Thu phí 8 dự án cao tốc Bắc - Nam sử dụng vốn ngân sách: Cần cơ chế hợp lý, hài hòa

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Bộ Giao thông vận tải (GTVT) vừa có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ xin ý kiến về phương án thu hồi vốn đối với các đoạn cao tốc do Nhà nước đầu tư trên tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020.
8 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam phía Đông đầu tư hoàn toàn bằng ngân sách nhà nước sẽ hoàn thành từ cuối tháng 12/2021 đến đầu năm 2023. Ảnh: Song Lê
8 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam phía Đông đầu tư hoàn toàn bằng ngân sách nhà nước sẽ hoàn thành từ cuối tháng 12/2021 đến đầu năm 2023. Ảnh: Song Lê

Một số nhà đầu tư BOT trên Quốc lộ 1 lo lắng, nếu áp dụng mức thu phí thấp hơn các tuyến đường BOT đang vận hành song song thì chủ phương tiện sẽ lựa chọn các tuyến đường cao tốc mới. Theo các chuyên gia, việc “chốt” mức thu thế nào và phương án thu ra sao cần xem xét kỹ lưỡng.

Sau khi lấy ý kiến các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính và Tư pháp về phương án thu hồi vốn đối với các đoạn cao tốc do Nhà nước đầu tư trên tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, Bộ GTVT đã có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét trình cấp có thẩm quyền phê duyệt, “chốt” phương án thu phí áp dụng đối với 8 dự án cao tốc Bắc - Nam được đầu tư hoàn toàn bằng vốn ngân sách nhà nước giai đoạn 2017 - 2020.

Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ cho biết, theo kế hoạch, 8 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam phía Đông gồm: Cao Bồ - Mai Sơn, Mai Sơn - Quốc lộ 45, Quốc lộ 45 - Nghi Sơn, Nghi Sơn - Diễn Châu, Cam Lộ - La Sơn, Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Phan Thiết - Dầu Giây và cầu Mỹ Thuận 2 sẽ hoàn thành từ cuối tháng 12/2021 đến đầu năm 2023. Hiện nay, một số dự án đang đẩy nhanh tiến độ thi công để “về đích” nên nếu không kịp thời ban hành phương án thu hồi vốn sẽ tạo ra khoảng trống pháp lý và lúng túng trong vận hành, khai thác các tuyến cao tốc.

Bộ GTVT dự kiến sẽ giao Tổng cục Đường bộ tổ chức triển khai vận hành việc thu phí 8 dự án trên. Tổng cục Đường bộ sẽ đấu thầu lựa chọn nhà cung cấp dịch vụ thu phí với công nghệ thu phí dịch vụ không dừng, tùy từng đoạn tuyến mà mức thu dao động từ 1.000 - 1.500 đồng/PCU/km (đơn vị xe cơ bản).

Trao đổi với phóng viên Báo Đấu thầu, một số nhà đầu tư BOT trên Quốc lộ 1 cho biết, mặc dù cơ chế thu hồi vốn của các dự án cao tốc được đầu tư hoàn toàn bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước khác với phương án hoàn vốn đầu tư cho các dự án BOT đang vận hành, khai thác trên Quốc lộ 1, nhưng khi 2 tuyến đường này vận hành song song, người sử dụng có quyền lựa chọn tuyến đường lưu thông. Hiện nay, mức thu phí sử dụng đường bộ của một số tuyến đường cao tốc đang được Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam, Tổng công ty Đầu tư tài chính phát triển hạ tầng và các nhà đầu tư BOT đầu tư, khai thác từ 1.000 - 2.100 đồng/PCU/km. Sắp tới, nếu áp dụng mức thu phí các đoạn tuyến cao tốc được đầu tư hoàn toàn bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước thấp hơn các tuyến đường BOT đang vận hành song song thì chủ phương tiện sẽ lựa chọn đi trên các tuyến đường cao tốc mới. Điều này sẽ ảnh hưởng đến phương án tài chính và hoàn vốn cho các dự án BOT đang khai thác hiện nay.

Theo chuyên gia về cầu đường, việc đầu tư một số đoạn tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông được Quốc hội thông qua và sử dụng hoàn toàn bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước nên Quốc hội và Chính phủ là cấp có thẩm quyền quyết định phương án thu hồi vốn, mức phí khi sử dụng các đoạn tuyến cao tốc này. Số tiền thu được sẽ hòa vào ngân sách nhà nước, từ đó có thể tái đầu tư và phát triển các tuyến đường bộ cao tốc khác. Việc thu phí trên 8 đoạn tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông hiện nay cần đặt trong tổng thể bài toán lợi ích chung, đảm bảo được sự tương đồng với mức thu của các tuyến đường bộ cao tốc đang khai thác, phù hợp với mức chi trả, lợi ích thu được của người sử dụng cũng như hài hòa với mức thu của một số tuyến đường BOT đang vận hành song song với tuyến cao tốc này.

Tin cùng chuyên mục