Thủ tướng Chính phủ: Chuyển đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang làm kinh tế nông nghiệp

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Tại Hội nghị trực tuyến tổng kết ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN&PTNT) năm 2020, triển khai kế hoạch năm 2021 vừa diễn ra, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đề nghị ngành nông nghiệp cần chuyển đổi mạnh mẽ tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang làm kinh tế nông nghiệp.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị trực tuyến tổng kết ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn năm 2020 (ảnh: CP)
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị trực tuyến tổng kết ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn năm 2020 (ảnh: CP)

Theo Thủ tướng, đây là cách để Việt Nam xây dựng một nước có nền nông nghiệp hiện đại, phát triển bền vững, sản xuất hàng hoá lớn, có năng suất, chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh cao. Nông dân sẽ ngày càng giàu có hơn. Nông thôn sẽ ngày càng văn minh, phồn vinh, thân thiện và đáng sống hơn.

Đánh giá về năm 2020 đối với ngành NN&PTNT, Thủ tướng cho rằng, đây là một năm đầy khó khăn, thách thức. Tuy nhiên, Ngành đã thích ứng tốt với đại dịch và thiên tai, sản xuất nông - lâm - thủy sản vẫn duy trì, phát triển, đảm bảo đủ nguồn cung lương thực, thực phẩm, hàng hóa thiết yếu cho tiêu dùng của gần 100 triệu dân và phục vụ xuất khẩu.

Ngành NN&PTNT hoàn thành 4 chỉ tiêu quan trọng: Tăng trưởng GDP toàn ngành trên 2,65%. Kim ngạch xuất khẩu đạt trên 41,2 tỷ USD (tăng 2,5% so với năm 2019), thặng dư thương mại toàn ngành đạt 10,4 tỷ USD, 5 mặt hàng đạt giá trị xuất khẩu trên 3 tỷ USD, đặc biệt là gỗ đạt trên 12,8 tỷ USD, tôm 3,66 tỷ USD, rau quả 3,35 tỷ USD, hạt điều 3,24 tỷ USD và gạo 3,07 tỷ USD. Tỷ lệ che phủ của rừng đạt 42%. Tỷ lệ xã đạt tiêu chí nông thôn mới đạt trên 62%, vượt xa mục tiêu đề ra (mục tiêu đến năm 2020 là 50%).

Bên cạnh đó, công tác chỉ đạo và điều hành của Bộ NN&PTNT sát sao, đúng và trúng; xây dựng nông thôn mới vượt trước kế hoạch đề ra…

Tuy nhiên, Thủ tướng chỉ ra một số tồn tại khi tăng trưởng ngành NN&PTNT chưa thực sự bền vững, nhất là khi chịu tác động của các cú sốc thiên tai, dịch bệnh. Cơ sở hạ tầng nông nghiệp, thủy lợi, thủy sản, giao thông nông thôn còn nhiều bất cập so với yêu cầu. Thu nhập và đời sống của phần lớn nông dân còn thấp so với khu vực thành thị...

Trên cơ sở đó, về kế hoạch năm 2021, Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần biến nguy cơ thành thời cơ của Ngành. “Nguy cơ là sự cực đoan của khí hậu, nhưng chúng ta có kinh nghiệm chống chọi lại với thiên nhiên và đặc biệt thời cơ rất lớn, đó là thị trường được mở ra với việc tham gia 14 hiệp định tự do (FTA), trong đó, có 3 hiệp định ký trong nhiệm kỳ này là CPTPP, EVFTA, RCEP”, Thủ tướng nói.

Đối với các mục tiêu năm 2021, ngành NN&PTNT phải đạt tăng trưởng khoảng 3%, tốc độ tăng giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản và toàn ngành phấn đấu làm sao đạt kim ngạch xuất khẩu khoảng 44 tỷ USD…. Để đạt những mục tiêu này, Thủ tướng đề nghị, chuyển đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang làm kinh tế nông nghiệp. Phải chuyển từ đánh bắt thủy sản là chủ yếu sang chiến lược nuôi trồng, nhất là nuôi trồng biển.

Thủ tướng cũng nhất trí với đề xuất của Bộ NN&PTNT cần ưu tiên bố trí vốn đầu tư công trung hạn 2021 - 2025 cho ngành nông nghiệp nói chung, phấn đấu đạt chỉ tiêu 5 năm sau cao gấp đôi 5 năm trước như định hướng tại Nghị quyết Trung ương 7 (Khóa X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn và Nghị quyết số 26/2012/QH13 của Quốc hội.

Đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao khoa học công nghệ, trong đó ứng dụng mạnh mẽ công nghệ cao, công nghệ số trong toàn bộ các khâu của chuỗi giá trị, kết nối đồng bộ với các ngành, lĩnh vực khác để hình thành nền sản xuất nông nghiệp thông minh, sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên, giải phóng lao động, nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng.

Phát triển thị trường, cần coi trọng cả xuất khẩu và thị trường trong nước, triển khai chương trình “Đưa hàng hóa từ nông thôn vào thành thị” cũng như theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, thiên tai để chủ động chỉ đạo sản xuất.

Tin cùng chuyên mục