Tháo gỡ điểm nghẽn trong liên kết vùng Đồng bằng sông Hồng

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Ngày 26/7, Ban Chỉ đạo tổng kết Nghị quyết 54-NQ/TW chủ trì, phối hợp với Tỉnh ủy Nam Định tổ chức Hội thảo “Phát triển kết cấu hạ tầng và kinh tế biển vùng Đồng bằng sông Hồng (ĐBSH) đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Theo nhiều chuyên gia, tính kết nối liên vùng trong vùng ĐBSH còn hạn chế, đang là điểm nghẽn phát triển Vùng; do đó, hoàn thiện thế chế liên kết vùng sẽ là giải pháp góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh, bảo đảm phát triển kinh tế - xã hội bền vững của Vùng.
Toàn cảnh Hội thảo “Phát triển kết cấu hạ tầng và kinh tế biển vùng Đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045"

Toàn cảnh Hội thảo “Phát triển kết cấu hạ tầng và kinh tế biển vùng Đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045"

Theo Bộ Giao thông vận tải (GTVT), vùng ĐBSH hiện có đầy đủ 5 loại hình giao thông với 8 tuyến cao tốc, chiều dài 496 km (chủ yếu là các các tuyến hướng tâm Thủ đô Hà Nội); 25 tuyến quốc lộ, chiều dài 2.066 km; 6 tuyến đường sắt quốc gia; 37 tuyến đường thủy nội địa; 4 cảng biển, 3 cảng hàng không quốc tế.

Dù hệ thống giao thông có sự phát triển mạnh song vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu, còn tồn tại những điểm nghẽn, thách thức lớn về phát triển kết cấu hạ tầng GTVT của Vùng.

Cụ thể, tính liên kết vùng còn hạn chế, kết nối hạn chế giữa các tuyến hành lang kinh tế, vùng động lực và các cực tăng trưởng của Vùng; hoạt động kết nối đa phương thức vận tải chưa hiệu quả, nguy cơ ùn tắc giao thông tại các cửa ngõ thủ đô; tính đồng bộ giữa các loại hình vận tải chưa cao; hạ tầng đường sắt kém phát triển, chưa kết nối tốt với các công trình giao thông khác, đặc biệt là cảng biển; hạ tầng đường thủy nội địa còn thiếu tính đồng bộ, chưa phát triển tương xứng với tiềm năng...

Do vậy, một trong các nhiệm vụ, giải pháp phát triển vùng ĐBSH trong lĩnh vực GTVT được Bộ GTVT đề xuất là cần sớm hoàn thành, phê duyệt quy hoạch vùng ĐBSH làm cơ sở pháp lý triển khai quy hoạch bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất, sử dụng hiệu quả các nguồn lực.

Liên quan đến vấn đề liên kết vùng còn hạn chế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) cho rằng, Luật Quy hoạch đang thực hiện, với mục tiêu tích hợp quy hoạch, phối hợp kế hoạch phát triển trong cùng giai đoạn cho các ngành, lĩnh vực của tỉnh, thành phố trong một quy hoạch cấp tỉnh sẽ tạo điều kiện rất thuận lợi cho việc phối hợp trong từng tỉnh, trong vùng ĐBSH trên tất cả các ngành và lĩnh vực.

Do đó, để đẩy mạnh liên kết vùng ĐBSH trong giai đoạn tới, Bộ KH&ĐT đề xuất, cần hoàn thiện thể chế liên kết vùng, lấy quy hoạch vùng làm cơ sở pháp lý, là trung tâm để điều phối các hoạt động liên kết vùng; phát huy vai trò điều phối, có tính then chốt và hiệu quả của chính quyền trung ương; huy động sự tham gia và gắn kết giữa các bên tham gia liên kết vùng trên cơ sở tôn trọng, hài hòa lợi ích, khuyến khích sự linh hoạt và sáng tạo, bảo đảm tạo lập và củng cố tin tưởng lẫn nhau.

Ngoài ra, xây dựng bộ máy điều phối vùng có đủ thẩm quyền, năng lực và nguồn lực để thực hiện hiệu quả vai trò chỉ đạo, điều phối và tạo thuận lợi cho các chính quyền địa phương thực hiện liên kết vùng, đặc biệt đối với các lĩnh vực đặc thù.

Liên kết vùng, phân công hợp tác giữa các địa phương với nhau phải tăng cường được năng lực quản trị địa phương, thực thi tốt hơn các nhiệm vụ chính quyền trung ương phân cấp cho địa phương; tạo mối quan hệ hài hòa giữa lợi ích của từng địa phương, lợi ích chung của vùng và của toàn bộ nền kinh tế.

Một số giải pháp thúc đẩy liên kết phát triển vùng ĐBSH được Bộ KH&ĐT đề xuất gồm, đẩy nhanh quá trình lập quy hoạch cấp tỉnh, cấp vùng, cấp quốc gia theo quy định của Luật Quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch đô thị và xây dựng, sắp xếp không gian phát triển, làm cơ sở xây dựng và triển khai các hoạt động liên kết vùng hiệu quả nhất. Cần sắp xếp không gian phát triển kinh tế thống nhất trên cả nước, trong từng vùng theo nguyên tắc kết hợp chặt chẽ giữa quản lý theo ngành với quản lý theo lãnh thổ. Xây dựng quy hoạch tích hợp vùng ĐBSH thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 là cơ sở cho phát triển và liên kết vùng; trong đó xác định rõ tổ chức không gian phát triển của vùng gắn với vị trí, vai trò của các địa phương trong thực hiện các định hướng phát triển Vùng.

Hoàn thiện thể chế liên kết vùng, thành lập Hội đồng điều phối vùng ĐBSH. Hoạt động điều phối tập trung vào một số lĩnh vực quan trọng của Vùng như: lập và triển khai thực hiện quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh; phát triển hạ tầng kết nối vùng, bao gồm cả kết nối song phương giữa các tỉnh, thành phố, ưu tiên gắn với các hành lang quan trọng của Vùng; xử lý các vấn đề môi trường liên tỉnh;...

Tin cùng chuyên mục