Các bộ chỉ số đang có như PCI, PAPI… và bộ chỉ số của Bộ Kế hoạch và Đầu tư công bố sẽ bổ trợ cho nhau để chỉ ra thực trạng của môi trường kinh doanh |
Báo Đấu thầu phỏng vấn ông Trần Hữu Huỳnh, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam - người đã từng có nhiều năm tham gia triển khai Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) - về mối quan hệ bổ trợ, tương hỗ giữa các bộ chỉ số, góp phần đánh giá nhiều chiều về môi trường kinh doanh cũng như sự phát triển của DN.
Thưa ông, sự thay đổi môi trường đầu tư, kinh doanh có những tác động như thế nào đối với phát triển DN tại các địa phương?
Qua 10 năm thực hiện và theo dõi Chỉ số PCI, tôi thấy có mối quan hệ logic, hữu cơ giữa môi trường kinh doanh đối với sự phát triển của DN. Ở nơi nào có môi trường kinh doanh thuận lợi, chính quyền địa phương có những chính sách “thân thiện” với thông điệp ủng hộ DN trên tinh thần minh bạch, cạnh tranh, hỗ trợ để phát triển thì nơi đó có sự phát triển của DN.
Sự “thân thiện” của chính quyền địa phương được thể hiện ở sự bình đẳng, cạnh tranh, hợp tác giữa các thành phần kinh tế, không phân biệt DN lớn, nhỏ hay doanh nghiệp dân doanh, DN nhà nước hay DN FDI. Vai trò của chính quyền được thể hiện ở nỗ lực giảm thiểu chi phí; thời gian cấp phép; việc thanh tra, kiểm tra. DN có thể đề xuất với cơ quan có liên quan để sửa đổi các quy định của pháp luật; kiến nghị giảm thuế, phí và có những chính sách hỗ trợ cho các DN, đặc biệt là DN vừa và nhỏ. Cái gì nằm trong thẩm quyền của địa phương thì tích cực thực hiện, nếu vượt quá thẩm quyền thì địa phương đề xuất lên cấp cao hơn để giải quyết dứt điểm.
Mặt khác, môi trường kinh doanh ở địa phương còn là những vấn đề có liên quan tới kinh doanh. Đó là giáo dục, y tế, văn hóa, trật tự an toàn của địa phương, tính sẵn có của các tổ chức hỗ trợ DN (văn phòng luật sư, công ty tư vấn, công ty hội chợ, triển lãm, xúc tiến du lịch, thương mại, đầu tư…) để cung cấp thông tin kịp thời cho DN.
Qua nhiều năm thực hiện PCI, khảo sát cho thấy những vấn đề DN thường xuyên gặp khó khăn nhất là vấn đề đất đai, nhân lực, thanh kiểm tra, cung cấp thông tin minh bạch, công khai trong đấu thầu, quy hoạch và xử lý tranh chấp… Nếu chính quyền làm tốt thì DN sở tại được hưởng lợi.
Ngoài ra, khi các DN địa phương có cảm nhận tốt về môi trường kinh doanh ở đó thì sẽ có tác động lan tỏa, lôi kéo các DN, các nhà đầu tư khác từ trong và ngoài nước đến.
Nghị quyết 19/NQ-CP (NQ19) lần đầu tiên được ban hành vào năm 2014 và mỗi năm sau lại có 1 nghị quyết, đều được tổng kết, đánh giá việc thực hiện nghị quyết, giao nhiệm vụ cho các bộ, ngành, địa phương, bổ sung những chỉ tiêu cần cải thiện.
Các tổ chức quốc tế cũng đánh giá và xếp hạng Việt Nam trong so sánh với các nước trong khu vực và trên thế giới. Điều đáng mừng là NQ19 được ban hành với sự tham khảo các bộ chỉ tiêu được các tổ chức quốc tế áp dụng. Chính phủ cũng đã tổng hợp những kết quả đánh giá này cùng với kết quả tự đánh giá của các bộ, ngành, địa phương để rút ra những bài học kinh nghiệm trong điều hành.
Nghị quyết 35/NQ-CP đặt ra những kế hoạch thực hiện hỗ trợ DN triển khai cụ thể cho từng năm thì có thể thống kê, tổng hợp được. Nhưng việc thống kê chính xác hay không lại phụ thuộc vào sự khách quan của những người tham gia thống kê, các cơ quan xử lý đầu mối có liên quan. Thực tế thi hành Luật DN cho thấy việc báo cáo hoạt động của DN nói chung, báo cáo tài chính nói riêng, chưa được DN thực hiện nghiêm túc.
Để có cái nhìn toàn diện khi đánh giá DN, theo tôi, nên kết hợp với những phản hồi từ phía DN. Hiện chúng ta đang có một số bộ chỉ số cũng rất đáng tham khảo như PCI, PAPI (Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam)… Những chỉ số này dựa trên những cảm nhận của DN trước những thay đổi của chính sách, pháp luật cũng như chất lượng điều hành ở địa phương. Đánh giá của người dân, DN thường chính xác vì họ được bảo vệ bí mật thông tin, họ chia sẻ cảm nhận, đánh giá với mục đích làm môi trường kinh doanh và môi trường sống tốt lên.
Những bộ chỉ số hiện nay mới chỉ đo lường dựa trên “cảm nhận” của DN về sự “thân thiện” của chính quyền, của môi trường kinh doanh. Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) xây dựng bộ chỉ tiêu đánh giá trực tiếp sự phát triển của DN. Các bộ chỉ tiêu này sẽ bổ trợ cho nhau như thế nào, thưa ông?
Các bộ chỉ số đang có và bộ chỉ số của Bộ KH&ĐT chuẩn bị công bố không thay thế cho nhau, mà bổ trợ cho nhau để chỉ ra thực trạng của môi trường kinh doanh, từ đó có giải pháp cải thiện tốt hơn.
PCI là bộ chỉ số được ví như công cụ đo đếm mức độ “nhân hòa”, rằng chính quyền có thân thiện không? Khi chính quyền thân thiện thì DN mới được lợi. Trong khi đó, các yếu tố “thiên thời” và “địa lợi” lại giúp DN có thêm điều kiện để phát triển sản xuất, kinh doanh.
Còn chỉ số mà Bộ KH&ĐT đang xây dựng lại chú trọng tới số lượng DN ra đời, quy mô, vốn, doanh thu, lợi nhuận, lao động, công nghệ… Ở một khía cạnh nào đó, bộ chỉ số này đánh giá ở mức tổng thể và trực tiếp đối với DN. Bộ chỉ số này sẽ có ý nghĩa nếu việc thống kê được thực hiện nghiêm túc, chặt chẽ, khách quan và khoa học.
Theo ông, đâu là những khó khăn khi triển khai Bộ chỉ số này?
Theo suy nghĩ của tôi, tính chính xác, kịp thời của công tác thống kê càng ngày càng được cải thiện. Nhưng nếu coi con số thống kê là chính xác đến tuyệt đối thì cũng chưa có căn cứ.
Quá trình theo dõi DN khi triển khai PCI cho thấy, một số DN không muốn lớn bởi nếu DN càng lớn thì họ lại càng bị thanh, kiểm tra nhiều hơn. Do đó, thách thức mà cơ quan thống kê sẽ gặp phải khi triển khai Bộ chỉ số đánh giá mức độ phát triển của DN sẽ là việc DN sẽ chia sẻ thông tin của mình tới đâu.
Trên thực tế, thống kê về DN từ cơ quan thuế hiện nay được coi là khá tin cậy. Nếu bộ chỉ số của Bộ KH&ĐT khai thác tốt những thông tin bổ sung từ cơ quan thuế thì tính chính xác sẽ được cải thiện hơn.
Xin cảm ơn Ông!