Bà Thạch Lê Anh, Chủ nhiệm Đề án Thung lũng Silicon Việt Nam. Ảnh: Lê Tiên
Đây là lần thứ 2 tôi tham dự Diễn đàn Cải cách và Phát triển Việt Nam. VRDF năm 2018 có nhắc đến đổi mới sáng tạo nhưng dường như nhiều người vẫn chưa có suy nghĩ đúng về điều này. Ở Diễn đàn năm nay, tôi thấy cảm nhận của mọi người đã khác, cách tiếp cận vấn đề đã thay đổi, tiếp cận đúng bản chất của đổi mới sáng tạo và đúng xu thế của thế giới hơn. Cần hiểu rằng, đổi mới sáng tạo phải gắn liền với khu vực tư nhân, đầu tư tư nhân, đầu tư mạo hiểm.
Tôi rất hy vọng, những diễn đàn như thế này sẽ giúp thay đổi cách nhìn và tạo những thay đổi cần thiết để hình thành thị trường đổi mới sáng tạo thực sự, với hỗ trợ từ thị trường vốn dành cho đổi mới sáng tạo trên nền tảng một bộ luật về đầu tư mạo hiểm. Nếu luật này được ban hành thì thị trường vốn cho đổi mới sáng tạo mới khả thi.
Theo bà, đổi mới sáng tạo tác động như thế nào đến sự phát triển của kinh tế Việt Nam?
Phát triển nền kinh tế theo hướng thị trường không thể thiếu vai trò của công nghệ và sáng tạo. Đó là những thứ chưa từng có, đi trước và nhiều khả năng mang lại hiệu quả vượt trội. Mọi sự thay đổi của kinh tế - xã hội đều cần có cái mới, cần bước đột phá, đây đã là quy luật từ muôn đời nay. Thử hình dung, nếu không có đổi mới sáng tạo, không có công nghệ thì làm sao chúng ta có thế giới hiện đại như bây giờ?
Theo bà, các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo (startup) Việt Nam cần điều gì nhất ở thời điểm hiện nay?
Với Việt Nam, chúng ta đang ở thời kỳ dân số vàng, các bạn trẻ có rất nhiều ý tưởng và giải pháp mới mẻ, mang tính đột phá. Trong khi đó, chúng ta có nhiều vấn đề cần giải quyết về cả kinh tế và xã hội. Nhiều vấn đề nước khác không gặp phải mà Việt Nam lại đang đối mặt. Do đó, chúng ta cần có các giải pháp để giải quyết. Cách tốt nhất là tận dụng nguồn lực này để phát triển, có thể bắt đầu từ việc Chính phủ đặt hàng các startup để tìm ra giải pháp hợp lý nhất.
Tuy nhiên, startup vẫn cần nguồn lực, nguồn lực trước hết chính là nguồn vốn, đặc biệt là vốn từ kinh tế tư nhân, chứ vốn của Chính phủ là không đủ. Đó chính là nguồn vốn mồi từ các quỹ đầu tư tư nhân, do đó cần gây dựng cộng đồng các quỹ đầu tư thiên thần làm bệ đỡ cho các startup. Đây chính là đầu tư mạo hiểm.
Liên quan đến nội dung này, các nước phát triển nhờ công nghệ đều đã có luật riêng về đầu tư mạo hiểm. Trong khi ở Việt Nam hiện nay, khái niệm đầu tư cho startup được quy định trong Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Cách quy định như vậy là chưa phù hợp. Startup không hẳn là doanh nghiệp nhỏ và vừa, họ đưa ra mô hình mới, cách kinh doanh mới, do đó họ cần hoạt động với nguồn vốn đầu tư mạo hiểm và cần có luật riêng cho vốn này.
Theo bà, sự phát triển của các startup Việt Nam và nền kinh tế Việt Nam đã đủ độ “chín” để xây dựng một bộ luật như vậy chưa?
Theo tôi, chúng ta nên học theo các nước về việc lập khu tập trung thử nghiệm cho các mô hình đổi mới sáng tạo, tích cực xây dựng hành lang pháp lý hợp lý cho các mô hình kinh doanh mới này. Đây là thời điểm rất cần thiết để làm việc này, bởi chúng ta đã chứng kiến không ít startup Việt Nam phải sang nước ngoài để thành lập doanh nghiệp, không ít nhà đầu tư Việt Nam đã phải sang nước ngoài để lập quỹ đầu tư mạo hiểm. Vậy tại sao chúng ta không thay đổi để có thị trường vốn cho startup và các nhà đầu tư mạo hiểm Việt Nam?
Đến nay, luật về đầu tư mạo hiểm vẫn còn là khái niệm xa lạ ở Việt Nam, theo quan sát của bà, các cơ quan chức năng đã quan tâm đến điều này chưa?
Nhiều diễn đàn đã đề cập đến nội dung này song vẫn chưa nhìn thấy các hành động cụ thể. Tôi cũng kỳ vọng, qua VRDF 2019, khái niệm và ý tưởng về đầu tư mạo hiểm và thị trường vốn cho doanh nghiệp đổi mới sáng tạo sẽ được hiện thực hoá.