Thêm trợ lực phát triển công trình xanh

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Phát triển công trình xanh đang là xu thế của thế giới trước những thách thức ngày càng lớn của biến đổi khí hậu. Tại Việt Nam, bên cạnh sự chủ động của chính doanh nghiệp, còn cần thêm những trợ lực chính sách để doanh nghiệp theo kịp và nắm được cơ hội từ xu thế này.
Việt Nam hiện có khoảng 500 công trình xanh với tổng diện tích sàn xây dựng trên 12 triệu m2. Ảnh: Lê Tiên
Việt Nam hiện có khoảng 500 công trình xanh với tổng diện tích sàn xây dựng trên 12 triệu m2. Ảnh: Lê Tiên

Nhiều cơ hội đầu tư

Theo Bộ Xây dựng, tính đến nay, Việt Nam có khoảng 500 công trình xanh với tổng diện tích sàn xây dựng trên 12 triệu m2, vượt chỉ tiêu đặt ra so với kế hoạch.

TS. Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA), Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS) nhận định, so với các quốc gia trong khu vực ASEAN, số lượng công trình xanh tại Việt Nam ở mức trung bình khá, nhưng còn rất khiêm tốn để góp phần đưa Việt Nam đạt cam kết giảm phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 và chiếm tỷ lệ rất nhỏ trong số lượng những dự án được xây dựng trong suốt thập niên vừa qua.

Ông Nguyễn Văn Đính cho rằng, các công trình xanh, tiết kiệm năng lượng, sử dụng vật liệu thân thiện với môi trường và có các giải pháp chống biến đổi khí hậu sẽ có sức hút mạnh mẽ khi nhận thức về môi trường và nhu cầu nâng cao chất lượng cuộc sống ngày càng tăng; nhu cầu từ tầng lớp trung lưu đang gia tăng, mở rộng nhanh chóng. Đây cũng là cơ hội đầu tư với tiềm năng tăng giá bền vững. Các nhà đầu tư ngày càng quan tâm đến các dự án xanh, bởi những lợi ích về tài chính, khả năng thu hồi vốn nhanh chóng và tạo ra lợi nhuận bền vững.

Nói riêng về vật liệu xây dựng xanh - một trong những yếu tố của xây dựng xanh, theo KS. Lê Cao Chiến - Viện Vật liệu xây dựng, Việt Nam đã và đang triển khai nhiều chính sách thúc đẩy phát triển công trình xanh, như Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh và phát triển bền vững, mở ra cơ hội cho các doanh nghiệp và nhà đầu tư trong ngành vật liệu xây dựng xanh. Cùng với đó, nhu cầu tăng cao từ xu hướng toàn cầu khi thị trường quốc tế ngày càng yêu cầu các sản phẩm và công trình đáp ứng tiêu chuẩn môi trường và bền vững đang và sẽ tạo cơ hội cho các nhà sản xuất và doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận các thị trường xuất khẩu với các sản phẩm vật liệu xanh.

Đại diện Vụ Vật liệu xây dựng thuộc Bộ Xây dựng cũng nhận định, việc doanh nghiệp đẩy mạnh đầu tư công trình xanh giúp nâng cao hình ảnh doanh nghiệp thể hiện trách nhiệm xã hội đối với cộng đồng; tạo uy tín trên thị trường; tạo được lợi thế cạnh tranh, nhất là trong các thị trường khó tính (yêu cầu chú trọng sử dụng sản phẩm xanh); có lợi thế cạnh tranh đối với việc cung cấp các sản phẩm cho quá trình đầu tư công.

Thêm chính sách thúc đẩy

Theo ông Nguyễn Văn Đính, một số khó khăn đối với doanh nghiệp khi đầu tư công trình xanh là nhận thức chưa đầy đủ về công trình xanh; chi phí đầu tư xây dựng tăng cao; ứng dụng khoa học công nghệ còn hạn chế; chưa nhận được sự hỗ trợ đầy đủ từ chính sách và các quy định pháp luật. Dù Việt Nam đã phê duyệt Chiến lược tăng trưởng xanh và phát triển bền vững, nhưng các giải pháp hỗ trợ để thực thi còn khó tiếp cận. Ví dụ như về hỗ trợ tài chính, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành nhiều văn bản quy định về tín dụng phù hợp mục tiêu bảo vệ môi trường, giảm phát thải carbon, hướng tới tăng trưởng xanh. Hoạt động thúc đẩy tăng trưởng tín dụng xanh và quản lý rủi ro môi trường và xã hội trong hoạt động cấp tín dụng cũng được nhiều ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng hưởng ứng. Tuy nhiên, do thiếu các quy định mang tính pháp luật cũng như những tiêu chí cụ thể về dự án bất động sản xanh nên nhiều doanh nghiệp và ngân hàng gặp không ít khó khăn khi triển khai các chương trình hỗ trợ tài chính xanh.

Nhiều chuyên gia đề xuất, cần nhanh chóng nghiên cứu, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật chuyên ngành điều chỉnh trực tiếp, toàn diện về phát triển dự án bất động sản xanh; xây dựng hệ thống tiêu chuẩn riêng dùng để đánh giá, xếp hạng đối với bất động sản xanh; tiếp tục nghiên cứu, ban hành thêm các cơ chế, chính sách ưu đãi cho các doanh nghiệp trực tiếp tham gia đầu tư, phát triển các dự án bất động sản xanh, các doanh nghiệp nghiên cứu, sản xuất vật liệu xây dựng xanh…

Về vật liệu xây dựng xanh, ông Lê Cao Chiến đề xuất các giải pháp như hoàn thiện hơn hệ thống tiêu chuẩn, định mức về sản xuất, sử dụng vật liệu xanh trong công trình xây dựng; xây dựng các cơ chế chính sách ưu đãi đối với việc sản xuất, kinh doanh, sử dụng sản phẩm vật liệu xây dựng được gắn nhãn xanh/nhãn sinh thái/vật liệu xanh…

Từ góc độ doanh nghiệp đã chủ động phát triển nhiều công trình xanh, bà Lưu Thị Thanh Mẫu - Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam, CEO Phuc Khang Corporattion đề xuất, Bộ Xây dựng cần ban hành 1 bộ công cụ đánh giá công trình xanh áp dụng riêng cho Việt Nam. Đồng thời, cần có quy định lộ trình bắt buộc thực hiện công trình xanh/dự án công trình xanh ở cả khu vực công và khu vực tư; cần có các quy định cụ thể về chính sách ưu đãi như vay lãi suất ưu đãi; thưởng diện tích sàn; thêm ưu đãi cho chủ thể phát hành trái phiếu xanh…

Đại diện Viglacera kiến nghị hỗ trợ giảm thuế cho doanh nghiệp sản xuất sản phẩm vật liệu xây dựng xanh. Thiết lập hàng rào kỹ thuật hàng nhập khẩu tạo sân chơi công bằng; cập nhật quy phạm kỹ thuật, thông báo giá kịp thời và tạo điều kiện sử dụng cho các công trình quốc gia...

Về phía cơ quan chức năng, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Minh Hà cho biết, Bộ Xây dựng sẽ triển khai nhiều giải pháp thúc đẩy công trình xanh. Cụ thể, phối hợp các bộ, ngành liên quan nghiên cứu trình Chính phủ ban hành quy định về danh mục dự án xanh trong đó có các dự án công trình xanh; quy định về danh mục dự án được tiếp cận nguồn tín dụng xanh; quy định về dán nhãn năng lượng cho vật liệu xây dựng vào nội dung dự thảo Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong năm 2025. Đồng thời, tổ chức triển khai và hướng dẫn các địa phương, doanh nghiệp, chủ đầu tư trong việc áp dụng các tiêu chí công trình xanh trong quá trình đánh giá, phân loại đô thị, phân hạng nhà chung cư, phát triển các dự án nhà ở xã hội theo tiêu chí công trình xanh; nghiên cứu để công bố suất vốn đầu tư cho đầy đủ các loại hình công trình để tạo điều kiện cho các chủ thể xác định chi phí đầu tư xây dựng công trình xanh…

Tin cùng chuyên mục