Thu phí rề rà: Thủ phạm gây ùn tắc giao thông

Tết Nguyên đán Bính Thân vừa qua, trạm thu phí trở thành nỗi ám ảnh của người tham gia giao thông. Nhiều tuyến đường ùn ứ hàng chục kilômét vì trạm thu phí. Các biện pháp được áp dụng chỉ mang tính tình thế, không giải tỏa được ách tắc...
Thu phí rề rà: Thủ phạm gây ùn tắc giao thông

Cao tốc không còn là cao tốc

Ngày 13/2 (tức mùng 6 Tết) vừa qua, anh Nguyễn Mạnh Hùng (thường trú tại Sài Đồng - Long Biên – Hà Nội) cùng gia đình lái xe từ TP Vinh (Nghệ An) quay lại Hà Nội làm việc. Dù tranh thủ đi sớm để tránh cao điểm ùn tắc ở cửa ngõ Hà Nội như mọi năm nhưng tổng thời gian di chuyển vẫn mất gấp đôi ngày thường. Anh Hùng kể: “Tôi xuất phát từ nhà lúc 9 giờ sáng. Ngày thường đi hết khoảng 5- 6 h, dự tính khoảng 2, 3 giờ chiều sẽ đến nơi.

Tuy nhiên, oái oăm là QL 1 A vẫn đạt tốc độ bình thường như mọi lần thì khi vào cao tốc, tốc độ lưu thông lại chậm hơn cả QL 1A; trung bình chỉ đi được khoảng 5-10 km/h. Đến tận 9 giờ tối, tức sau 10 giờ lái xe tôi mới đến được Hà Nội”.

Các trạm thu phí cần phải tiến lên việc thu phí nhanh, áp dụng công nghệ hiện đại. Việc nhân viên thu phí cười, “chào anh ạ” rồi mới thu tiền làm mất thêm thời gian; đó không phải là cách ứng xử phù hợp với nhịp sống nhanh, hiện đại như ngày nay.Ông Nguyễn Xuân Lâm - Phó Cục trưởng Cục Quản lý đường bộ 1 - Tổng cục Đường bộ
Theo quan sát của PV , những ngày cao điểm Tết vừa qua, ở phía Bắc, hai cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ và Cầu Giẽ - Ninh Bình thường xuyên xảy ra ùn ứ; trong đó, điểm ùn ứ dài nhất là đoạn trước khi vàotrạm thu phí.

Đặc biệt, vào chiều mùng 6 Tết, cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ rơi vào tình trạng ùn ứ suốt tuyến gần 30 km và nguyên nhân chủ yếu do ùn từ trạm thu phí. Thậm chí, vào ngày mùng 2 Tết, khi lưu lượng xe không quá đông, tình trạng ùn hàng kilômét vẫn xuất hiện ở trạm thu phí đầu tuyến này (hướng từ Pháp Vân đi Cầu Giẽ) hàng kilômét.

Theo báo cáo của Ủy ban ATGT quốc gia, trong 9 ngày nghỉ Tết, các tuyến ra vào thủ đô Hà Nội, các tuyến giao thông kết nối TPHCM với các tỉnh miền Tây, tỉnh miền Đông Nam bộ, Tây Nguyên và miền Bắc như quốc lộ 1, 51, 22, 13, 14 xảy ra ùn tắc cục bộ. Đặc biệt là chiều ngày 13/2 (tức mùng 6 Tết) tại Hà Nội, tuyến cao tốc Ninh Bình-Cầu Giẽ-Pháp Vân; tuyến QL 1A hướng từ miền Tây lên và từ Bình Thuận (nơi có trạm thu phí) tốc độ giao thông chậm, xảy ra ùn tắc cục bộ.

Giải pháp tạm thời, chắp vá

Trong những thời điểm lưu lượng phương tiện tăng đột biến, các chủ đầu tư, đơn vị thu phí trên các tuyến cũng đã áp dụng các biện pháp hạn chế ùn tắc, tăng lưu thông qua trạm thu phí không thay đổi được cơ bản tình hình. Tổng Cty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam đã áp dụng biện pháp phân làn sang hướng ngược chiều tại trạm thu phí và mở thêm làn thu; nhưng như đã thấy, tình trạng ùn ứ vẫn xảy ra. Tại các tuyến khác như cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ, chủ đầu tư áp dụng biện pháp tăng cường thêm nhân lực; một người soát vé, một người chuẩn bị tiền lẻ để trả lại cho khách nhưng vẫn không thay đổi được tình hình.

Trong cao điểm Tết, Bộ GTVT cũng đã ra công văn yêu cầu, các trạm thu phí gây ùn tắc kéo dài phải mở barie cho xe qua trạm miễn phí cho đến khi hết ùn tắc. Sau công văn này, Bộ GTVT đã chỉ đạo trực tiếp “xả trạm” trại Sông Phan (Bình Thuận) để tránh ùn tắc. Một lãnh đạo Bộ GTVT cho rằng: Giải pháp này gây thiệt hại cho nhà đầu tư công trình giao thông nhưng giải quyết được ùn tắc cho số đông người tham gia giao thông nên Bộ GTVT vẫn quyết định yêu cầu thực hiện. “Tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp tình thế, không thể áp dụng lâu dài được” - vị lãnh đạo này cho biết.