Lượng thép nhập khẩu từ Trung Quốc chiếm 68,3% về lượng và 61% về kim ngạch nhập khẩu thép vào Việt Nam. Ảnh: Nhã Chi |
Thép nhập khẩu tăng mạnh
Đề cập về năng lực sản xuất của DN trong nước, ông Nghiêm Xuân Đa, Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cho biết, ngành thép không những đáp ứng được nhu cầu của nền kinh tế mà còn xuất khẩu đến trên 30 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Năm 2023, Việt Nam sản xuất được gần 19,3 triệu tấn thép thô, đứng vị trí số 1 Đông Nam Á và đứng thứ 12 toàn cầu theo bảng xếp hạng của Hiệp hội Thép thế giới (WSA).
Tuy nhiên, thị trường thép toàn cầu mấy năm trở lại đây luôn trong tình trạng cung vượt cầu. Ở trong nước, thị trường bất động sản, xây dựng… vẫn trầm lắng. “Đặc biệt, các sản phẩm thép NK vào Việt Nam xuất hiện hành vi cạnh tranh không lành mạnh, ảnh hưởng tiêu cực đến ngành sản xuất thép trong nước”, ông Đa cho biết.
Theo thống kê của Hiệp hội Thép, năm 2023, NK thép thành phẩm các loại về Việt Nam đạt khoảng 13,5 triệu tấn với trị giá hơn 10,5 tỷ USD, tăng 14,3% về lượng và giảm 10% về giá trị so với năm 2022. Về thị trường NK, sản lượng thép NK từ Trung Quốc tăng mạnh kể từ 2021 đến nay. Tỷ trọng NK từ quốc gia này tăng từ 39% trong năm 2021 lên 44,3% trong năm 2022 và lên 62,3% trong năm 2023.
Trong 4 tháng đầu năm nay, sản lượng thép thành phẩm các loại NK vào Việt Nam đạt hơn 5,37 triệu tấn với trị giá hơn gần 3,9 tỷ USD, tăng 42,54% về lượng và tăng 22,86% về giá trị so với cùng kỳ năm trước. Đặc biệt, lượng thép NK từ Trung Quốc đạt 3,67 triệu tấn, với kim ngạch NK là 2,36 tỷ USD, chiếm 68,3% về sản lượng và 61% về kim ngạch NK thép vào Việt Nam.
Cập nhật sơ bộ về tình hình NK hàng hóa của Việt Nam nửa đầu năm nay, Tổng cục Hải Quan cho hay, từ ngày 1/1 - 15/6/2024, giá trị NK sắt thép các loại đạt 5,51 tỷ USD, tăng 1,18 tỷ USD (27,3%) so với cùng kỳ năm 2023.
Lý giải về nguyên nhân thép giá rẻ “ồ ạt” tràn vào thị trường Việt Nam, đại diện một DN sản xuất và kinh doanh thép cho biết, Trung Quốc là một trong các quốc gia sản xuất thép lớn nhất thế giới, tuy nhiên, nhu cầu thép xây dựng nội địa của nước này trong thời gian qua vẫn thấp, thiếu động lực tăng trưởng trong xây dựng hạ tầng khiến nguồn cung dư thừa, buộc phải đẩy mạnh xuất khẩu để giảm tồn kho. Hơn nữa, Trung Quốc còn có chính sách hỗ trợ thuế đối với các DN XK… nên thép Trung Quốc cạnh tranh gay gắt với thép trong nước.
Bảo vệ sản xuất trong nước thế nào?
Nửa đầu năm nay, một số DN sản xuất thép cán nóng (HRC) trong nước như Tập đoàn Hòa Phát và Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh... đã gửi hồ sơ đến Cục Phòng vệ thương mại (PVTM) thuộc Bộ Công Thương đề nghị khởi xướng điều tra chống bán phá giá đối với sản phẩm thép cán nóng HRC nhập khẩu từ Trung Quốc vào Việt Nam nhằm ngăn chặn hành vi cạnh tranh không lành mạnh.
Nhìn vào việc thép giá rẻ NK vào thị trường Việt Nam tăng mạnh trong nửa đầu năm nay, trong đó có HRC, đại diện VSA nhấn mạnh, Hiệp hội luôn nhất quán quan điểm ủng hộ lợi ích chính đáng của các DN thành viên, bảo vệ ngành sản xuất trong nước.
VSA kiến nghị, cơ quan quản lý cần tăng cường áp dụng các biện pháp PVTM và biện pháp kỹ thuật để bảo vệ sản xuất trong nước, tạo nên môi trường kinh doanh cạnh tranh công bằng.
Theo Cục PVTM, đến nay, Cục đã tiếp nhận hồ sơ đầy đủ, hợp lệ yêu cầu điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với sản phẩm thép cán nóng từ thị trường Trung Quốc, Ấn Độ. Cục PVTM đang tiếp tục thực hiện xử lý theo quy định.
Phó Cục trưởng Cục PVTM Chu Thắng Trung cho biết, trước bối cảnh nhiều hàng hóa NK có dấu hiệu bán phá giá hoặc được trợ cấp, gây thiệt hại cho DN sản xuất trong nước, công tác khởi kiện, điều tra, áp dụng các biện pháp PVTM tiếp tục được đẩy mạnh trong 6 tháng đầu năm nay.
Về công tác kháng kiện, Bộ Công Thương cũng thường xuyên cập nhật danh sách cảnh báo các mặt hàng có nguy cơ bị điều tra PVTM, chống lẩn tránh PVTM gửi các đơn vị liên quan theo dõi; đăng tin cảnh bảo nguy cơ điều tra chống bán phá giá; đẩy mạnh cảnh báo sớm cũng như hỗ trợ DN ứng phó với các vụ việc PVTM do nước ngoài khởi xướng điều tra đối với hàng hóa xuất khẩu.
Theo Bộ Công Thương, đến nay, Bộ đã khởi xướng điều tra 28 vụ việc PVTM và đã áp dụng 22 biện pháp với hàng hóa NK. Trong 6 tháng đầu năm 2024 đã triển khai công tác điều tra, rà soát các vụ việc PVTM, trong đó: tiếp tục điều tra, rà soát 7 vụ việc đã khởi xướng trong năm 2023; khởi xướng điều tra 1 vụ việc mới; tiếp nhận và xử lý 7 hồ sơ đề nghị điều tra và rà soát mới.
Hiện tại, có 4 biện pháp PVTM đang có hiệu lực với các sản phẩm thép NK; 1 biện pháp PVTM với sản phẩm liên quan tới thép (vật liệu hàn); 2 vụ việc đang trong quá trình điều tra liên quan tới sản phẩm cáp thép dự ứng lực và tháp điện gió. Đồng thời, Bộ đang tiến hành rà soát cuối kỳ việc áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với sản phẩm thép không gỉ cán nguội (AD01) và thép phủ màu (AD04) để đánh giá hiệu quả biện pháp cũng như khả năng tiếp tục gia hạn biện pháp thêm 5 năm. Dự kiến trong tháng 10/2024 sẽ có kết quả rà soát.