Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại Hội nghị (ảnh: TT) |
Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng, đây là chiến lược vô cùng quan trọng để đưa đất nước phát triển nhanh và bền vững.
Theo Bộ trưởng, tăng trưởng kinh tế được coi là chìa khóa đối với mục tiêu giảm nghèo trên toàn cầu. Kể từ năm 1990, công cuộc giảm nghèo đã thực sự đạt được những bước tiến quan trọng, với hơn 1,2 tỷ người đã thoát khỏi cảnh nghèo cùng cực. Tuy nhiên, tăng trưởng kinh tế, đặc biệt là sự phát triển của khoa học công nghệ vẫn chưa dẫn đến sự tiến bộ trên diện rộng. Mô hình khai thác tài nguyên thiên nhiên ở quy mô không bền vững không những gây ra những tác động tiêu cực lớn đến môi trường, mất đa dạng sinh học, ô nhiễm không khí, biến đổi khí hậu toàn cầu, mà còn không tính đến đầy đủ các khía cạnh về công bằng xã hội, bình đẳng giới, hòa nhập và cơ hội kinh tế cho các thế hệ tương lai.
“Chính vì vậy, các quốc gia trên thế giới đang bắt đầu suy nghĩ lại về các lựa chọn để đạt được sự thịnh vượng kinh tế một cách bền vững trước mối quan tâm ngày càng tăng về việc duy trì và bảo vệ nguồn vốn tự nhiên, và mong muốn thúc đẩy phát triển xã hội bao trùm, gắn kết các giá trị con người và giá trị văn hóa”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho hay.
Về yêu cầu của tăng trưởng xanh, lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư chỉ ra, tăng trưởng xanh đã trở thành xu thế tất yếu và là mục tiêu mà mọi quốc gia đang hướng tới. Xu thế này là lựa chọn tất yếu khách quan, đặc biệt đối với các quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu. Trong khi đó, hiện thế giới đang chứng kiến những tiến bộ vượt bậc của khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo cùng việc ngày càng gia tăng sự kết nối giữa các quốc gia trên toàn cầu. Xu hướng đầu tư cho các hoạt động sản xuất thông minh nhờ vào cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, xu hướng xây dựng chính phủ điện tử, đô thị thông minh, công nghiệp và nông nghiệp thông minh… đang trở nên phổ biến.
Tuy vậy, lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng cho rằng, đại dịch Covid-19 từ đầu năm 2020 đã gây ra một cuộc khủng hoảng chưa từng có trên toàn cầu. Bên cạnh những thách thức, Covid-19 cũng tạo cơ hội để các quốc gia đánh giá lại các mô hình phát triển kinh tế, đồng thời nâng cao nhận thức của cộng đồng về những mối đe dọa nghiêm trọng từ các vấn đề môi trường và sức khỏe cũng như tận dụng những thay đổi tích cực từ chính đại dịch. Điều này đòi hỏi phải có những phản ứng chính sách một cách toàn diện từ phía các chính phủ. Phục hồi tăng trưởng kinh tế theo hướng tăng trưởng xanh hay khôi phục xanh hiện đang là ưu tiên hàng đầu của các quốc gia.
Theo Bộ trưởng, Việt Nam là một trong những quốc gia bị tác động nặng nề bởi biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh và gia tăng các yếu tố tác động từ bên ngoài. Mặt khác, Việt Nam đang tiếp tục đà đổi mới, đẩy mạnh chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo chiều sâu, chất lượng và hiệu quả, đồng thời đứng giữa ngã rẽ để phục hồi hậu Covid-19.
“Việc chuyển hướng sang kinh tế xanh và tăng trưởng xanh, cập nhật Chiến lược tăng trưởng xanh cho phù hợp định hướng phát triển mới của đất nước theo tinh thần Nghị quyết Đại hội 13 của Đảng, Chiến lược phát triển kinh tế xã hội 10 năm 2021 - 2030, Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm 2021 - 2025 là một lựa chọn tất yếu và là cơ hội lớn để Việt Nam có thể trở thành quốc gia tiên phong trong khu vực về tăng trưởng xanh, phục hồi xanh, bắt kịp xu thế phát triển của thế giới”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Hơn nữa, Bộ trưởng cũng cho rằng, việc xây dựng “Chiến lược Quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2045, hướng tới 2050” phù hợp với bối cảnh mới là mục tiêu và ưu tiên cấp thiết giúp Việt Nam đi tắt đón đầu, bắt kịp, tiến cùng, vượt lên, hướng tới khát vọng thịnh vượng.
Theo Dự thảo Chiến lược, các kịch bản tăng trưởng xanh cho toàn bộ nền kinh tế và từng ngành ưu tiên được xây dựng thông qua việc sử dụng các mô hình kinh tế kết hợp với các mô hình ngành, đặc biệt chú trọng phân tích chi phí - lợi ích và đánh giá tác động kinh tế - xã hội của Chiến lược, đảm bảo tính đồng bộ và tương thích với các mục tiêu SDGs và Thỏa thuận Paris về giảm phát thải khí nhà kính.
Chiến lược thể hiện trách nhiệm, sự chia sẻ và gắn kết của Việt Nam trong hiện thực hóa các cam kết quốc tế và là cơ sở để cân đối các nguồn lực trong nước, huy động nguồn lực quốc tế hiệu quả, hài hòa lộ trình phát triển kinh tế - xã hội với các mục tiêu giảm phát thải, giúp tăng cường hiệu quả phân bổ đầu tư công và giám sát, đánh giá việc thực hiện các dự án biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh trong trung - dài hạn.
Theo đó, tại Hội nghị, các đại biểu đến từ các bộ, ngành; tổ chức quốc tế; chuyên gia… đều nhấn mạnh tầm quan trọng và cần thiết của việc thúc đẩy tăng trưởng xanh, qua đó góp ý xây dựng Dự thảo Chiến lược.
Trước đó, ngày 5/3, tại cuộc họp Ban soạn thảo, đại diện các bộ ngành, thành viên Ban soạn thảo, các chuyên gia đã có những ý kiến đóng góp hết sức hữu ích về các nội dung của Chiến lược. Dự kiến, Dự thảo Chiến lược sẽ được trình Thủ tướng Chính phủ vào tháng 6 tới.