Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Ảnh: Trung tâm báo chí Quốc hội |
Chiều 22/11, Quốc hội biểu quyết thông qua dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương với 431 đại biểu tán thành (tỷ lệ 89,23%); 12 đại biểu không tán thành (2,48%); 5 đại biểu không biểu quyết (1,04%).
Tại Luật mới được thông qua, Quốc hội bổ sung một số thẩm quyền cho Chính phủ, Thủ tướng và các Bộ trưởng.
Với Thủ tướng, bên cạnh 11 nhóm nhiệm vụ và quyền hạn theo Luật hiện hành, Luật mới bổ sung thêm quy định: Người đứng đầu Chính phủ có quyền chỉ đạo việc quản lý cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập; phân cấp hoặc ủy quyền thực hiện những nội dung thuộc thẩm quyền về quản lý công chức, viên chức...
Ngoài ra, Luật cũng bổ sung cho Thủ tướng thẩm quyền quyết định thành lập, sáp nhập, giải thể các cơ quan, tổ chức khác thuộc UBND cấp tỉnh; thành lập hội đồng, ủy ban hoặc ban khi cần thiết để giúp lãnh đạo Chính phủ nghiên cứu, chỉ đạo, phối hợp giải quyết những vấn đề quan trọng liên ngành.
So với Luật Tổ chức Chính phủ 2015, Luật mới đã bỏ quy định Thủ tướng quyết định tiêu chí, điều kiện thành lập, giải thể cơ quan chuyên môn đặc thù, chuyên ngành thuộc UBND tỉnh, huyện. Theo giải trình của Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định, những nội dung này đã chuyển sang thuộc thẩm quyền của Chính phủ.
Bộ trưởng sẽ có thêm quyền cho từ chức và biệt phái cán bộ, công chức, viên chức của các đơn vị trực thuộc; điều động, luân chuyển, biệt phái người đứng đầu hoặc cấp phó của đơn vị trực thuộc.
Đồng thời, Luật quy định, nếu Chủ tịch HĐND hoặc Trưởng ban HĐND là đại biểu chuyên trách thì sẽ có một cấp phó chuyên trách. Nếu Chủ tịch HĐND hoặc Trưởng ban HĐND là đại biểu kiêm nhiệm thì sẽ có hai cấp phó chuyên trách.