Khơi thông chính sách cho ngành thuốc và thiết bị y tế vươn tầm

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Sau khi Luật Khám bệnh, chữa bệnh, Luật Đấu thầu (sửa đổi) và các văn bản hướng dẫn được ban hành, Luật Dược, Luật Bảo hiểm y tế (BHYT) đang được sửa đổi, bổ sung và Luật về thiết bị y tế đang trong quá trình xây dựng. Nền tảng chính sách mới được kỳ vọng sẽ khắc phục cơ bản tình trạng thiếu thuốc, thiết bị y tế và tạo đà cho sự phát triển của nhiều chủ thể trong ngành y tế.
Việc sửa đổi Luật Dược hướng tới cải cách hành chính, đơn giản hóa thủ tục, tăng cường cơ chế cấp phép tự động. Ảnh: Lê Tiên
Việc sửa đổi Luật Dược hướng tới cải cách hành chính, đơn giản hóa thủ tục, tăng cường cơ chế cấp phép tự động. Ảnh: Lê Tiên

Bước chuyển từ chính sách

Tại Hội nghị Câu lạc bộ Giám đốc bệnh viện các tỉnh khu vực phía Bắc diễn ra mới đây, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết, trong thời gian qua, nhiều đạo luật quan trọng đã được sửa đổi như Luật Khám bệnh, chữa bệnh, Luật Đấu thầu và các nghị định, thông tư…, qua đó tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đồng thời đáp ứng nhu cầu phát triển ngành y tế.

Trong đó, theo Bộ trưởng Đào Hồng Lan, Luật Khám bệnh, chữa bệnh được thông qua là dấu mốc đặc biệt quan trọng của ngành với nhiều điểm mới, giúp ích cho các nhà quản trị bệnh viện. Cụ thể, cơ sở khám chữa bệnh (KCB) được ưu đãi về tín dụng để đầu tư nâng cao chất lượng dịch vụ. Giá dịch vụ KCB đã được tính đúng, tính đủ như: bổ sung quy định chi phí quản lý có bao gồm chi cho công nghệ thông tin, chi phí quản lý chất lượng. Luật cũng tiếp tục cho phép thực hiện chính sách xã hội hóa và đa dạng hóa các loại hình dịch vụ y tế, bảo đảm sự công bằng giữa các cơ sở KCB của Nhà nước và tư nhân, đẩy nhanh cải cách thủ tục hành chính…

Đặc biệt, theo ông Hoàng Cương, Trưởng phòng Chính sách đấu thầu (Cục Quản lý đấu thầu, Bộ Kế hoạch và Đầu tư), Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 24/2024/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà thầu. Theo đó, nhiều quy định giải quyết được tối đa những bất cập trong đấu thầu mà các bệnh viện đã phản ánh; tạo sự chủ động, linh hoạt cho các cơ sở y tế (CSYT) trong việc mua thuốc, vật tư, thiết bị phục vụ công tác KCB như thu thập báo giá để xác định giá gói thầu, trường hợp có nhiều hơn 1 báo giá thì chủ đầu tư được lựa chọn báo giá cao nhất phù hợp với khả năng tài chính và yêu cầu chuyên môn làm giá gói thầu; chỉ định thầu trong trường hợp cấp bách, cấp cứu bệnh nhân, phục vụ phòng chống dịch bệnh…

Luật đã quy định rõ những trường hợp giám đốc bệnh viện được tự quyết định hình thức mua sắm như thuốc không thuộc danh mục chi trả của quỹ BHYT. Nhiều hình thức mua sắm thuận tiện, rút ngắn thời gian lựa chọn nhà thầu như chỉ định thầu trong trường hợp cấp bách, cho phép lựa chọn nhiều hơn 1 nhà thầu trúng thầu, tùy chọn mua thêm, mua sắm trực tuyến… Quy định mới còn giúp chủ đầu tư lựa chọn được hàng hóa chất lượng tốt, phù hợp với nhu cầu chuyên môn và khả năng tài chính như: cho phép hồ sơ mời thầu được nêu xuất xứ hàng hóa theo nhóm nước và vùng lãnh thổ…; tạo cơ chế thúc đẩy doanh nghiệp trong nước phát triển, khuyến khích mua sắm các sản phẩm đổi mới sáng tạo, mua sắm xanh…

Ông Đào Xuân Cơ, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai chia sẻ: “Những văn bản mới ban hành đã cơ bản tháo gỡ được những nút thắt lớn trong mua sắm, đấu thầu để phục vụ công tác KCB. Nếu như ở thời điểm cách đây 1 năm, Bệnh viện gặp muôn vàn khó khăn, có giai đoạn bị thiếu thuốc, vật tư, thiết bị cục bộ, thì nay đã tháo gỡ được rất nhiều, mua sắm được nhiều thiết bị chụp chiếu, nội soi… phục vụ người bệnh. Hiện người bệnh có thể sáng đi chiều về vì có kết quả chụp chiếu ngay trong ngày. Người bệnh cảm thấy hài lòng vì tiết kiệm được nhiều chi phí và thời gian chờ đợi”.

Thông qua các văn bản pháp lý như Nghị quyết số 80/2023/QH15, Nghị định số 07/2023/NĐ-CP, Nghị quyết số 30/NQ-CP…, nhiều khó khăn mà doanh nghiệp dược phẩm, thiết bị y tế gặp phải trong thời gian qua đã được giải quyết. Đơn cử, cho phép gia hạn giấy đăng ký lưu hành, giấy phép nhập khẩu đến hết năm 2024 (do tồn đọng một lượng lớn hồ sơ đề nghị đăng ký cấp phép gây áp lực cho cơ quan quản lý nhà nước dẫn đến chậm trễ phê duyệt). Đây là giải pháp cần thiết để hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp cung ứng sản phẩm ra thị trường, kịp thời tham dự thầu, trong khi chờ Luật Dược và các quy định pháp luật liên quan đến thiết bị y tế được sửa đổi, có giải pháp dài hạn hơn.

“Với nhu cầu, kỳ vọng từ phía người dân và mong muốn, chỉ đạo của Đảng, Chính phủ đòi hỏi ngành y tế cần có sự chuyển mình mạnh mẽ, tích cực hơn nữa để chăm sóc người dân tốt hơn, trong đó khuyến khích tinh thần dám nghĩ, dám làm”, Bộ trưởng Đào Hồng Lan nói.

Nhiều cơ sở y tế triển khai mua sắm thiết bị sau thời gian thiếu cục bộ

Nhiều cơ sở y tế triển khai mua sắm thiết bị sau thời gian thiếu cục bộ

Rộng đường cho sự phát triển

Dù có bước chuyển lớn về thể chế, nhưng nhiều ý kiến cho rằng, ngành y tế vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức, nhất là vấn đề quản lý tài chính, mua sắm thuốc, vật tư, thiết bị, quản lý chất lượng, ứng dụng công nghệ chuyển đổi số… Ông Nguyễn Văn Thường - Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đức Giang mong đợi, Bộ Y tế sớm hướng dẫn cụ thể về phân nhóm thiết bị y tế, nhóm nào phải mua sắm tập trung, nhóm nào do bệnh viện tự quyết định mua sắm; hay làm thế nào để xây dựng được tính năng, cấu hình kỹ thuật để lựa chọn được mặt hàng vừa đáp ứng yêu cầu khám chữa bệnh, vừa phù hợp khả năng tài chính của bệnh viện… “Quy trình mua sắm những thuốc không thuộc danh mục chi trả của quỹ BHYT mà Luật Đấu thầu cho phép cơ sở y tế được tự quyết định sẽ thực hiện như thế nào?”, Sở Y tế tỉnh Hậu Giang băn khoăn.

Theo ông Đào Xuân Cơ, phạm vi thanh toán của quỹ BHYT chưa phù hợp để đảm bảo các CSYT thực hiện thuận lợi theo cơ chế tự chủ, trong đó một số dịch vụ y tế chưa được tính vào phạm vi hưởng BHYT như quản lý sức khỏe, khám/chẩn đoán đánh giá nguy cơ tình trạng sức khỏe, điều trị sớm một số bệnh, khám sức khỏe định kỳ, điều trị tật khúc xạ, kỹ thuật hỗ trợ sinh sản, vật tư hỗ trợ sử dụng trong phục hồi chức năng…

Cùng với đó, trong xu hướng cạnh tranh nâng cao chất lượng bệnh viện, nhu cầu chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản trị bệnh viện rất lớn, nhưng hiện giờ nhiều bệnh viện vẫn lúng túng, bởi Bộ Thông tin và Truyền thông chưa có hướng dẫn về cơ chế mua sắm, đấu thầu…

Đối với các doanh nghiệp, rào cản điều kiện kinh doanh, thủ tục hành chính phức tạp, chồng chéo, mất nhiều thời gian phê duyệt giấy phép nhập khẩu, đăng ký/gia hạn số đăng ký lưu hành hiện chưa được giải quyết dứt điểm vẫn làm chậm khả năng tiếp cận thị trường, ảnh hưởng tới khả năng dự báo kế hoạch sản xuất kinh doanh… Nhiều công nghệ mới, thuốc mới chưa được cập nhật vào Luật Dược. Gánh nặng chi phí tuân thủ cũng đang gây áp lực không nhỏ lên các doanh nghiệp. “Việc sửa đổi Luật Dược chậm ngày nào thì chúng tôi còn như ngồi trên đống lửa ngày đó”, đại diện một doanh nghiệp nói.

Từ yêu cầu thực tế, lãnh đạo Bộ Y tế chia sẻ, xây dựng thể chế là nhiệm vụ trọng tâm của Bộ trong năm 2024. Bộ Y tế đã trình Chính phủ Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược. Theo Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, Quốc hội sẽ thông qua Luật Dược (sửa đổi) vào tháng 10/2024, trước khi các số đăng ký lưu hành, giấy phép nhập khẩu hết hiệu lực gia hạn vào ngày 31/12/2024. Dự Luật hướng tới cải cách hành chính, đơn giản hóa thủ tục, tăng cường cơ chế cấp phép tự động và thừa nhận lẫn nhau giữa các nước trong khu vực hoặc nhóm nước tiêu chuẩn cao.

Liên quan đến Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT, Bộ Y tế đã tham mưu, trình Chính phủ đề nghị xây dựng luật này dự kiến trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV vào tháng 5/2024. Nhiều giải pháp chính sách mới được đề xuất như quy định lộ trình nâng dần mức đóng BHYT, đa dạng hóa các gói BHYT, mở rộng phạm vi danh mục chi trả của quỹ BHYT… Những chính sách mới được kỳ vọng mở rộng không gian cho cả 2 phía cung - cầu. Các cơ sở y tế có nhiều cơ hội tiếp cận thuốc tốt, thiết bị tốt, còn các doanh nghiệp trong và ngoài nước sẽ mở rộng được thị trường cung ứng sản phẩm thuốc, vật tư, thiết bị có chất lượng tốt, công nghệ cao, đáp ứng mọi nhu cầu của người bệnh.

Bộ trưởng Bộ Y tế cũng cho biết, Bộ Y tế đang nghiên cứu sửa đổi Luật Phòng bệnh, xây dựng Luật về thiết bị y tế, ban hành các danh mục đàm phán giá và mua sắm tập trung, cũng như phối hợp với các bộ, ngành sửa đổi các quy định pháp luật liên quan như Luật Giá…

“Có thể nói, khối lượng công việc của năm 2024 còn chồng chất, nhiều hơn cả năm 2023, đòi hỏi sự nỗ lực rất lớn của toàn ngành và sự đồng hành của các CSYT trong quá trình soạn thảo”, bà Đào Hồng Lan nhấn mạnh.

Với những nỗ lực này, ông Denzel Eades - Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Anh quốc tại Việt Nam (BritCham) cho biết: “Chúng tôi đánh giá cao những ý tưởng đổi mới và nỗ lực chính sách nhằm tăng cường khả năng tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe của người dân”. Ông bày tỏ mong muốn Luật Dược, Luật BHYT (sửa đổi) tới đây sẽ công nhận kết quả thẩm định quốc tế để đẩy nhanh thủ tục đăng ký thuốc trong nước, đồng thời cho phép mở rộng phạm vi thanh toán BHYT như khám sàng lọc bệnh không lây nhiễm…

Tin cùng chuyên mục