Thủ tướng: Cam kết đầu tư vào vùng ĐBSH, nhà đầu tư "đã nói là phải làm"

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Ngày 12/2, 30 văn kiện là các giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, quyết định chủ trương đầu tư, biên bản ghi nhớ hợp tác đầu tư của các địa phương trong vùng Đồng bằng sông Hồng (ĐBSH) đã được trao cho các nhà đầu tư. Chứng kiến sự kiện này, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, các doanh nghiệp, nhà đầu tư "đã nói là phải làm, đã cam kết phải thực hiện, mang lại hiệu quả cụ thể, đo lường được, được nhân dân ghi nhận".
Lãnh đạo bộ, ngành, các nhà đầu tư trao quyết định chủ trương đầu tư và phê duyệt đầu tư vào vùng Đồng bằng sông Hồng (Ảnh: Chinhphu.vn)
Lãnh đạo bộ, ngành, các nhà đầu tư trao quyết định chủ trương đầu tư và phê duyệt đầu tư vào vùng Đồng bằng sông Hồng (Ảnh: Chinhphu.vn)

Trong khuôn khổ Hội nghị triển khai Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 30-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển vùng ĐBSH, Bộ Kế hoạch Đầu tư cùng đại diện 6 đối tác phát triển là: Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) tại Việt Nam; Cơ quan Phát triển Pháp (AFD); Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA); Ngân hàng Xuất nhập khẩu Hàn Quốc (KEXIM); Cơ quan Hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA) tại Việt Nam; Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam đã ký biên bản ghi nhớ, biên bản hợp tác cung cấp vốn cho các dự án phát triển vùng ĐBSH.

Theo đó, các tổ chức trên sẽ ưu tiên dành hơn 2,6 tỷ USD cho 20 dự án, trong đó, phần lớn tập trung cho phát triển hạ tầng giao thông, đô thị, thủy lợi, ứng phó biến đổi khí hậu.

Cũng trong khuôn khổ lễ công bố đã diễn ra lễ trao 30 văn kiện là các giấy chứng nhận đăng ký đầu tư các dự án, quyết định chủ trương đầu tư các dự án, biên bản ghi nhớ hợp tác đầu tư với tổng vốn đầu tư 167.000 tỷ đồng (khoảng 7,1 tỷ USD) của các địa phương trong Vùng.

Trong đó, lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Ninh đã trao giấy chứng nhận đầu tư cho Dự án Sản xuất các sản phẩm an toàn cho ô tô và xe có động cơ khác để xuất khẩu với tổng mức đầu tư trên 3.773 tỷ đồng (154 triệu USD) của Công ty TNHH Autoliv Việt Nam (Thụy Điển); Dự án Sản xuất khóa chốt và dập định hình Boltun Việt Nam tại Khu công nghiệp Bắc Tiền Phong, thị xã Quảng Yên với tổng mức đầu tư trên 4.000 tỷ đồng (165 triệu USD) của Tập đoàn QST International Corporation và Boltun Corporation (Đài Loan, Trung Quốc).

Hải Dương trao chứng nhận đầu tư cho Dự án Sản xuất, chế tạo, gia công và lắp ráp các loại linh kiện, phụ tùng và sản xuất máy khâu; các thiết bị cho ngành may, với tổng mức đầu tư 958 tỷ đồng của Công ty Pegasus Sewing Machine MFG Co.Ltd.

Lãnh đạo tỉnh Hưng Yên, Vĩnh Phúc, Ninh Bình, Hà Nam... cũng trao chứng nhận đăng ký đầu tư cho các dự án quy mô lớn.

Trong dịp này, lãnh đạo tỉnh Thái Bình đã trao chứng nhận đăng ký đầu tư cho Dự án Đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất gia công linh kiện điện tử, linh kiện máy tính, thiết bị thông minh, với tổng mức đầu tư 6.467 tỷ đồng. Đây chính là dự án của Compal - một trong những nhà sản xuất của Apple và các tập đoàn công nghệ lớn toàn cầu.

Ngoài các nhà đầu tư nhận chứng nhận đăng ký đầu tư, nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước cũng đã nhận quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư, biên bản ghi nhớ triển khai các dự án quy mô lớn tại vùng ĐBSH.

Chẳng hạn, Dự án Bãi đỗ xe, Trung tâm thương mại AEON MALL Hoàng Mai, Giáp Bát với tổng mức đầu tư 6.058 tỷ đồng; Dự án Xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp Tràng Duệ 3, với tổng mức đầu tư 10.000 tỷ đồng; Dự án Sản xuất các sản phẩm điện, điện tử và âm thanh đa phương tiện, với tổng vốn đầu tư 7.000 tỷ đồng, của Goertek Vina...

Lễ công bố có sự chứng kiến của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà và nhiều lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương. Đây là chương trình nghị sự cuối cùng nhưng lại nhận được sự quan tâm, đặc biệt chú ý của đại biểu tham dự Hội nghị, bởi thu hút đầu tư, huy động nguồn lực là yếu tố quan trọng để hiện thực hóa các kế hoạch, chương trình, dự án, nhằm đưa vùng ĐBSH phát triển đột phá, bền vững và trở thành động lực tăng trưởng của cả nước trong thời gian tới.

Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh tinh thần "lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ" giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người dân. Để thu hút các nhà đầu tư, Thủ tướng Chính phủ đề nghị, các bộ ngành, địa phương tiếp tục tập trung đầu tư phát triển hạ tầng chiến lược để giảm chi phí logistics; tích cực hơn nữa cải cách, cắt giảm thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh; rà soát, sửa đổi, bổ sung thể chế, chính sách; xây dựng chính sách phù hợp cho các ngành, lĩnh vực trọng điểm, ưu tiên; luôn sát cánh, chia sẻ, động viên, lắng nghe nhà đầu tư, giải quyết các khó khăn, vướng mắc.

Thủ tướng mong muốn các nhà đầu tư, doanh nghiệp, đối tác phát triển đồng hành cùng Chính phủ, các cấp, các ngành, các địa phương xây dựng môi trường thuận lợi, an toàn, minh bạch, chia sẻ các khó khăn, giải quyết các vướng mắc với tinh thần "bình đẳng, cùng phát triển, cùng có lợi, cùng trách nhiệm với xã hội, người lao động, bảo vệ môi trường".

Các doanh nghiệp, nhà đầu tư "đã nói là phải làm, đã cam kết phải thực hiện, mang lại hiệu quả cụ thể, đo lường được, được nhân dân ghi nhận", chuyển hóa tiềm lực thành động lực phát triển vùng ĐBSH.

Tin cùng chuyên mục