Như ông đã từng nói, đối với hợp đồng BT, về bản chất quan hệ thanh toán phổ biến là "hàng - tiền": Nhà nước giao dự án BT cho nhà đầu tư; nhà đầu tư thực hiện xong dự án BT - "hàng", thì được Nhà nước thanh toán bằng "tiền". Nói thì nói vậy, nhưng thực tế không hề đơn giản chỉ là “hàng - tiền”, thưa ông?
Đúng vậy. Về bản chất là thế, nhưng trong điều kiện thực tế hiện nay ở nước ta, do nguồn lực ngân sách có hạn nên phải sử dụng thêm các nguồn tài sản công khác để thanh toán dự án BT cho nhà đầu tư, trong đó có quỹ đất; nhà và tài sản khác gắn liền với đất của các cơ quan nhà nước; tài sản kết cấu hạ tầng công lập...
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện chủ trương đúng đắn này đã bộc lộ những mặt còn hạn chế, chưa minh bạch, dễ phát sinh tiêu cực, tham nhũng, hình thành nhóm lợi ích có thể làm thất thoát tài sản công, trước hết là quỹ đất công. Bên cạnh đó, trong nhiều trường hợp, nhà đầu tư tư nhân vẫn chưa được coi là đối tác bình đẳng, chưa được coi trọng và đảm bảo đầy đủ lợi ích chính đáng.
Mặt khác, việc chưa ban hành nghị định mới để thay thế Quyết định số 23/2015/QĐ-TTg ngày 26/6/2015 của Thủ tướng Chính phủ quy định cơ chế Nhà nước thanh toán bằng quỹ đất cho nhà đầu tư khi thực hiện dự án đầu tư xây dựng theo hình thức xây dựng - chuyển giao (nay đã hết hiệu lực), dẫn đến thiếu quy phạm pháp luật quy định việc sử dụng tài sản công để thanh toán cho dự án BT kể từ ngày 1/1/2018 đến nay.
Chúng tôi kiến nghị sửa đổi 6 điểm gồm: Thời điểm thanh toán dự án BT đối với trường hợp thanh toán bằng quỹ đất; giá trị quỹ đất thanh toán cho nhà đầu tư; xác định giá trị dự án BT; sử dụng quỹ đất chưa giải phóng mặt bằng để thanh toán dự án BT; rủi ro của nhà đầu tư dự án BT cần được xem xét giải quyết; xử lý chuyển tiếp giai đoạn từ ngày 1/1/2018 đến nay.
Đơn cử, chúng tôi đề nghị hoàn thiện nội dung Khoản 4 Điều 3 Dự thảo theo hướng: "Thời điểm thanh toán dự án BT hoặc thanh toán dự án BT theo tiến độ, đối với trường hợp thanh toán bằng quỹ đất, là thời điểm UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ban hành quyết định giao đất, cho thuê đất cho nhà đầu tư trong thời hạn không quá 15 (hoặc 30) ngày, sau khi nhà đầu tư đã hoàn thành dự án BT; hoặc sau khi có khối lượng xây dựng công trình dự án BT hoàn thành theo tiến độ được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác định theo quy định của pháp luật về đầu tư, xây dựng".
Đối với giá trị quỹ đất thanh toán cho nhà đầu tư, căn cứ Luật Đất đai 2013, chúng tôi nhận thấy phương pháp tính giá trị quỹ đất dự kiến thanh toán cho dự án BT theo Khoản (3.b) Điều 5 Dự thảo chỉ đúng trong trường hợp thửa đất thanh toán có giá trị nhỏ (chiếm số ít), trong khi đa phần các thửa đất, khu đất thanh toán cho dự án BT có giá trị rất cao. Do những bất cập trong Luật Đất đai 2013 về cơ chế hình thành "khung giá đất", "bảng giá đất" nên trên thực tế, "bảng giá đất" của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hiện nay đều chỉ bằng khoảng 30 - 50% giá thị trường. Do vậy, nội dung Khoản (3.b) Điều 5 dự thảo nêu trên nếu được thông qua và áp dụng cho mọi thửa đất, khu đất như cách làm hiện nay để thanh toán cho dự án BT thì có thể làm thất thoát ngân sách nhà nước.
HoREA cũng đã đề xuất những sửa đổi nhằm giảm thiểu rủi ro cho nhà đầu tư dự án BT. Ông có thể nói rõ hơn về những điểm này?
Nhà đầu tư dự án BT luôn tiềm ẩn các rủi ro rất lớn, trong đó phải kể đến việc chậm được bàn giao mặt bằng công trình dự án BT; chậm được bàn giao mặt bằng quỹ đất thanh toán dự án BT, hoặc chậm được bàn giao mặt bằng quỹ đất thanh toán dự án BT theo giai đoạn... Nhất là trong trường hợp quỹ đất thanh toán chưa giải phóng mặt bằng mà nhà đầu tư đã ứng tiền cho cơ quan nhà nước để thực hiện đền bù, giải phóng mặt bằng.
Vì vậy, chúng tôi đề nghị cơ quan có thẩm quyền bàn giao mặt bằng công trình theo đúng tiến độ đã thỏa thuận trong hợp đồng dự án BT để nhà đầu tư triển khai thực hiện dự án; bàn giao quỹ đất thanh toán dự án BT, hoặc bàn giao quỹ đất thanh toán dự án BT theo giai đoạn, theo đúng tiến độ đã thỏa thuận trong hợp đồng dự án BT cho nhà đầu tư. Theo đó, bổ sung vào Dự thảo Nghị định nội dung quy định trách nhiệm tài chính của Nhà nước theo quy định của Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, khi cơ quan có thẩm quyền chậm tiến độ trong công tác giải phóng mặt bằng để giao đất dự án BT cho nhà đầu tư thi công, hoặc chậm tiến độ bàn giao quỹ đất thanh toán dự án BT cho nhà đầu tư, để nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cán bộ, viên chức nhà nước trong thực thi công vụ.