Theo sát diễn biến kinh tế để điều hành kịp thời

(BĐT) - Kinh tế 4 tháng đầu năm 2018 tiếp tục xu hướng tích cực, góp phần củng cố niềm tin của thị trường, của nhà đầu tư và nhân dân. 
Công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục là lĩnh vực thu hút FDI nhiều nhất. Ảnh: Lê Tiên
Công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục là lĩnh vực thu hút FDI nhiều nhất. Ảnh: Lê Tiên

Tuy nhiên, 2/3 chặng đường còn lại, theo lãnh đạo Chính phủ, để hoàn thành kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội cả năm, còn rất nhiều nhiệm vụ nặng nề, đòi hỏi sự quyết liệt, sát sao trong chỉ đạo, sự tích cực, trách nhiệm trong thực thi.

Sản xuất kinh doanh tăng trưởng tốt

Tại cuộc Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 4 diễn ra chiều qua (3/5), Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, tại phiên họp Chính phủ tháng 4, Thủ tướng và các thành viên Chính phủ thống nhất đánh giá kinh tế - xã hội tháng 4 tiếp tục có xu hướng tích cực và toàn diện. Niềm tin của thị trường, của nhân dân được củng cố, các tổ chức trong và ngoài nước đánh giá môi trường kinh doanh của Việt Nam đang có những cải thiện đáng kể.

Theo Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), các ngành, lĩnh vực chính yếu tiếp tục phát triển. Đặc biệt, chỉ số sản xuất công nghiệp 4 tháng tăng 11,4%, trong đó ngành chế biến, chế tạo tăng 14%. Công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục là lĩnh vực thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) nhiều nhất trong 4 tháng qua, với số vốn đăng ký mới đạt 1.926,1 triệu USD, chiếm 54,2% tổng vốn FDI đăng ký cấp mới. Nếu tính cả vốn đăng ký bổ sung của các dự án đã cấp phép từ các năm trước thì vốn FDI vào ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong 4 tháng qua đạt 3.945 triệu USD, chiếm 68% tổng vốn đăng ký.

Nhiều con số ấn tượng khác cho thấy bức tranh kinh tế 4 tháng phát triển khá toàn diện, đó là tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng gần 10%; xuất khẩu 4 tháng đạt gần 74 tỷ USD, tăng khoảng 20%, xuất siêu 3,39 tỷ USD; dự trữ ngoại hối đạt kỷ lục 63 tỷ USD; cả nước có trên 41.000 doanh nghiệp (DN) đăng ký thành lập mới và 11.000 DN hoạt động trở lại với tổng số vốn đăng ký mới bổ sung trên 1,16 triệu tỷ đồng…

Chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) toàn phần lĩnh vực sản xuất Việt Nam của Nikkei tháng 4 cũng đã tăng lên 52,7 điểm, so với mức 51,6 điểm của tháng 3, cho thấy sự cải thiện mạnh mẽ về các điều kiện kinh doanh. Sức khỏe của lĩnh vực sản xuất đã mạnh lên trong suốt 29 tháng qua. Theo đánh giá của đại diện IHS Markit, công ty thu thập kết quả khảo sát PMI, khả năng duy trì mức tăng số lượng đơn đặt hàng mới của các nhà sản xuất Việt Nam là điểm đáng chú ý nhất trong kỳ khảo sát PMI mới nhất, với số lượng đơn đặt hàng mới tăng đặc biệt mạnh trong tháng 4. 

Tiếp tục cải cách mạnh mẽ môi trường kinh doanh

Nhận định về tăng trưởng trung hạn, Tổ tư vấn của Thủ tướng cho rằng, GDP 3 năm tới có thể tăng trưởng ở mức 6,85%. Tổ tư vấn khuyến nghị các chính sách kinh tế năm 2018 và các năm tiếp theo cần tiếp tục ưu tiên mục tiêu hỗ trợ DN giảm chi phí, nâng cao năng lực cạnh tranh, thúc đẩy sản xuất kinh doanh; đồng thời kiến nghị chưa tăng thuế đối với DN để đạt mục tiêu đề ra.

Tuy kết quả phát triển kinh tế - xã hội đến thời điểm này và dự báo cả năm khá tích cực, nhưng Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết, Thủ tướng vẫn đặc biệt lưu ý nhiệm vụ thời gian tới còn hết sức nặng nề trong bối cảnh tình hình thế giới và trong nước nhiều bất ổn, khó lường, nhất là xu hướng bảo hộ mậu dịch, dựng hàng rào thuế quan đối với một số mặt hàng mà ta có thế mạnh… Tuy lạm phát các tháng đầu năm được kiểm soát tốt nhưng Thủ tướng nhấn mạnh phải cảnh giác, thận trọng với những diễn biến của giá cả trong nước và thế giới, đặc biệt là giá dầu. “Kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô luôn là mục tiêu được quan tâm”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết.

Theo người phát ngôn của Chính phủ, Thủ tướng đã có nhiều chỉ đạo đối với các bộ, ngành, địa phương để tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm hoàn thành nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Thủ tướng cũng yêu cầu các bộ liên quan phải theo dõi, cập nhật thường xuyên các biến động, diễn biến kinh tế, xây dựng các kịch bản kịp thời để có giải pháp điều hành phù hợp. Trong thực thi công vụ, chính sách cũng phải bảo đảm “trên nóng, dưới nóng, ở giữa cũng phải nóng”, cấp trung gian, cấp tham mưu phải quyết liệt hơn, không để tình trạng vô trách nhiệm xảy ra trong phục vụ nhân dân, phục vụ sản xuất kinh doanh.

 Trong đó, Thủ tướng yêu cầu việc cắt giảm các điều kiện kinh doanh của các bộ phải thực chất, không được cắt ở nghị định rồi lại chuyển vào thông tư. Đồng thời, phải đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, đổi mới sáng tạo trong cải cách thủ tục hành chính, thực hiện các dịch vụ công. Luôn đổi mới sáng tạo, chấp nhận từ bỏ cái cũ để thay đổi có lợi cho người dân là chỉ đạo quan trọng được người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh tại phiên họp.        

Tin cùng chuyên mục