phụ gia xi măng. Tuy nhiên, trong những năm qua, lượng tiêu thụ mới chỉ chiếm gần 17% tổng lượng tro, xỉ của Nhà máy, phần còn lại vẫn phải vận chuyển và tập kết tại bãi thải xỉ của Nhà máy.
Thông tin thêm về vấn đề này, đại diện Công ty Nhiệt điện Vĩnh Tân chỉ ra, hiện các hộ lớn tiêu thụ tro, xỉ tập trung ở khu vực TP.HCM và các tỉnh lân cận, nên việc vận chuyển tro, xỉ khối lượng lớn đi xa làm tăng chi phí của doanh nghiệp, là không khả thi. Hơn nữa, đến nay, chúng ta chưa ban hành tiêu chuẩn tro, xỉ làm vật liệu san lấp, vì vậy nhiều đơn vị muốn dùng tro, xỉ san lấp chưa thể thực hiện được.
Sớm tháo nút thắt
Với lượng tro, xỉ rất lớn phát sinh hàng năm của các nhà máy nhiệt điện than, các nhà kinh tế cho rằng, nếu được xử lý tốt thì mỗi năm Việt Nam có thể tiết kiệm hàng chục triệu tấn khoáng sản, hàng trăm hecta diện tích làm bãi chứa, và quan trọng hơn là xử lý cơ bản ô nhiễm môi trường chất thải rắn từ nhà máy nhiệt điện than, bảo đảm phát triển bền vững, thân thiện với môi trường.
Từ thực trạng nêu trên, tại Hội thảo, các ý kiến tập trung đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình tiêu thụ tro, xỉ hiện nay.
Đối với vấn đề cơ chế chính sách, ông Trần Văn Lượng, Cục trưởng Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp đề nghị cần sớm sửa đổi Nghị định số 38/2015/NĐ-CP của Chính phủ theo hướng loại bỏ “Giấy xác nhận bảo đảm yêu cầu bảo vệ môi trường” để các doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng từ tro, xỉ dễ dàng tiếp cận và tái chế tro, xỉ của nhà máy nhiệt điện. Đồng thời, ban hành các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với tro, xỉ làm vật liệu xây dựng, vật liệu san nền…
Song song với tháo gỡ khó khăn về cơ chế chính sách, ông Vũ Thanh Tuyền, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thanh Tuyền Group nhấn mạnh, bản thân doanh nghiệp cũng cần chủ động phối hợp với nhau để tiêu thụ sản phẩm. Đơn cử, thời gian qua, Thanh Tuyền Group đã đầu tư một nhà máy sản xuất gạch, ngói không nung sử dụng tro, xỉ của Nhà máy Nhiệt điện Mạo Khê nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh của Công ty Nhiệt điện Đông Triều - TKV trong dài hạn. Mặt khác, để giúp sản phẩm gạch, ngói không nung của Thanh Tuyền có thể cạnh tranh được trên thị trường và mở rộng quy mô, cuối năm 2017, Tổng công ty Điện lực - TKV đã đồng ý ký hợp đồng bán tro, xỉ dài hạn cho Thanh Tuyền với mức giá ưu đãi.
Một số ý kiến khác cũng đề xuất, các nhà máy sản xuất vật liệu xây dựng cần đặt liền kề với nhà máy nhiệt điện để cắt giảm chi phí vận chuyển tro, xỉ và tăng lượng tiêu thụ.