Thu hút đầu tư nước ngoài vào y tế, dược phẩm: Chọn cách để đồng lợi

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Lĩnh vực dược phẩm, y tế đã và đang cho thấy sức hấp dẫn lớn với các nhà đầu tư nước ngoài những năm gần đây. Trong bối cảnh đó, các doanh nghiệp dược phẩm nội địa có thể chủ động nâng cao năng lực cạnh tranh và tìm kiếm các đối tác phù hợp để hợp tác cùng phát triển, thay vì bị động chờ đợi và có thể trở thành mục tiêu cho các thương vụ M&A “kém thân thiện”.
Nhiều doanh nghiệp Việt Nam huy động được nguồn vốn quốc tế để đầu tư nâng cao năng lực sản xuất thuốc Ảnh: Tiên Giang
Nhiều doanh nghiệp Việt Nam huy động được nguồn vốn quốc tế để đầu tư nâng cao năng lực sản xuất thuốc Ảnh: Tiên Giang

Dược phẩm, y tế hấp dẫn nhà đầu tư ngoại

Giữa tháng 3/2024, ASKA Pharmaceutical Co., Ltd (Nhật Bản) đã báo cáo hoàn tất mua 1.089.400 cổ phiếu của Công ty CP Dược phẩm Hà Tây (Dược Hà Tây) để nâng tỷ lệ sở hữu lên 34,99%. Chỉ trong chưa đầy 3 tháng (từ cuối tháng 12/2023 đến giữa tháng 3/2024), ASKA đã tăng tỷ lệ sở hữu tại Dược Hà Tây thêm hơn 10% và tiến sát ngưỡng sở hữu quyền phủ quyết các vấn đề quan trọng tại đại hội đồng cổ đông của doanh nghiệp (mức 35%).

ASKA - một trong những nhà sản xuất dược phẩm lớn và lâu năm tại Nhật Bản đã trở thành cổ đông lớn của Dược Hà Tây từ tháng 1/2021 sau một đợt phát hành riêng lẻ huy động vốn xây dựng Nhà máy sản xuất dược phẩm công nghệ cao Hataphar tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc, TP. Hà Nội. Với động thái mua vào liên tục thời gian qua, nhiều khả năng mục tiêu sở hữu của ASKA tại Dược Hà Tây sẽ chưa dừng lại ở mức 34,99%.

Việc tăng cường đầu tư của ASKA vào Dược Hà Tây là thương vụ mua bán và sáp nhập (M&A) mới nhất của các nhà đầu tư nước ngoài vào doanh nghiệp dược phẩm Việt Nam, vốn diễn ra khá sôi động trong những năm gần đây.

Tại Công ty CP Traphaco, ngay trước thời điểm kết thúc năm 2023 (ngày 26/12/2023), hãng đông dược lớn nhất Việt Nam này đã đón thêm cổ đông lớn nước ngoài mới là Access S.A., SICAV-SIF - Asia Top Picks (Luxembourg) với tỷ lệ sở hữu 5,0036%. Trước đó, Traphaco đã được Magbi Fund Limited (Hong Kong) và Super Delta Pte Ltd (Singapore) - 2 pháp nhân đại diện cho các quỹ đầu tư Mirae Asset và Daewoong Pharmaceutical đến từ Hàn Quốc mua vào lần lượt 25% và 15,12% cổ phần. Cho tới nay, tổng tỷ lệ sở hữu của các nhà đầu tư nước ngoài tại Traphaco lên tới 46,6%.

Lĩnh vực dược phẩm, y tế đã và đang cho thấy sức hấp dẫn lớn với các nhà đầu tư nước ngoài với nhiều thương vụ M&A được thực hiện. Chẳng hạn, thương vụ CFR International SPA (Mỹ) nâng sở hữu tại Công ty CP Xuất nhập khẩu y tế Domesco (Domesco) lên 51% từ năm 2016, sau đó chuyển giao cho Abbott Laboratories. Cũng trong năm 2016, Abbott đã mua Công ty CP Dược phẩm Glomed, một trong những nhà sản xuất dược phẩm lớn tại Việt Nam.

Tại Công ty CP Dược Hậu Giang, Taisho Pharmaceutical Co., Ltd (Nhật Bản) đã đầu tư từ năm 2016 và tăng tỷ lệ sở hữu vượt 51% từ năm 2019. Tại Công ty CP Pymepharco, Stada Service Holding B.V - công ty con của Tập đoàn Dược phẩm STADA Arzneimittel AG (Đức) đã tăng tỷ lệ sở hữu tới 99,5% vào tháng 2/2021. Tại Công ty CP Dược phẩm Imexpharm, Quỹ đầu tư SK Investment Vina III thuộc SK South East Asia Investment, thành viên SK Group (Hàn Quốc) đang là cổ đông lớn nhất sở hữu 47,7% vốn điều lệ. Cùng với 2 tổ chức khác có liên quan là Công ty CP Đầu tư Bình Minh Kim và Công ty CP Đầu tư KBA lần lượt sở hữu 9,7% và 7,4%, tổng tỷ lệ sở hữu của nhóm SK tại Imexpharm hiện đã lên tới 64,8%.

Sức hấp dẫn của ngành dược phẩm và thiết bị y tế Việt Nam với các nhà đầu tư nước ngoài được đánh giá đến từ một số yếu tố.

Thứ nhất, ngành dược phẩm và thiết bị y tế có tốc độ tăng trưởng nhanh và còn nhiều dư địa tăng trưởng trong dài hạn nhờ quy mô dân số đông, xu hướng già hóa và thu nhập tăng tương ứng với nhu cầu gia tăng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe. Theo số liệu của FitchSolution, tổng chi tiêu cho y tế tại Việt Nam đã tăng từ 16,1 tỷ USD lên đến 22 tỷ USD trong giai đoạn 2017 - 2022. Tốc độ tăng trưởng bình quân của ngành trong thời gian tới được dự báo nằm trong khoảng 8 - 10% mỗi năm.

Thứ hai, ngành dược phẩm, y tế đang được Nhà nước coi trọng, ưu tiên phát triển, cùng hệ thống chính sách, pháp luật dần hoàn thiện giúp hỗ trợ hoạt động của các doanh nghiệp. Chẳng hạn, Nghị quyết số 29-NQ/TW về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 coi công nghiệp sinh học (tập trung vào gen, dược phẩm và các chế phẩm sinh học) là một trong những ngành mũi nhọn. Hàng loạt luật mới như Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2023, Luật Đấu thầu 2023, Luật Dược (đang được lấy ý kiến sửa đổi, bổ sung) sẽ tạo ra hệ thống pháp luật đồng bộ và cập nhật thực tiễn, giúp doanh nghiệp hoạt động thuận lợi.

Thứ ba là chính sách mở cửa trong việc thu hút nhà đầu tư nước ngoài. Chẳng hạn, Chiến lược quốc gia phát triển ngành dược Việt Nam giai đoạn đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045 được phê duyệt tháng 10/2023, Quy hoạch phát triển mạng lưới cơ sở y tế thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 vừa được phê duyệt tháng 2/2024 đều có chủ trương thu hút đầu tư nước ngoài, khuyến khích chuyển giao công nghệ… Trước đó, lĩnh vực dược phẩm được đưa vào nhóm không bị giới hạn tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài giúp thúc đẩy hàng loạt thương vụ M&A trong lĩnh vực này.

Trong thời gian tới, định hướng thoái vốn nhà nước tại nhiều doanh nghiệp dược sẽ là yếu tố giúp hoạt động M&A thêm sôi động. Domesco là một cái tên đáng chú ý trong danh sách 27 doanh nghiệp bán vốn đợt 1 năm 2024 mà Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) công bố tháng 3/2024. Hiện nay, tỷ lệ sở hữu của SCIC tại Domesco là 35% - mức đủ lớn để hấp dẫn cả cổ đông hiện hữu tăng tỷ lệ sở hữu hoặc nhà đầu tư mới. SCIC cũng dự kiến bán vốn tại Công ty CP Dược Khoa (SCIC hiện sở hữu 5%). Ngoài ra, trong danh mục của SCIC còn có một số doanh nghiệp dược lớn thuộc TOP đầu gồm: Dược Hậu Giang, Traphaco và Tổng công ty Dược Việt Nam.

Lĩnh vực dược phẩm, y tế đã và đang cho thấy sức hấp dẫn lớn với nhà đầu tư nước ngoài

Lĩnh vực dược phẩm, y tế đã và đang cho thấy sức hấp dẫn lớn với nhà đầu tư nước ngoài

Chủ động tìm kiếm đối tác, hướng đến sự đồng lợi

Lãnh đạo Dược Hậu Giang cho biết, ngay sau khi đầu tư vào doanh nghiệp, Taisho đã giúp nâng cấp các dây chuyền đạt tiêu chuẩn quốc tế PIC/S và Japan-GMP, cải tiến hệ thống quản trị sản xuất, cử nhân sự tham gia ban điều hành cấp cao và giữ một số vị trí quan trọng trong doanh nghiệp, đồng thời cử đội ngũ sang đào tạo các chuyên viên nghiên cứu phát triển. Sự tham gia của Taisho giúp Dược Hậu Giang sở hữu 2 trong số 3 dây chuyền đạt chứng nhận Japan-GMP trên toàn quốc vào tháng 10/2020. Bước tiến này giúp sản phẩm của Công ty được chấp nhận ở nhiều thị trường hơn. Doanh thu xuất khẩu giai đoạn 2017 - 2022 tăng trưởng bình quân gần 20%/năm.

Tại Traphaco, sau khi ký kết hợp tác chiến lược, Daewoong Pharmaceuticals (Hàn Quốc) và Traphaco dự kiến sẽ thực hiện 8 giai đoạn chuyển giao công nghệ với khoảng 70 sản phẩm thuốc tân dược, thuộc các nhóm thuốc có dung lượng thị trường lớn nhất Việt Nam. Theo Trung tâm Phân tích và Tư vấn đầu tư - Công ty CP Chứng khoán SSI, Traphaco vẫn đang đàm phán để nhận chuyển giao thêm các sản phẩm ngoài đông dược từ Daewoong trong mảng thuốc kháng sinh, hô hấp, tim mạch, cũng như đầu tư vào các nghiên cứu sinh học (như Timaro, RebaTot, UDCA) và mở rộng danh mục sản phẩm thuốc nhập khẩu/kinh doanh bằng cách kết hợp mạng lưới các nhà sản xuất toàn cầu của Daewoong và mạng lưới phân phối rộng của Traphaco.

Tại Imexpharm, SK Group đang tham gia sâu hơn vào việc quản trị doanh nghiệp. Sự đầu tư từ SK được đánh giá góp phần giúp Imexpharm đủ năng lực mở rộng việc hợp tác với các đối tác quốc tế để chuyển giao công nghệ, đa dạng hóa danh mục sản phẩm. Tháng 2/2024, Imexpharm công bố ký kết thỏa thuận hợp tác chiến lược với Genuone Sciences Inc - tập đoàn dược phẩm đến từ Hàn Quốc. Theo đó, hai bên sẽ hợp tác đăng ký, sản xuất và phân phối thuốc tại Việt Nam và tiếp đó là chuyển giao công nghệ, trong đó bao gồm hoạt động chuyển giao công nghệ tiên tiến từ Genuone sang Imexpharm.

Dược phẩm là lĩnh vực đòi hỏi chi phí đầu tư nghiên cứu và phát triển (R&D) lớn, thị phần nhóm thuốc chất lượng cao bao gồm biệt dược gốc, thuốc điều trị… hiện gần như hoàn toàn thuộc về các doanh nghiệp nước ngoài. Trong bối cảnh doanh nghiệp nội địa còn hạn chế về quy mô, yếu về năng lực tài chính cũng như kinh nghiệm R&D, việc tìm kiếm hợp tác với các đối tác ngoại mạnh về tài chính, kinh nghiệm và nhân lực chất lượng cao là một giải pháp để thúc đẩy năng lực sản xuất của doanh nghiệp trong nước, tăng lợi thế cạnh tranh và mở rộng thị trường.

Tuy nhiên, để đối tác ngoại rót vốn vào doanh nghiệp nội đòi hỏi các doanh nghiệp phải có sự chủ động nâng cao năng lực cạnh tranh, chủ động tạo thế mạnh và giá trị riêng của mình. Thành công trong việc kết hợp với đối tác ngoại phát triển công ty tại Dược Hậu Giang, Imexpharm hay Traphaco… là bài học kinh nghiệm cho các doanh nghiệp dược phẩm, y tế.

Tin cùng chuyên mục