11 dự án thành phần trên tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông có tổng chiều dài 654 km, đi qua 13 tỉnh, thành. Ảnh: Lê Tiên |
Không phân biệt nhà đầu tư “nội - ngoại”
Phát biểu tại Hội nghị kêu gọi đầu tư Dự án Xây dựng cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 – 2020 diễn ra ngày 17/5/2019 tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật cho biết, thời gian tới, Việt Nam sẽ đầu tư 11 dự án thành phần trên tuyến cao tốc Bắc - Nam với tổng chiều dài 654 km, đi qua 13 tỉnh, thành, gồm 3 dự án đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước, 8 dự án theo hình thức PPP. 8 dự án PPP sẽ được đấu thầu rộng rãi quốc tế để lựa chọn nhà đầu tư. Bộ GTVT đã huy động 2 đơn vị tư vấn quốc tế hàng đầu là Deloitte (Ấn Độ) và Ernst & Young (Singapore) hỗ trợ rà soát cấu trúc tài chính của dự án, xây dựng hồ sơ mời sơ tuyển, hồ sơ mời thầu và dự thảo hợp đồng... Ông Nhật khẳng định: “Các tiêu chí lựa chọn sơ tuyển nhà đầu tư đã được nghiên cứu kỹ lưỡng, tuân thủ đúng pháp luật Việt Nam và phù hợp với thông lệ quốc tế, bảo đảm sự công bằng, cạnh tranh và minh bạch, không phân biệt nhà đầu tư trong nước và quốc tế”.
Ông Kushal Kumar Singh, Phó tổng giám đốc Deloitte cho biết, trong quá trình tổ chức đấu thầu, tiêu chí chính để lựa chọn nhà đầu tư là mức vốn góp vào dự án. Trong quá trình sơ tuyển, tiêu chí đánh giá hồ sơ của nhà đầu tư sẽ bao gồm năng lực tài chính, khả năng thu xếp vốn vay, kinh nghiệm của nhà đầu tư; đánh giá phương pháp thực hiện dự án sơ bộ, năng lực triển khai dự án và cam kết thực hiện thông qua cách tiếp cận, phương pháp luận và đề xuất sơ bộ của nhà đầu tư hoặc thành viên liên danh hợp lệ.
Trao đổi với phóng viên Báo Đấu thầu, nhiều đại diện doanh nghiệp trong nước bày tỏ mong muốn được tham gia đầu tư dự án bởi vì đây là dự án lớn, có ý nghĩa xương sống và huyết mạch của quốc gia. Tuy nhiên, điểm yếu của nhiều doanh nghiệp Việt Nam là bị hạn chế bởi năng lực tài chính. Do đó, một số doanh nghiệp trong nước cho biết sẽ liên kết với nhau để tham gia đấu thầu các đoạn tuyến trên cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 1.
Minh bạch, nhất quán trong thực hiện
Ông Ngọ Trường Nam, Công ty CP Tập đoàn Đèo Cả cho rằng, mặc dù đấu thầu rộng rãi quốc tế 8 dự án PPP trên tuyến cao tốc Bắc - Nam nhưng mong muốn của nhiều doanh nghiệp là Nhà nước nên tạo điều kiện cho nhà đầu tư trong nước tham gia đấu thầu các dự án này bằng cách hỗ trợ tiếp cận vốn vay thực hiện dự án. Khi có được nguồn lực tài chính thì các nhà đầu tư trong nước sẽ liên kết với nhau, tạo thành sức mạnh tập thể để “đấu” với các nhà đầu tư nước ngoài. Đặc thù của 8 dự án PPP này là có sự tham gia góp vốn của Nhà nước và vấn đề lớn mà các nhà đầu tư quan tâm là việc bố trí phần vốn tham gia của Nhà nước cho các dự án, trách nhiệm giải phóng mặt bằng, giới hạn tín dụng cho nhà đầu tư vay…
Theo ông Nguyễn Viết Huy, Phó vụ trưởng Vụ PPP (Bộ GTVT), việc đầu tư các dự án trên cao tốc Bắc - Nam lần này được rút kinh nghiệm từ các dự án BOT thời gian qua. Nguồn vốn của Nhà nước cho giải phóng mặt bằng đã rõ và địa phương chịu trách nhiệm. Các tỉnh, thành bảo đảm giao mặt bằng sạch nên nhà đầu tư nên có thể yên tâm; mức phí cao tốc được bảo đảm trong khung phí và không thay đổi trong nhiều năm. Hiện nay, các đơn vị mời thầu thuộc Bộ GTVT đã bán được 80 bộ hồ sơ mời sơ tuyển cho các nhà đầu tư trong nước và quốc tế, trong đó có nhiều nhà đầu tư đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc…; có dự án đã nhận được sự quan tâm của 13 nhà đầu tư. Trong 2 tháng tới, có thể nhiều nhà đầu tư khác sẽ tiếp tục tham gia sơ tuyển các dự án PPP trên cao tốc Bắc - Nam.
Bên lề Hội nghị, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, thời gian qua, nhiều dự án PPP có sự tham gia của doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp tư nhân lớn trong nước nhưng lại xảy ra không ít vấn đề. Theo ông Lộc, nguyên nhân bắt nguồn từ việc cơ sở pháp lý cho các dự án PPP chưa thực sự vững chắc, khung pháp lý của PPP hiện mới dừng lại ở cấp nghị định nên chưa đảm bảo sự chắc chắn cho nhà đầu tư. Điều quan trọng nhất đối với việc thu hút dự án PPP là phải minh bạch quá trình thực hiện, nhất quán các chính sách trong cả vòng đời dự án. Có như vậy mới đảm bảo được sự hài hòa lợi ích giữa các bên tham gia dự án, đảm bảo tốt nhất việc giám sát cả quá trình thực hiện.