Thêm giải pháp bảo vệ DN trước “làn sóng” phòng vệ thương mại

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Các vụ điều tra liên quan đến phòng vệ thương mại (PVTM) đang gây ra nhiều thách thức cho doanh nghiệp (DN) sản xuất và xuất khẩu (XK) của Việt Nam. Để vượt qua khó khăn này, nhiều giải pháp đã và đang được cơ quan quản lý tích cực triển khai.
Tính từ đầu năm đến ngày 26/8/2024, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam đối mặt với 256 vụ việc điều tra phòng vệ thương mại. Ảnh: Lê Tiên
Tính từ đầu năm đến ngày 26/8/2024, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam đối mặt với 256 vụ việc điều tra phòng vệ thương mại. Ảnh: Lê Tiên

Đối mặt với khó khăn kép

Ngày 14/8/2024, Tổng vụ PVTM Ấn Độ (DGTR) có thông báo khởi xướng vụ việc điều tra chống bán phá giá (CBPG) đối với thép cuộn cán nóng có xuất xứ hoặc xuất khẩu (XK) từ Việt Nam. Trước đó, ngày 12/8/2024, Đài Loan (Trung Quốc) khởi xướng điều tra CBPG đối với mặt hàng xi măng và clanhke có xuất xứ hoặc nhập khẩu từ Việt Nam. Hay ngày 8/8/2024, Ủy ban Châu Âu ban hành thông báo khởi xướng điều tra CBPG đối với một số sản phẩm thép cán nóng có xuất xứ từ một số quốc gia, trong đó có Việt Nam, nhập khẩu vào Liên minh châu Âu (EU)…

Trên đây chỉ là một trong số những vụ việc điều tra điển hình mà hàng hóa XK Việt Nam phải đối mặt trong thời gian gần đây. Theo số liệu từ Cục PVTM thuộc Bộ Công Thương, đến ngày 26/8/2024, hàng XK của Việt Nam đối mặt với 256 vụ việc điều tra PVTM từ 24 thị trường các nước và vùng lãnh thổ.

Trao đổi với Báo Đấu thầu, ông Chu Thắng Trung, Phó Cục trưởng Cục PVTM cho biết, khi hàng hóa XK của Việt Nam bị nước ngoài điều tra, áp dụng các biện pháp PVTM sẽ có những tác động tiêu cực. Cụ thể, nếu hàng hóa XK bị áp thuế PVTM ở mức cao sẽ làm giảm lợi thế cạnh tranh, dẫn đến mất một phần hoặc toàn bộ thị trường XK. Để tránh bị áp thuế, DN phải bố trí thời gian và nguồn lực để xử lý, đáp ứng các yêu cầu khắt khe của cơ quan điều tra nước ngoài. Điều này tạo thêm gánh nặng cho DN.

Bên cạnh áp lực từ phía thị trường XK, DN sản xuất thép, xi măng… còn gặp nhiều khó khăn do sức cầu thị trường trong nước còn yếu, cộng thêm áp lực cạnh tranh ngày càng gay gắt, nhất là với hàng nhập khẩu giá rẻ. Những yếu tố này đang khiến nhiều DN sản xuất và tham gia XK hàng hóa rơi vào khó khăn.

Bổ sung gói thầu được lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt

Lãnh đạo Cục PVTM cho biết, thời gian qua, Bộ Công Thương đã chủ động phối hợp với các bộ, ngành, địa phương, hiệp hội DN, cũng như DN XK hỗ trợ xử lý các vụ việc PVTM bằng nhiều hình thức khác nhau như: cảnh báo sớm; tư vấn pháp lý, quy trình thủ tục điều tra, quy định/thông lệ điều tra của nước khởi kiện và đưa ra các khuyến nghị, định hướng xử lý cụ thể cho DN…

Theo ông Trung, công tác cảnh báo sớm cũng như hỗ trợ DN ứng phó với các vụ việc PVTM do nước ngoài khởi xướng điều tra đối với hàng hóa XK của Việt Nam thời gian qua đã đem lại một số kết quả tích cực. Nhờ đó, các DN XK không bị áp thuế PVTM hoặc bị áp thuế ở mức thấp, góp phần giữ vững và mở rộng thị trường XK.

Trước bối cảnh số lượng các vụ việc PVTM đối với hàng hóa XK hàng hóa Việt Nam đang gia tăng nhanh chóng, trong đề xuất sửa đổi một số quy định liên quan đến Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Luật Đấu thầu, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) đề nghị bổ sung gói thầu lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt vào Luật Đấu thầu để đáp ứng tốt yêu cầu phát sinh trong thực tiễn. Cụ thể, Bộ KH&ĐT đề xuất bổ sung gói thầu lựa chọn luật sư cung cấp dịch vụ pháp lý để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của Nhà nước Việt Nam, cơ quan nhà nước tại cơ quan điều tra áp dụng các biện pháp PVTM nước ngoài vào Luật Đấu thầu.

Lãnh đạo Cục PVTM nhấn mạnh, đây là đề xuất rất cần thiết trong bối cảnh hiện nay. Luật Đấu thầu năm 2023 chỉ cho phép lựa chọn luật sư trong trường hợp đặc biệt để bảo vệ Nhà nước Việt Nam tại cơ quan tài phán nước ngoài mà chưa cho phép lựa chọn luật sư bảo vệ Nhà nước Việt Nam tại cơ quan điều tra áp dụng các biện pháp về PVTM nước ngoài được áp dụng. Ở các vụ việc này cần phải thuê luật sư tư vấn có kinh nghiệm, năng lực pháp lý và kiến thức chuyên sâu để bảo vệ quyền và lợi ích của Chính phủ, DN Việt Nam. Do đó, nếu các gói thầu này phải lựa chọn nhà thầu theo các hình thức quy định tại Luật sẽ gặp khó khăn về thời gian, trình tự, thủ tục, không đáp ứng được tính kịp thời của việc xử lý. Điều này tránh ảnh hưởng đến quá trình thực hiện các nghiệp vụ công tác của các cơ quan, đơn vị.

Luật sư Nguyễn Hồng Chung, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư DVL Ventures nhìn nhận, đây là đề xuất hợp lý, cần thiết trong bối cảnh hiện nay nhằm lựa chọn các luật sư tham gia bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của Việt Nam tại các cơ quan điều tra áp dụng các biện pháp PVTM nước ngoài.

Theo ông Chung, việc lựa chọn luật sư cung cấp dịch vụ pháp lý để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho Nhà nước phụ thuộc vào tính chất của từng vụ việc, chỉ có những luật sư có chuyên môn mới có khả năng giải quyết. Nếu áp dụng lựa chọn nhà thầu theo hình thức khác có thể không tìm được chuyên gia, luật sư đáp ứng yêu cầu của từng vụ việc. Hơn nữa, quy trình tranh tụng của tòa án hoặc trung tâm trọng tài hay các thủ tục giải quyết theo trình tự tố tụng cũng có đặc trưng, nên việc chọn luật sư cung cấp dịch vụ pháp lý theo hình thức khác sẽ không phù hợp với tính chất của vụ việc về PVTM.

Tin cùng chuyên mục