Thêm thuận lợi cho DN gia nhập thị trường

(BĐT) - Dự thảo Nghị định quy định về phối hợp, liên thông thủ tục cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp (GCNĐKDN), khai trình lao động, cấp mã số đơn vị bảo hiểm xã hội (BHXH), sử dụng hóa đơn đặt in, tự in đang được đưa ra lấy ý kiến hoàn thiện. 
Thủ tục gia nhập thị trường đơn giản, thuận lợi sẽ giúp doanh nghiệp hứng khởi kinh doanh sau dịch Covid-19. Ảnh: Lê Tiên
Thủ tục gia nhập thị trường đơn giản, thuận lợi sẽ giúp doanh nghiệp hứng khởi kinh doanh sau dịch Covid-19. Ảnh: Lê Tiên

Theo Cục Quản lý đăng ký kinh doanh thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Nghị định được ban hành sẽ tạo thuận lợi hơn nữa cho doanh nghiệp (DN) gia nhập thị trường, khích lệ tinh thần khởi nghiệp.

Điểm đáng chú ý nhất của Dự thảo Nghị định là những đề xuất về việc phối hợp, liên thông của các cơ quan quản lý nhà nước trong cấp GCNĐKDN, khai trình lao động, cấp mã số đơn vị BHXH, sử dụng hóa đơn đặt in, tự in. Theo Cục Quản lý đăng ký kinh doanh, sự phối hợp, liên thông các thủ tục hành chính với việc chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan quản lý nhà nước qua kết nối điện tử về ĐKDN sẽ đạt 3 mục tiêu: cắt giảm thủ tục, tiết kiệm chi phí và giảm thời gian thực hiện cho DN.

Cụ thể, Dự thảo Nghị định đề xuất phối hợp, liên thông giữa cơ quan đăng ký kinh doanh và cơ quan quản lý nhà nước về lao động theo hướng, sau khi cấp GCNĐKDN, Hệ thống thông tin quốc gia về ĐKDN gửi thông tin về GCNĐKDN, giấy chứng nhận đăng ký đơn vị trực thuộc và tổng số lao động dự kiến của DN, đơn vị trực thuộc cho hệ thống thông tin của cơ quan quản lý nhà nước về lao động để phục vụ quản lý nhà nước về lao động theo quy định của pháp luật. Khi DN, đơn vị trực thuộc có sự thay đổi về số lượng lao động, cơ quan quản lý nhà nước về lao động gửi thông tin cho Hệ thống thông tin quốc gia về ĐKDN để theo dõi theo quy định của pháp luật. Với phương án này, DN không cần phải khai trình lao động trong thời hạn 30 ngày kể từ khi bắt đầu hoạt động.

Về liên thông giữa cơ quan đăng ký kinh doanh và cơ quan BHXH, sau khi cấp GCNĐKDN, Hệ thống thông tin quốc gia về ĐKDN gửi thông tin về GCNĐKDN, giấy chứng nhận đăng ký đơn vị trực thuộc, số lượng lao động dự kiến, phương thức đóng BHXH cho cơ sở dữ liệu chuyên ngành về BHXH để phục vụ quản lý nhà nước về BHXH theo quy định của pháp luật. Mã số DN, mã số đơn vị trực thuộc được sử dụng làm mã số đơn vị BHXH. Khi DN, đơn vị trực thuộc đóng BHXH, cơ sở dữ liệu chuyên ngành về BHXH gửi thông tin về số lượng lao động đóng bảo hiểm xã hội của DN, đơn vị trực thuộc cho Hệ thống thông tin quốc gia về ĐKDN để theo dõi, quản lý theo quy định của pháp luật.

Đối với công tác phối hợp, liên thông giữa cơ quan đăng ký kinh doanh và cơ quan thuế trong sử dụng hóa đơn đặt in, tự in, Dự thảo Nghị định đề xuất, khi hồ sơ đăng ký thành lập DN, đăng ký hoạt động đơn vị trực thuộc đủ điều kiện để được cấp GCNĐKDN, giấy chứng nhận đăng ký đơn vị trực thuộc, Hệ thống thông tin quốc gia về ĐKDN gửi thông tin đăng ký thành lập DN, đăng ký hoạt động đơn vị trực thuộc cho Hệ thống thông tin quản lý thuế. Hệ thống thông tin quản lý thuế tự động tạo mã số DN, mã số đơn vị trực thuộc, phân cấp cơ quan thuế quản lý. Trên cơ sở thông tin do Hệ thống thông tin quản lý thuế phản hồi, cơ quan đăng ký kinh doanh cấp GCNĐKDN, giấy chứng nhận đăng ký đơn vị trực thuộc và gửi thông báo về cơ quan thuế quản lý, đến DN, đơn vị trực thuộc.

“Giải pháp liên thông này sẽ giúp cắt giảm được thủ tục DN phải gửi cho cơ quan thuế, tiết kiệm thời gian và chi phí cho DN. Nếu giải pháp trên được thực hiện, việc mua hoặc tự in hóa đơn VAT sẽ được rút ngắn còn 3 ngày, thay vì 10 ngày như hiện nay”, cơ quan đăng ký kinh doanh tính toán.

Để phù hợp với các đề xuất trên, Dự thảo Nghị định cũng đề xuất bãi bỏ quy định tại Khoản 1 Điều 8 Nghị định số 03/2014/NĐ-CP ngày 16/1/2014 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Bộ luật Lao động về việc làm. Đó là, trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày bắt đầu hoạt động, người sử dụng lao động phải khai trình việc sử dụng lao động với Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội hoặc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (đối với người sử dụng lao động thuộc khu công nghiệp) nơi đặt trụ sở, chi nhánh, văn phòng đại diện. Dự thảo Nghị định cũng đề xuất bãi bỏ quy định về cấp mã số đơn vị BHXH; bãi bỏ quy định tại Khoản 2 Điều 1 Thông tư số 37/2017/TT-BTC về hóa đơn đặt in…

Đánh giá cao đề xuất tại Dự thảo Nghị định, bà Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Nghiên cứu môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh thuộc Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, việc liên thông các thủ tục ĐKDN có thể khuyến khích thành lập DN mới. Bởi theo bà Thảo, dịch Covid-19 đang gây ra những khó khăn không nhỏ cho hoạt động sản xuất kinh doanh của DN. Rất có thể nhiều DN phải đóng cửa hoặc phải tái cơ cấu ngành nghề kinh doanh. Khi thủ tục gia nhập thị trường đơn giản, thuận lợi sẽ giúp DN có thêm động lực sẵn sàng khởi động kinh doanh.

Đại diện Ban Pháp chế thuộc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chia sẻ, so với Luật Công ty hay Luật DN trước đó, hiện rào cản gia nhập thị trường của DN đã giảm rất nhiều. Nếu hoạt động ĐKDN được đẩy lên một bước nữa với việc liên thông các thủ tục như đề xuất sẽ tạo thuận lợi rất lớn cho DN.

Tin cùng chuyên mục