Nhiều dự án PPP đã chứng minh tính hiệu quả, góp phần hoàn thiện kết cấu hạ tầng, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội |
Bởi về bản chất, dự án đầu tư theo phương thức đối tác công - tư (PPP) được triển khai nhằm mục đích cung cấp sản phẩm, dịch vụ công thông qua đầu tư, quản lý tư, mà nếu không có sự tham gia của tư nhân, Nhà nước vẫn phải làm và chịu hoàn toàn rủi ro.
Đó là quan điểm của nhiều chuyên gia tại buổi Tọa đàm Giải pháp thúc đẩy đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông vận tải theo phương thức PPP diễn ra cuối tuần qua.
Nhà nước chỉ muốn lợi cho mình thì khó thu hút vốn tư nhân
Theo Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Nhật, dù đạt được nhiều kết quả nhưng việc áp dụng loại hợp đồng BOT đã phát sinh nhiều hạn chế, một phần không nhỏ do khung pháp lý cho loại hợp đồng này chỉ là các nghị định, thông tư, quyết định mà chưa có một văn bản cấp luật đủ mạnh. Việc có Luật về PPP sẽ đảm bảo để các nhà đầu tư yên tâm bỏ vốn, khi mà các dự án thường kéo dài từ 15 - 20 năm đi kèm với mức độ rủi ro cao.
Vấn đề cốt lõi nhất của hợp đồng dự án PPP, cũng là cân nhắc lớn nhất của Nhà nước khi làm PPP, có lẽ là chia sẻ lợi ích và rủi ro. Theo nhiều chuyên gia, cần nhận định rõ bản chất của dự án PPP, mục tiêu mà Nhà nước muốn đạt được là gì, từ đó mới giải bài toán tối ưu hóa phân bổ lợi ích - rủi ro.
Theo ông Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, những dịch vụ công gắn với quyền con người và quyền tự do đi lại, dự án được đầu tư theo phương thức PPP về bản chất là trách nhiệm của Nhà nước. “Đáng ra Nhà nước phải cung cấp nguồn lực, nhưng nếu không có thì phải hợp tác để tạo dựng, tức là trách nhiệm cao nhất vẫn là Nhà nước”, ông Dũng phân tích.
Cũng nhìn từ bản chất dự án đầu tư theo phương thức PPP là công trình, dịch vụ công thuộc trách nhiệm cung cấp của Nhà nước, nguyên Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Cao Viết Sinh nêu quan điểm, khi làm PPP, Nhà nước phải chịu thiệt nhiều hơn mới đúng. Nếu Nhà nước muốn cái lợi cho mình nhiều hơn thì nhà đầu tư sẽ rất khó khăn và khó thu hút được vốn tư nhân.
Ông Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng cũng cho rằng, Luật về PPP phải làm sao bảo vệ được nhà đầu tư. “Một bộ phận cơ quan công quyền hiện nay coi hợp tác với doanh nghiệp làm BOT là ban ơn cho họ. Rõ ràng điều này là rất không nên", ông Thiên nhấn mạnh.
Theo ông Thiên, lợi ích quan trọng nhất của Nhà nước khi đầu tư PPP là có được công trình công, chứ không phải lợi ích tính bằng tiền. “Phải làm sao nhà đầu tư, ngân hàng có lợi nhiều hơn, chịu rủi ro ít hơn Nhà nước. Nhà nước hưởng lợi ích xã hội, còn lợi ích bằng tiền phải hưởng sau nhà đầu tư”, ông Thiên chia sẻ.
Cần công trình, cần tiền thì phải mở cơ chế
Lấy ví dụ từ kinh nghiệm thu hút vốn tư nhân vào lĩnh vực năng lượng mặt trời khi có những cơ chế ưu đãi phù hợp, ông Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài cho rằng, với PPP cũng cần vậy. Chỉ ra nghịch lý trong tư duy khi Nhà nước muốn có tiền đầu tư nhưng lại quá thận trọng khi mở cơ chế, ông Mại cho rằng: “Nhà nước cần công trình, cần hút vốn tư nhân thì phải có cơ chế để nhà đầu tư đủ lòng tin đổ vốn đầu tư lâu dài vào dự án PPP”.
Đánh giá cao sự cần thiết ban hành Luật PPP, ông Nguyễn Mại nhấn mạnh, cần có đột phá về cơ chế để huy động được cả vốn trong nước và nước ngoài. Quan tâm lớn nhất của nhà đầu tư là những cơ chế bảo lãnh và chia sẻ rủi ro của Chính phủ. Thiếu những cơ chế này là nguyên nhân chủ yếu hạn chế thu hút vốn nước ngoài đầu tư vào hạ tầng giao thông. Kinh nghiệm của Hàn Quốc về cơ chế bảo đảm doanh thu tối thiểu cho nhà đầu tư là rất đáng học hỏi, tạo ra cơ chế hấp dẫn, hiệu quả để thu hút nhà đầu tư.
Ủng hộ cơ chế chia sẻ rủi ro về doanh thu tại Dự thảo Luật PPP, chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực góp ý, nên thành lập quỹ dùng để xử lý rủi ro này. Ông Lực chia sẻ kinh nghiệm khảo sát nhiều nước đều có quỹ của nhà nước dành cho nhiệm vụ này, trong đó quy định một mức hỗ trợ nhất định, ví dụ từ 20 - 40% tổng kinh phí giải phóng mặt bằng và chi phí xây dựng.
Ông Trần Đình Thiên nhận định, cơ chế chia sẻ rủi ro về doanh thu là rất phù hợp để khuyến khích tư nhân đầu tư, tuy nhiên, mức chia sẻ như tại Dự thảo Luật PPP vẫn có lợi nhiều hơn cho Nhà nước. Với mức Chính phủ bù không quá 50% phần hụt thu và hưởng không ít hơn 50% phần vượt thu thì lỗ Nhà nước chịu ít mà lời thì Nhà nước được chia nhiều.
Ông Cao Viết Sinh nhấn mạnh đến quyền được mua ngoại tệ của nhà đầu tư nước ngoài khi đầu tư vào dự án hạ tầng tại Việt Nam. Vấn đề này cũng được nhiều chuyên gia khác đồng tình, bởi nhà đầu tư nước ngoài bỏ một lượng tiền rất lớn, có thể hàng tỷ USD vào Việt Nam rồi thu về tiền lẻ bằng VND, nếu không đảm bảo chuyển đổi thì không nhà đầu tư nào vào.
Những cơ chế cân đối ngoại tệ, chia sẻ rủi ro doanh thu, theo ông Nguyễn Đăng Trương - Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đã được đưa vào Dự thảo Luật PPP và quy định rất chặt chẽ, không áp dụng tràn lan. “Nhà nước muốn kêu gọi nguồn lực tài chính, tận dụng được tri thức, năng lực quản lý từ các thành phần kinh tế để bù đắp thiếu hụt về ngân sách, thì Nhà nước cũng cần có trách nhiệm, nghĩa vụ trong việc bảo đảm tính khả thi của dự án thông qua các công cụ hỗ trợ, bảo đảm, mà không thể đẩy toàn bộ trách nhiệm, rủi ro của việc thực hiện dự án có mục đích công cho tư nhân”, ông Nguyễn Đăng Trương khẳng định.