Câu chuyện thiếu vốn đầu tư, nhất là cho hạ tầng là nội dung được thảo luận xuyên suốt trong 2 ngày lãnh đạo Chính phủ đối thoại trực tuyến với các địa phương. Đã thành thông lệ, hội nghị diễn ra dịp cuối năm có nhiệm vụ chính là kiểm điểm lại công tác điều hành của Chính phủ, đồng thời hiến kế về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu để thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách năm tới.
Sau báo cáo của các bộ, ngành, đã có 17 ý kiến phát biểu của lãnh đạo địa phương và 20 lượt trao đổi, giải đáp của các thành viên Chính phủ, với những ý kiến được Thủ tướng đánh giá là “tâm huyết, trách nhiệm”.
Dù vậy, trong khi các “sáng kiến” từ địa phương còn có phần thưa vắng, đa số lãnh đạo tỉnh, thành phố chủ yếu bày tỏ tinh thần “nhất trí cao” với những đánh giá của Chính phủ về tình hình năm qua, cũng như dự thảo nghị quyết sẽ ban hành đầu năm mới. Bên cạnh đó, nhiều người đứng đầu cũng tranh thủ cơ hội hiếm có trong năm để “xin” Trung ương cơ chế chính sách, thậm chí là “tiền tươi” nhằm giải quyết những tồn tại ở địa bàn mình quản lý.
Là địa phương đóng góp lớn vào GDP cả nước, song cũng có nhu cầu đầu tư khổng lồ, tân Chủ tịch TP HCM - Nguyễn Thành Phong đã dành phần lớn thời lượng phát biểu để nêu một loạt kiến nghị: Từ xem xét hỗ trợ cơ chế tạo vốn bằng bảo lãnh Chính phủ đến tạo điều kiện cho phát hành trái phiếu đô thị để phục vụ xây dựng các công trình giao thông...
Thủ tướng cho rằng các địa phương cần biết huy động nguồn lực trong dân, từ doanh nghiệp để đầu tư.Ảnh: VGP
Cùng với đó, thành phố mong Chính phủ ưu tiên dùng vốn vay ODA nhằm thực hiện các dự án lớn như xe buýt nhanh, trung tâm điều hành giao thông, dự án nạo vét luồng Soài Rạp giai đoạn 3, hay cho việc cải thiện môi trường nước...
“Luật Ngân sách 2015 có hiệu lực từ năm ngân sách 2017 quy định dư nợ vay của TP HCM không vượt quá 60% thu ngân sách được hưởng theo phân cấp cộng thêm dư nợ vay các nguồn nước ngoài của Chính phủ. Như vậy, nếu tính thêm dư nợ vay nước ngoài vào tổng dư nợ vay của ngân sách địa phương thì thành phố không có khả năng vay mới”, Chủ tịch Nguyễn Thành Phong lo ngại và đề xuất được nới tỷ lệ vay của chính quyền địa phương cho hai thành phố lớn.
Trong khi đó, lãnh đạo Tiền Giang thì đi vào kiến nghị cụ thể là xin trung ương giúp đỡ 250 tỷ đồng để đầu tư một bệnh viện quy mô 1.000 giường nhằm giúp đồng bào các tỉnh miền Tây không phải lên tận TP HCM chữa trị.
Với Ninh Thuận, người đứng đầu tỉnh này cho hay do vừa trải qua đợt hạn hán lịch sử nên vấn đề cấp bách là ưu tiên cho các công trình chống hạn. Dù đã được Trung ương đồng ý cho dùng vốn dự phòng xây dựng 4 hồ chứa nước nhưng tiền thật vẫn chưa về, khiến địa phương sốt ruột. Còn tỉnh Sơn La, do là địa bàn miền núi còn nhiều khó khăn, đại diện tỉnh này đề nghị Chính phủ hỗ trợ địa phương trong việc kiên cố hóa các tuyến đường liên xã.
Là một trong những thành viên Chính phủ đầu tiên trả lời các kiến nghị của các địa phương, song Bộ trưởng Nông nghiệp & Phát triển nông thôn cũng “tranh thủ” kiến nghị khi cho rằng đầu tư cho nông thôn không chỉ có cơ sở hạ tầng mà công tác phòng chống dịch bệnh, thiên tai và đặc biệt là vệ sinh an toàn thực phẩm cũng cần được tăng cường.
Chia sẻ với các tỉnh thành về những vấn đề cấp bách trong đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng song Bộ trưởng Kế hoạch & Đầu tư - Bùi Quang Vinh cho biết Luật Đầu tư công đã quy định rõ trình tự thủ tục cũng như việc thẩm định tính cấp bách của các dự án. “Tới đây, khi làm kế hoạch đầu tư công trung hạn, chúng tôi sẽ trao đổi sâu thêm với các địa phương”, Bộ trưởng trấn an.
Tương tự, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng rất thông cảm với áp lực về đầu tư hạ tầng ở địa phương vì đây là lĩnh vực cần vốn lớn, lại là tiêu chí để đánh giá năng lực cạnh tranh hay cải thiện môi trường đầu tư của cả nước và mỗi tỉnh thành. Tuy nhiên, người đứng đầu Chính phủ lưu ý đầu tư không chỉ biết dựa vào nguồn ngân sách, trái phiếu mà phải biết huy động từ người dân, nguồn lực trong xã hội.
“Nếu cứ thiếu tiền là xách cặp chạy ra Hà Nội xin là không được. Phải tạo ra thể chế, cơ chế đầu tư từ nguồn vốn xã hội”, Thủ tướng chỉ đạo.