Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt cần phải có cơ chế thoáng để tạo đột phá trong thu hút đầu tư. Ảnh: Lê Tiên |
Ưu đãi cao hơn
Trình bày Tờ trình Dự án Luật trước UBTVQH tại phiên họp ngày 11/9, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh 3 điểm chính về sự cần thiết phải xây dựng Luật. Theo đó, ngoài thể chế hóa đường lối của Đảng và quy định của Hiến pháp, Việt Nam còn cần chủ động xây dựng một mô hình phát triển mới với những thể chế đột phá, vượt trội so với trong nước và cạnh tranh với quốc tế.
Bên cạnh đó, hiện nay, nền kinh tế Việt Nam đang có dấu hiệu phát triển chậm lại, năng lực cạnh tranh thấp, việc khai thác các tiềm năng tĩnh, lợi thế tự nhiên và nguồn lực đã dần tới hạn; môi trường đầu tư của Việt Nam cũng đang mất dần tính hấp dẫn do bị cạnh tranh quốc tế mạnh mẽ. Vì vậy, việc ban hành Luật được đánh giá là hết sức cần thiết.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, qua nghiên cứu cho thấy thành công của các đặc khu kinh tế dựa vào các yếu tố như: có luật điều chỉnh riêng, trong đó đơn giản hóa thủ tục hành chính và xóa bỏ hạn chế về đầu tư kinh doanh; chế độ ưu đãi thuế, phí; ưu đãi đầu tư riêng đối với nhà đầu tư nước ngoài vào ngành, nghề ưu tiên phát triển; có sự hỗ trợ ban đầu của Chính phủ để đầu tư hạ tầng quan trọng và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; bộ máy quản lý hành chính tinh gọn và hiệu quả, được phân cấp, phân quyền, giao quyền tự chủ mạnh...
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định, thế giới đã xây dựng các mô hình đặc khu từ cách đây 70 năm với nhiều thành công và thất bại. Việt Nam đi sau khi các nước đã ban hành hết các chính sách vượt trội là một thách thức, tuy nhiên cũng là thuận lợi khi có thể rút kinh nghiệm từ các bài học thất bại.
“Quan điểm của cơ quan soạn thảo là xây dựng cơ chế, chính sách vượt trội phải xuất phát từ nhu cầu của nhà đầu tư, chứ không xuất phát từ việc chúng ta có thể cho cái này hay chấp thuận cái kia, và đặc biệt là phải phù hợp với Hiến pháp. Nếu chỉ áp dụng các chính sách như hiện nay thì không có gì mới, không có gì hấp dẫn và thu hút đầu tư sẽ hạn chế, sự thành công sẽ thấp” - Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.
Thông thoáng nhưng không trái Hiến pháp
Cho ý kiến về Dự án Luật, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nhấn mạnh, đây là mô hình đặc biệt về hành chính - kinh tế, do đó cần có thể chế nổi trội, đột phá và thực sự đặc biệt. Tuy nhiên, ông Hiển đề nghị, phải giữ 1 nguyên tắc quan trọng là lấy sự ổn định quốc phòng an ninh toàn lãnh thổ là cái cốt lõi, còn về kinh tế có thể có những chính sách thông thoáng, nổi trội đặc biệt so với các vùng khác để thu hút đầu tư.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân
Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt cần phải có tính đột phá, vượt trội so với trong nước và quốc tế. Những quy định tại luật này có thể trái, khác với quy định của các luật khác, không đòi hỏi sự thống nhất, đồng bộ trong hệ thống pháp luật như các luật khác, nhưng không thể trái Hiến pháp.
Chúng ta khẳng định Luật quy định chung cho 3 đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt nhưng khi Luật ra đời thì Quốc hội vẫn phải ban hành Nghị quyết cho từng khu vực. Theo đó, đối với Phú Quốc chính sách sẽ khác với chỗ khác, Vân Đồn cũng không giống như Bắc Vân Phong và càng không giống với Phú Quốc. Nghị quyết sẽ căn cứ vào các quy định của Luật thì mới cụ thể hơn các quy định chung trong Luật này.
Đồng tình với quan điểm trên, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ cho rằng, đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt cần phải có cơ chế thoáng, nếu tổ chức chính quyền như tỉnh, huyện thì sẽ khó tạo đột phá. Vấn đề quan trọng đặt ra ở đây theo ông Đỗ Bá Tỵ là phải đảm bảo các nguyên tắc không trái với Hiến pháp và Luật Tổ chức chính quyền địa phương; linh hoạt, có sự giám sát của các ngành.
Liên quan cụ thể đến vấn đề hành chính, ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện tại các đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt, ông Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, Dự thảo Luật cần đưa ra các danh mục cụ thể về ngành nghề kinh doanh có điều kiện ở khu hành chính - kinh tế đặc biệt để nhà đầu tư nước ngoài xác định trước những vấn đề, giảm chi phí, thời gian giải quyết thủ tục hành chính trong đơn vị này.
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải bày tỏ quan điểm, đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt xin cơ chế chứ không xin tiền, do đó phải cho những đơn vị này cơ chế thông thoáng để phát triển. Theo đó, cạnh tranh về thuế không phải là cơ chế tối ưu, mà tinh thần là cho cơ chế để tạo ra tiền và tạo ra ngân sách. Vì vậy, cùng với việc giao quyền đặc biệt về hành chính, đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt cũng cần được giao quyền tự quyết về ngân sách.