Ảnh Internet |
Tuy nhiên, một trong những điều quan trọng để Việt Nam thành công là tham nhũng phải được kiểm soát, khung khổ pháp lý phải ổn định và có thể dự đoán được.
Sau đại dịch Covid-19, ông nghĩ thế nào về môi trường đầu tư của Việt Nam so với các nước khác?
Đại dịch đã hoàn toàn làm đảo lộn cuộc sống và nền kinh tế trên khắp hành tinh, hạn chế di chuyển, đóng cửa trường học, buộc mọi người phải làm việc tại nhà và gây nguy hiểm cho việc làm của hàng triệu người. Cộng đồng doanh nghiệp Hoa Kỳ rất biết ơn lãnh đạo Việt Nam đã thực hiện các bước nghiêm túc và phù hợp để giảm thiểu thiệt hại do Covid-19. Đến nay, các hành động của Chính phủ đã ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh một cách hiệu quả.
Các thành viên AmCham hoan nghênh các gói hỗ trợ áp dụng cho các ngành bị ảnh hưởng lớn như vận tải hành khách, dịch vụ lưu trú, nhà hàng và một số lĩnh vực khác. Tuy nhiên, chúng tôi đang làm việc với các cơ quan Chính phủ để xem xét một danh sách toàn diện hơn về các ngành đủ điều kiện nhận hỗ trợ.
Các công ty và nhà đầu tư Mỹ từ lâu đã phàn nàn về các chính sách thương mại và công nghiệp của Trung Quốc khiến doanh nghiệp Mỹ gặp bất lợi trong cạnh tranh. Các vấn đề như chi phí cao hơn, rủi ro ngày càng tăng và cảm giác không công bằng vẫn gây quan ngại với nhiều công ty nước ngoài hoạt động tại Trung Quốc.
Trước đại dịch Covid-19, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đã nêu bật những lo ngại về việc tập trung sản xuất ở một quốc gia duy nhất. Đại dịch đã làm cho những mối quan tâm đó rõ ràng hơn với mọi người. Trong 18 tháng qua, Mỹ đã chọn một số chuỗi cung ứng dịch chuyển ra khỏi Trung Quốc và tôi hy vọng các công ty sẽ tiếp tục dịch chuyển sản xuất ra khỏi quốc gia này và tới các nước khác như Việt Nam. Việc ứng phó hiệu quả với đại dịch sẽ tiếp tục nâng cao vị thế của Việt Nam như một thị trường hấp dẫn.
Theo ông, Việt Nam nên làm gì để cải thiện môi trường đầu tư và thu hút thêm vốn FDI?
Hiện tại là thời điểm tuyệt vời để Việt Nam hợp tác với Mỹ trong việc đưa cơ sở hạ tầng hiện đại, hiệu quả vào trong nước, qua đó cải thiện khả năng cạnh tranh của Việt Nam. Có rất nhiều điều Chính phủ có thể làm ngay bây giờ để Việt Nam trở nên hấp dẫn hơn đối với FDI.
Chẳng hạn, cần tăng tốc sử dụng chính phủ điện tử, thương mại điện tử, ngân hàng điện tử, fintech, điện toán đám mây hiện đại và giảm tổng thể giấy và tiền mặt cho tất cả các doanh nghiệp. Việc tăng tốc thực hiện các mục tiêu kinh tế số này sẽ giúp giảm đáng kể chi phí hành chính và gánh nặng thời gian cho tất cả doanh nghiệp, từ đó thu hút các nhà đầu tư mới.
Một lĩnh vực đầy hứa hẹn khác là tiếp tục phát triển cơ sở hạ tầng, đặc biệt là các dự án sạch. Cải thiện quản lý chất thải và chất lượng không khí ở Việt Nam bằng cách đẩy nhanh việc sử dụng năng lượng sạch, phương tiện sạch, nông nghiệp sạch sẽ giúp xây dựng một nền kinh tế tuần hoàn mạnh mẽ hơn, thúc đẩy tạo việc làm.
Ngoài ra, các giới hạn với đầu tư nước ngoài, khung pháp lý hạn chế quá mức về các quy định điều chỉnh doanh nghiệp và các thủ tục hành chính nặng nề cần được xem xét cẩn thận và nới lỏng có chọn lọc để khuyến khích đầu tư nước ngoài và hỗ trợ phục hồi kinh tế.
Các nhà đầu tư Mỹ vẫn lạc quan về triển vọng kinh doanh tại Việt Nam. Tuy nhiên, chúng ta sống trong một thế giới cạnh tranh, hầu như mọi quốc gia trong khu vực đang nỗ lực phát triển một nền kinh tế hiện đại, điều này sẽ thu hút đầu tư trong tương lai và việc làm lương cao cho người dân của họ.
Để Việt Nam thành công, tham nhũng phải được kiểm soát, khung khổ pháp lý phải ổn định và có thể dự đoán được.
Các thành viên AmCham vẫn quan ngại về những thay đổi trong chính sách và quy định không phù hợp với thông lệ quốc tế. Những thay đổi này khiến nhiều nhà đầu tư gặp rủi ro và trở ngại đáng kể trong việc thực hiện đầu tư của họ.
AmCham tiếp tục khuyến khích cải tiến liên tục trong phát triển cơ sở hạ tầng, bảo vệ sở hữu trí tuệ, cải cách giáo dục, bảo đảm chính sách pháp luật và thuế, tăng cường tính minh bạch tại Việt Nam. Tiến bộ trong các lĩnh vực này không chỉ giúp thu hút thêm đầu tư nước ngoài, mà còn hỗ trợ cho mong muốn thúc đẩy năng lực cạnh tranh của Việt Nam.
Cộng đồng doanh nghiệp Mỹ luôn sát cánh cùng người dân Việt Nam. Chúng tôi cam kết bảo đảm việc kinh doanh không bị gián đoạn nhiều hơn mức cần thiết trong cuộc khủng hoảng này và tiếp tục hiện thực hóa những cơ hội mới cho tương lai.