Thu hút FDI: Hướng đến dòng vốn từ Mỹ và EU

(BĐT) - Dự thảo Chiến lược và Định hướng chiến lược thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thế hệ mới giai đoạn 2018 - 2030 đang được Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) lấy ý kiến hoàn thiện. Một khuyến nghị rất đáng chú ý được nhóm chuyên gia xây dựng Dự thảo nêu ra là phải đa dạng hóa vốn FDI để nâng cao chất lượng dòng vốn này.
Đầu tư của Mỹ và EU thường có quy mô lớn và hướng vào lĩnh vực công nghệ cao. Ảnh: LTT
Đầu tư của Mỹ và EU thường có quy mô lớn và hướng vào lĩnh vực công nghệ cao. Ảnh: LTT

Đầu tư từ Mỹ và EU còn khiêm tốn

Ngoài các dòng vốn đầu tư có vai trò chiến lược như từ Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore…, điều Việt Nam cần quan tâm hơn lúc này, theo khuyến nghị của  các chuyên gia, là phải thu hút nhiều hơn các nhà đầu tư đến từ châu Âu và Mỹ để tận dụng được đầu tư từ khu vực này cho các hoạt động mang lại giá trị gia tăng cao hơn, cũng như tăng cường chuyển giao công nghệ cho khối kinh tế tư nhân trong nước.

Số liệu thống kê từ Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH&ĐT) cho thấy, lũy kế đến ngày 20/4/2018, Việt Nam đã thu hút được 59,2 tỷ USD từ Hàn Quốc, 50,5 tỷ USD từ Nhật Bản, nhưng chỉ thu hút được gần 10 tỷ USD từ Mỹ. Trong khi đó, đầu tư từ EU vào Việt Nam còn thấp. Trong các nước thành viên EU, đầu tư nhiều nhất vào Việt Nam là Hà Lan (hơn 8,3 tỷ USD), tiếp đến là Pháp (gần 2,8 tỷ USD), Luxembourg (2,3 tỷ USD), Đức (gần 1,8 tỷ USD), Bỉ (912 triệu USD)...

Ông Phan Hữu Thắng, nguyên Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài cho biết, dù từng thể hiện mong muốn trở thành nhà đầu tư số 1 tại Việt Nam, nhưng đến nay, dòng vốn của Mỹ đầu tư vào Việt Nam vẫn chưa được như kỳ vọng. Điều này tương tự với vốn đến từ khu vực EU, cho dù nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương đã được ký kết và những tiềm năng, dư địa được nhìn nhận là lớn.

“Nhà đầu tư Mỹ và EU rất quan tâm đến Việt Nam, nhưng ít thành công hơn nhà đầu tư châu Á, vì thị trường Việt Nam có quy mô nhỏ, trong khi những đòi hỏi về độ minh bạch cao và sự khác biệt về văn hóa khiến các nhà đầu tư này phải cân nhắc”, ông Thắng lý giải một trong những nguyên nhân khiến đầu tư của Mỹ và EU vào Việt Nam còn hạn chế.

Bên cạnh đó, theo ông Thắng, câu chuyện sở hữu trí tuệ với những bức bối của thương hiệu, bản quyền, tình trạng hàng giả, hàng nhái; tính minh bạch trong quan hệ đầu tư, quan hệ kinh tế, thủ tục hành chính cũng đang là vấn đề nan giải ảnh hưởng đến đầu tư của Mỹ và EU vào Việt Nam.

Chia sẻ với đánh giá nêu trên, ông Jonathan Moreno, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hoa Kỳ (AmCham) tại Việt Nam cho biết, một trong những rào cản đối với luồng vốn FDI từ Hoa Kỳ vào Việt Nam vẫn là chuyện thiếu minh bạch về môi trường đầu tư, khiến các doanh nghiệp còn tâm lý e ngại. 

Tận dụng cơ hội từ các FTA

Dù đầu tư còn khiêm tốn, song “cửa” để kéo dòng vốn từ Mỹ và EU vào Việt Nam được nhận định là vẫn luôn mở. Theo ông Phan Hữu Thắng, danh mục kêu gọi đầu tư của Việt Nam hiện chưa phù hợp với “khẩu vị” của nhà đầu tư Mỹ và EU. Đầu tư của Mỹ và EU thường có quy mô lớn và hướng vào các lĩnh vực công nghệ cao. Nếu đầu tư nhỏ lẻ thì họ thường chọn cách đầu tư sang các nước gần mình hơn. Vì vậy, việc cần làm ngay lúc này là sớm đưa ra được danh mục dự án thu hút đầu tư phù hợp. Có dự án tốt, nhà đầu tư sẽ mặn mà hơn với thị trường Việt Nam.

Với riêng dòng vốn của EU, ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài cho rằng, cơ hội tăng cường thu hút FDI từ EU đến từ các FTA mà Việt Nam đã ký kết với EU. 

Với các doanh nghiệp Mỹ, hiệu ứng hậu APEC và hiệu ứng tích cực từ Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) được ký kết sẽ là cơ hội để Việt Nam thu hút FDI từ thị trường này, nhất là khi một hiệp định song phương với Mỹ và khả năng Mỹ quay lại với CPTPP vẫn đang được cân nhắc.

Cơ hội vẫn mở, quan trọng là liệu Việt Nam có tận dụng được các cơ hội đó hay không? Tìm câu trả lời thấu đáo cho vấn đề vì sao Việt Nam thu hút FDI từ Mỹ và EU còn hạn chế sẽ được đưa ra “mổ xẻ” tại Hội nghị tổng kết 30 năm thu hút FDI tới đây.