![]() |
Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 11 |
Ngày 10/4, Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII, Ban Chấp hành Trung ương làm việc tại tổ, thảo luận các nội dung về tiếp tục sắp xếp, tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, sắp xếp đơn vị hành chính và tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp, gồm 8 đề án và báo cáo.
Đó là, báo cáo về sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị theo Kết luận số 127 của Bộ Chính trị, Ban Bí thư trình Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII.
Đề án sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp.
Đề án sắp xếp, tinh gọn cơ quan MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, các hội quần chúng do Đảng và Nhà nước giao nhiệm vụ (cấp Trung ương, cấp tỉnh và cấp xã).
Ngoài ra còn có Đề án tiếp tục sắp xếp, tinh gọn bộ máy TAND hoạt động hiệu lực, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp trong tình hình mới.
Đề án tiếp tục sắp xếp, tinh gọn bộ máy VKSND theo định hướng không tổ chức cấp huyện.
Đề án hệ thống tổ chức đảng ở địa phương (cấp tỉnh và cấp xã).
Đề án rà soát, sửa đổi, bổ sung Hiến pháp, pháp luật của Nhà nước phục vụ việc sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị.
Dự thảo Quy định thi hành Điều lệ Đảng và dự thảo Quy định về công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng.
![]() |
Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu khai mạc Hội nghị |
Trước đó vào sáng 10/4, trong phát biểu khai mạc, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh, đây là những vấn đề rất hệ trọng, có tính lịch sử; không chỉ sắp xếp về tổ chức, bộ máy, cán bộ mà còn phân cấp về thẩm quyền, bố trí lại đơn vị hành chính, phân bổ về nguồn lực; tạo không gian phát triển.
Mục tiêu là xây dựng chính quyền theo hướng gần dân, sát dân, phục vụ nhân dân tốt hơn; đồng thời, mở ra cục diện mới trong phát triển đất nước với tầm nhìn lâu dài, ít nhất là cho 100 năm tới.
Tổng Bí thư đề nghị các đại biểu với tư duy đổi mới, vì sự phát triển của đất nước và vì nhân dân, tập trung cho ý kiến, nhất là những vấn đề lớn.
Tổng Bí thư gợi mở những định hướng lớn gồm: chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính - cấp tỉnh còn 34 tỉnh, thành phố; không tổ chức cấp huyện, giảm khoảng 50% đơn vị hành chính cấp xã; mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp, gắn với phân cấp, phân quyền, đặc biệt là cấp xã mới sau khi sáp nhập, làm thế nào để thực sự gần dân, sát dân, phục vụ nhân dân tốt hơn.
Bên cạnh đó, Tổng Bí thư đề nghị Trung ương thảo luận về mô hình tổ chức, chức năng, nhiệm vụ các cơ quan Đảng ở cấp tỉnh, cấp xã, tương ứng với chính quyền địa phương 2 cấp để bảo đảm vai trò lãnh đạo của Đảng.