Tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về quản lý chi phí và hợp đồng xây dựng

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Chiều 28/3/2022, Bộ Xây dựng tổ chức Hội nghị trao đổi các khó khăn, vướng mắc trong quản lý chi phí và hợp đồng xây dựng đối với các dự án sử dụng vốn nhà nước và giải pháp tháo gỡ.
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị phát biểu tại Hội nghị

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị phát biểu tại Hội nghị

Theo Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị, đây là hội nghị hết sức quan trọng nhằm thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội và Chính phủ ban hành vừa qua về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình trong năm 2022 - 2023 và về Chủ trương đầu tư Dự án Xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025.

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị cho biết, thực hiện chức năng quản lý nhà nước về chi phí và hợp đồng xây dựng trong các dự án đầu tư xây dựng, Bộ Xây dựng trong những năm qua đã có nhiều nỗ lực để nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về vấn đề này.

Gần đây nhất, Bộ đã tham mưu để Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án hoàn thiện hệ thống định mức, giá xây dựng. Trên cơ sở các nhiệm vụ của Đề án, từ năm 2018 đến nay, Bộ đã tham mưu Chính phủ ban hành Nghị định số 68/2019/NĐ-CP, Nghị định 10/2021/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý chi phí đầu tư xây dựng; Nghị định số 50/2021/NĐ-CP sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định 37/2015/NĐ-CP quy định chi tiết về hợp đồng xây dựng; hoàn thành việc nghiên cứu, hoàn thiện 13 phương pháp xây dựng định mức, xác định giá xây dựng (quy định tại các Thông tư hướng dẫn).

Bộ Xây dựng cũng đã rà soát toàn bộ 16.005 định mức xây dựng do Bộ công bố, loại bỏ 1.005 định mức quá lạc hậu, sửa đổi 3.289 định mức, bổ sung 1.896 định mức; hoàn thành rà soát, đánh giá 596 suất vốn đầu tư, giá bộ phận kết cấu công trình; xây dựng và ban hành Suất vốn đầu tư cho 1 km đường ô tô cao tốc.

Các bộ quản lý công trình xây dựng chuyên ngành đã thực hiện rà soát gần 13.500/17.700 định mức dự toán cho các công tác xây dựng chuyên ngành đã công bố, loại bỏ 1.380 định mức, sửa đổi 8.226 định mức, giữ nguyên 3.811 định mức và dự kiến bổ sung 5.993 định mức.

Hầu hết các địa phương trong cả nước (61/63 tỉnh) đã ban hành bộ đơn giá xây dựng công trình để phục vụ cho công tác quản lý chi phí đầu tư xây dựng trên địa bàn; 63/63 tỉnh đã thực hiện khảo sát, công bố giá vật liệu, giá nhân công trên địa bàn; 58/63 tỉnh đã ban hành giá ca máy.

61/63 tỉnh đã ban hành bộ đơn giá xây dựng công trình để phục vụ cho công tác quản lý chi phí đầu tư xây dựng trên địa bàn. Ảnh minh họa: Internet

61/63 tỉnh đã ban hành bộ đơn giá xây dựng công trình để phục vụ cho công tác quản lý chi phí đầu tư xây dựng trên địa bàn. Ảnh minh họa: Internet

Có thể nói, hệ thống thể chế quản lý định mức, giá xây dựng, hợp đồng xây dựng; phương pháp xây dựng định mức, xác định giá xây dựng và các định mức, suất vốn đầu tư được rà soát tổng thể, sửa đổi, bãi bỏ hoặc ban hành mới đã bám sát hơn và phục vụ tốt hơn các yêu cầu thực tiễn mới phát sinh, tuân thủ tốt hơn các quy luật kinh tế thị trường, nâng cao hiệu quả quản lý và hiệu quả đầu tư xây dựng, nhất là đối với các dự án đầu tư công, góp phần tạo thị trường xây dựng minh bạch, cạnh tranh, chống thất thoát, lãng phí trong đầu tư xây dựng.

Tuy nhiên, do các tác động tiêu cực trong và ngoài nước trong thời gian gần đây, do giá cả các mặt hàng năng lượng, vật tư, nguyên liệu sản xuất tăng đột biến và liên tục biến động, cùng với yêu cầu hình thành các dự án đầu tư công hoặc hợp tác công tư rất lớn, quản lý phức tạp như Dự án cao tốc Bắc Nam khu vực phía Đông giai đoạn 2021 - 2025, hệ thống quy định về định mức, giá xây dựng, suất vốn đầu tư và quản lý hợp đồng xây dựng đã tiếp tục xuất hiện những bất cập không theo kịp, gây cản trở thực tiễn.

Tại Hội nghị, đại diện nhiều tổ chức, doanh nghiệp, các hiệp hội nghề nghiệp, các cơ quan quản lý xây dựng chuyên ngành đã cùng trao đổi về vấn đề quản lý chi phí và hợp đồng xây dựng trong các công trình xây dựng hiện nay, đặc biệt là đối với các công trình Dự án cao tốc Bắc - Nam khu vực phía Đông đã và đang triển khai từ nay đến hết năm 2025, nêu bật các khó khăn, vướng mắc trên thực tế. Đây là cơ sở để Bộ Xây dựng tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ và đề xuất các giải pháp để tháo gỡ.

Tin cùng chuyên mục