Thanh khoản dồi dào, tiền vẫn liên tục được bơm ròng ra thị trường

0:00 / 0:00
0:00
Trong tuần này, thanh khoản hệ thống ngân hàng sẽ dồi dào hơn nữa, lãi suất liên ngân hàng tiếp tục giảm thêm
Thanh khoản dồi dào, tiền vẫn liên tục được bơm ròng ra thị trường

Ghi nhận trên thị trường tuần qua (4/10-8/10), Công ty Chứng khoán SSI cho biết, các hợp đồng bán ngoại tệ kỳ hạn đầu tháng 4/2021 bắt đầu được thực hiện. Theo đó, Ngân hàng Nhà nước đã bơm ròng tiền, giúp bổ sung nguồn cung VND trên liên ngân hàng.

Trước đó, trong giai đoạn tháng 7-8, nhà điều hành cũng đã bơm ròng gần 130.000 tỷ đồng vào hệ thống ngân hàng thông qua việc thực hiện thanh toán 5,5 tỷ USD ngoại tệ kỳ hạn mua từ tháng 1-2.

Qua các diễn biến trên, thanh khoản hệ thống ngân hàng vốn dồi dào lại càng dồi dào hơn nữa. Thể hiện rõ nhất ở việc lãi suất thị trường liên ngân hàng tiếp tục giữ xu hướng giảm, kết thúc tuần trước ở 0,68% (giảm 0,02 điểm phần trăm) cho kỳ hạn qua đêm và 0,77% (giảm 0,06%) cho kỳ hạn 1 tuần.

Không chỉ Ngân hàng Nhà nước, Kho bạc Nhà nước cũng góp phần vào việc tăng thanh khoản cho hệ thống. Cụ thể, cơ quan này đã mua gọn 150 triệu USD từ các ngân hàng thương mại. Loại hình giao dịch là giao dịch giao ngay; ngày giao dịch là 08/10/2021; ngày thanh toán dự kiến là 11/10/2021.

Với việc Kho bạc Nhà nước thực hiện thanh toán tiền mua ngoại tệ của tuần trước và các hợp đồng mua ngoại từ Ngân hàng Nhà nước tiếp tục đáo hạn, nhóm nghiên cứu tại SSI cho rằng, trong tuần này, thanh khoản hệ thống ngân hàng sẽ dồi dào hơn nữa, lãi suất liên ngân hàng tiếp tục giảm thêm.

Tại diễn biến khác, kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của các tổ chức tín dụng 3 tháng cuối năm do Ngân hàng Nhà nước thực hiện cho biết hầu hết ngân hàng đều giảm dự báo tăng trưởng tín dụng và huy động trong năm nay do tác động của dịch Covid-19.

Trong đó, dư nợ tín dụng của hệ thống ngân hàng được dự báo tăng 4% trong quý cuối năm và tăng 12,3% trong cả năm, thấp hơn so với mức 13,1% tại kỳ điều tra trước. Tương tự, huy động vốn toàn hệ thống được kỳ vọng tăng 4,6% trong quý 4/2021 và 10,4% trong cả năm, thấp hơn so với mức kỳ vọng trước đó là 11,9%.

Thông qua các số liệu dự báo này, SSI nhận định: “Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng trong thời gian tới để hỗ trợ nền kinh tế hồi phục sau đại dịch. Cùng với đó, mặt bằng lãi suất huy động - cho vay dự báo được các ngân hàng tiếp tục giảm nhẹ trong quý cuối năm”.

Quay lại với diễn biến tuần vừa qua, lợi suất trái phiếu chính phủ đi ngang trên cả thị trường sơ cấp và thứ cấp. Cụ thể, Kho bạc Nhà nước đã gọi thầu 8.000 tỷ đồng trái phiếu, tỷ lệ đăng ký và tỷ lệ trúng thầu duy trì ở mức thấp, tại 191% và 56%. Không có khối lượng trái phiếu chính phủ kỳ hạn 5 năm được phát hành thành công trong tuần qua khi mặt bằng lãi suất đăng ký thấp. Ở các kỳ hạn còn lại, lãi suất trúng thầu tăng 1-2 điểm cơ bản ở kỳ hạn 10 và 15 năm, không thay đổi ở kỳ hạn 30 năm.

Lợi tức trái phiếu chính phủ trên thị trường thứ cấp hầu như đi ngang. Chốt tuần ở mức như sau: 1 năm (0,48%, tăng 0,01 điểm phần trăm); 3 năm (0,82%; không đổi); 5 năm (0,93%, không đổi); 10 năm (2,15%, tăng 0,02 điểm phần trăm); 15 năm (2,41%; tăng 0,03 điểm phần trăm); 20 năm (2,83%, không đổi); 30 năm (2,98%, không đổi). Giá trị giao dịch chỉ còn 37,7 nghìn tỷ đồng, giảm 48,5% so với tuần trước.

Thời gian tới, nguồn cung trái phiếu chính phủ sẽ được cải thiện trong thời gian tới nhờ việc Chính phủ sẽ tích cực đẩy mạnh giải ngân đầu tư công, trong bối cảnh dư địa tài khóa trong 2021 tương đối tích cực (Ngân sách thặng dư 58 nghìn tỷ trong 9 tháng đầu năm).

Tuy nhiên, nhu cầu mua trái phiếu chính phủ sẽ không có nhiều bứt phá trong bối cảnh môi trường lợi suất thấp và nhu cầu cơ cấu lại danh mục không còn cao như giai đoạn đầu năm khi lượng trái phiếu đáo hạn trong Quý 4 chỉ bằng 5% tổng lượng trái phiếu đáo hạn năm 2021. Theo đó, mặt bằng lợi suất trúng thầu kỳ vọng sẽ duy trì đi ngang trong thời gian tới.

Tin cùng chuyên mục