Thẩm định Quy hoạch tỉnh Sóc Trăng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Sáng 22/12, Hội đồng thẩm định quy hoạch tỉnh tổ chức phiên họp thẩm định Quy hoạch tỉnh Sóc Trăng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Ảnh minh họa: Internet
Ảnh minh họa: Internet

Phát biểu tại Phiên họp, ông Trần Văn Lâu - Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng nhấn mạnh, thời gian qua, công tác lập Quy hoạch Tỉnh được xác định là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm ưu tiên hàng đầu. Tỉnh Sóc Trăng mong muốn, thông qua quy hoạch này, đánh giá sát điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội, thách thức của Tỉnh; từ đó đề xuất được các phương án phát triển Tỉnh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Theo đó, đến năm 2030, Sóc Trăng là tỉnh có nền kinh tế phát triển khá, trở thành vùng đất trung lưu về mức sống, phát triển theo hướng tăng trưởng xanh; có hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ; phát triển bền vững về kinh tế, công bằng về xã hội, trách nhiệm đối với môi trường và bảo đảm quốc phòng - an ninh. Tầm nhìn đến năm 2050, Sóc Trăng trở thành vùng đất trung lưu về mức sống của vùng Đồng bằng sông Cửu Long và cả nước; điểm đến du lịch nông nghiệp và văn hóa xanh, chất lượng cao hàng đầu vùng Đồng bằng sông Cửu Long; cực phát triển trung chuyển lớn trong hành lang kinh tế Đông - Tây; là một trung tâm công nghiệp xanh - cơ cấu kinh tế hiện đại - xã hội phát triển hài hòa; phát triển bền vững là đích hướng tới trong các hoạt động kinh tế của Tỉnh.

Trên cơ sở đó, Báo cáo Quy hoạch Tỉnh đặt nhiệm vụ trọng tâm, các khâu đột phá là phát triển toàn diện nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng CMCN 4.0; đẩy mạnh cải cách hành chính, xây dựng chính quyền điện tử, tạo sự chuyển biến rõ nét trong cải thiện môi trường đầu tư, thúc đẩy khởi nghiệp; ưu tiên phát triển hạ tầng giao thông, năng lượng, cảng biển, logistics, khu, cụm công nghiệp, các đô thị, hạ tầng du lịch, hạ tầng chuyển đổi số.

Về tổ chức không gian phát triển, Báo cáo Quy hoạch Tỉnh nêu rõ, tổ chức vùng kinh tế biển (TP. Sóc Trăng - Vĩnh Châu - Trần Đề) sẽ là vùng động lực của Tỉnh, là khu vực cần được ưu tiên đầu tư, phát triển kinh tế tổng hợp, đa ngành, đa lĩnh vực.

Vùng kinh tế ven sông Hậu (Kế Sách - Châu Thành - Long Phú) sẽ là vùng phát triển các khu nghỉ dưỡng, sinh thái; nông nghiệp, công nghiệp công nghệ cao; là khu vực dự trữ nước ngọt của Tỉnh.

Vùng kinh tế nội địa (Mỹ Tú - Mỹ Xuyên - Thạnh Trị - Ngã Năm) là trung tâm kinh tế, văn hóa, công nghiệp, thương mại - dịch vụ phía Tây Nam của Tỉnh; là vùng trũng, thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp; là đô thị sông nước đặc trưng.

Vùng Cù Lao Dung là vùng du lịch sinh thái gắn với bảo tồn sinh quyển, khu dự trữ thiên nhiên rừng ngập mặn; là khu vực hạn chế phát triển công nghiệp.

Tổng hợp nhận xét, đánh giá đối với Hồ sơ trình thẩm định Quy hoạch tỉnh Sóc Trăng, Cơ quan thường trực Hội đồng thẩm định đề nghị, Báo cáo Quy hoạch cần làm rõ các yêu cầu, phương hướng phát triển tại Quy hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long có vai trò định hướng, tác động tới phương án quy hoạch tỉnh Sóc Trăng để đảm bảo sự đồng bộ, thống nhất giữa quy hoạch vùng và quy hoạch tỉnh.

Cùng với đó, bổ sung “Phương án phát triển những khu vực có vai trò động lực và những khu vực khó khăn, đặc biệt khó khăn”, để làm cơ sở xác định các dự án ưu tiên đầu tư, trong đó có định hướng phát triển vùng đặc biệt khó khăn để giảm chênh lệch về mức sống, cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất và đời sống giữa vùng đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số với vùng đô thị và vùng phát triển.

Ngoài ra, Hội đồng thẩm định cũng cho ý kiến đánh giá đối với nhiều nội dung như đánh giá phương pháp lập quy hoạch và nội dung bản quy hoạch Sóc Trăng, đặc biệt về việc áp dụng phương pháp tích hợp quy hoạch về dữ liệu, chồng lớp bản đồ; xác định vai trò, vị thế của Tỉnh trong vùng; quan điểm, triết lý, tầm nhìn phát triển của Tỉnh trong kỳ quy hoạch. Định hướng phát triển trong từng ngành, từng địa phương; định hướng phân bố không gian từng ngành, từng địa phương; định hướng phân bổ nguồn lực, phân bổ các dự án có tính đột phá và tạo động lực cho sự phát triển của Sóc Trăng, để khai thác có hiệu quả nhất về tài nguyên, lợi thế, hướng đến mục tiêu phát triển kinh tế biển...

Trên cơ sở đó, Cơ quan thường trực Hội đồng thẩm định kiến nghị Hội đồng thẩm định nghiên cứu, xem xét thông qua Quy hoạch tỉnh Sóc Trăng và kết quả đánh giá môi trường chiến lược của Quy hoạch với điều kiện phải tiếp thu, hoàn thiện nội dung theo ý kiến của các thành viên Hội đồng thẩm định, ý kiến của Cơ quan thường trực Hội đồng thẩm định, ý kiến của các chuyên gia phản biện và kết luận của Chủ tịch Hội đồng thẩm định quy hoạch tỉnh.

Tin cùng chuyên mục