Cho tới thời điểm này, theo thông tin mới được cập nhật của Tổ công tác thi hành Luật Doanh nghiệp và Đầu tư, cuộc tranh luận giữa việc sử dụng quy định về đánh giá tác động của Luật Bảo vệ môi trường hay Luật Đầu tư đã chấm dứt. Như vậy, lo lắng về những rủi ro hay chi phí lớn mà nhà đầu tư sẽ phải bỏ ra để có được bản phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường khi chưa được phê duyệt dự án, chưa chắc chắn địa điểm đầu tư đề xuất có được chấp nhận hay không cũng đã chấm dứt.
Nhà đầu tư sẽ tuân thủ quy định của Luật Đầu tư, nghĩa là chỉ thực hiện đánh giá sơ bộ tác động môi trường, các giải pháp bảo vệ môi trường, thay vì phải có quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường khi làm thủ tục xin quyết định chủ trương đầu tư hay giấy chứng nhận đầu tư.
“Chúng tôi đã làm việc với Bộ Tài nguyên và Môi trường trong suốt thời gian qua và đã đạt được sự thống nhất này”, ông Trần Hào Hùng, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) thông báo.
Nhưng đây chỉ là một trong số chưa nhiều quy định không tương thích giữa Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư và các quy định của luật khác được giải quyết. Danh mục các vấn đề khác biệt mà Tổ công tác đưa ra còn khá dài, bao gồm cả ngành y tế, giáo dục, công thương...
Nóng nhất có lẽ phải nhắc tới sự sốt ruột của nhà đầu tư nước ngoài khi Nghị định 23/2007/NĐ-CP Quy định chi tiết Luật Thương mại về hoạt động mua bán hàng hoá và các hoạt động liên quan trực tiếp đến mua bán hàng hoá của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài vẫn chưa được sửa đổi theo yêu cầu của Chính phủ tại Nghị quyết 59/2015/NQ-CP, trong khi đáng ra việc này phải hoàn thành trong tháng 12/2015.
Vì theo Nghị định 23, các cơ quan đăng ký kinh doanh phải lấy ý kiến Bộ Công thương và chỉ cấp giấy chứng nhận đầu tư cho nhà đầu tư nước ngoài thực hiện hoạt động mua bán hàng hóa và các hoạt động liên quan đến mua bán hàng hóa nếu được Bộ Công thương chấp thuận bằng văn bản. Nhưng, Luật Đầu tư 2014 và Nghị định 118/2015/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn một số điều Luật Đầu tư đã không còn yêu cầu này. Tuy nhiên, ở nhiều địa phương, việc thực thi khá lúng túng, khiến phần lớn hồ sơ của nhà đầu tư bị ách lại.
Tình trạng tương tự với các nhà đầu tư trong lĩnh vực giáo dục, khi thủ tục xin ý kiến, thẩm tra của Nghị định 73/2012/NĐ-CP về hợp tác, đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục vẫn đang còn treo trên đầu các cơ quan nhà nước có liên quan, làm khó cho nhà đầu tư.
Cũng phải nói thêm, mặc dù Luật Đầu tư đã có Điều 4 quy định, “nếu trong trường hợp có quy định khác nhau giữa Luật này và luật khác về ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh, ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện, trình tự, thủ tục đầu tư thì thực hiện theo quy định của Luật này”, nhưng thực tế, việc thực hiện dường như rất khó khăn.
“Quan điểm của tôi là phải tuyệt đối và dứt khoát tuân thủ quy định của pháp luật, theo đúng nguyên tắc về cùng một vấn đề thì văn bản ra sau, văn bản cao hơn đè văn bản trước, văn bản thấp hơn. Chỉ có như vậy, các nhà đầu tư, doanh nghiệp mới cảm nhận được những thuận lợi mà chúng ta vẫn nói là có trong Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp”, ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, Tổ trưởng Ban thư ký Tổ công tác nói.